Gieo 'hạt giống đỏ', động lực phát triển doanh nghiệp - Bài cuối: Gắn kết để phát triển bền vững

Thực tiễn cho thấy, khi đã thấu hiểu, doanh nghiệp, người lao động ngoài khu vực Nhà nước luôn sẵn sàng tham gia và góp sức xây dựng đảng, xây dựng quê hương, đất nước.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao Quyết định thành lập Chi bộ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tháng 2/2024. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao Quyết định thành lập Chi bộ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tháng 2/2024. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang thực hiện đồng bộ, rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu nhằm phát triển đảng trong doanh nghiệp tư nhân, vốn nước ngoài.

Qua đó, từng bước hiện thực hóa đường lối của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các tổ chức đảng gắn kết với Ban lãnh đạo doanh nghiệp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Chỉ đạo xuyên suốt toàn hệ thống chính trị

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (gọi tắt là Kết luận số 80-KL/TW), Đảng ủy các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố để chỉ đạo xuyên suốt toàn hệ thống chính trị, đến từng cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 80-KL/TW thành phố, từ khi thực hiện Kết luận số 80-KL/TW đến nay, thành phố đã thành lập được 156 tổ chức đảng, phát triển được 2.638 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đây là kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn nhiều đơn vị kinh tế tư nhân có tiềm năng phát triển tổ chức đảng. Thời gian tới, cấp ủy các cấp, địa phương, đơn vị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức đảng trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có nhiều lao động.

Thành ủy Đà Nẵng đang nghiên cứu, sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức đảng, đảng viên là công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ đề xuất chính sách ưu tiên riêng đối với doanh nghiệp có tổ chức đảng nhằm tạo điều kiện, động lực thu hút doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Để tiếp cận các doanh nghiệp FDI, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo ban hành tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về Đảng bằng song ngữ Anh - Việt ngắn gọn, súc tích, hiệu quả cao. Để thu hút được doanh nghiệp FDI tại nhiều quốc gia hơn, thời gian tới, thành phố tiếp tục soạn tài liệu bằng tiếng Nhật, Hàn, Trung…

Bà Đinh Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Quyết định thành lập Chi bộ Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất tháng 2/2024. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Bà Đinh Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Quyết định thành lập Chi bộ Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất tháng 2/2024. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Tại Quảng Ngãi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi Vũ Minh Tâm cho biết, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nghiên cứu thực tiễn từng địa phương để có phương pháp vận động, tuyên truyền phù hợp, nhất là ở các Khu kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Quảng Phú, Khu Công nghiệp Tịnh Phong… Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch khảo sát, nắm tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngoài Nhà nước để hỗ trợ thành lập tổ chức đảng, trước hết là những doanh nghiệp có nhiều lao động và có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo bà Đinh Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến xem xét đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, trong đó, quy định rõ trách nhiệm chủ doanh nghiệp phải tạo điệu kiện cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức và hoạt động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trung ương cần có quy định, hướng dẫn cụ thể riêng, đặc thù cho các loại hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp trong công tác xây dựng Đảng và công tác thu chi về tài chính đảng theo hướng đơn giản hơn, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Quảng Ngãi cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần bổ sung quy định về tăng chế độ phụ cấp trách nhiệm cấp ủy, Bí thư Chi bộ; chế độ phụ cấp cho cấp ủy viên ở Đảng ủy bộ phận, các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở để khuyến khích, động viên cán bộ làm công tác đảng.

Chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, nếu chủ doanh nghiệp chưa chuyển biến trong nhận thức thì dẫu có thành lập được tổ chức đảng cũng khó có thể hoạt động hiệu quả. Để làm tốt công tác tuyên truyền, giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu sâu sắc về công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các cấp ủy đảng phải tập trung quan tâm đến doanh nghiệp. Nơi nào chưa có Công đoàn thì vận động thành lập Công đoàn để đoàn viên sinh hoạt, sẻ chia tâm tư, nguyện vọng, tạo cầu nối với chủ doanh nghiệp. Từ đó, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp để họ tự nguyện xin vào Đảng (nếu chưa là đảng viên) hoặc tạo điều kiện thuận lợi để thành lập tổ chức đảng ở nơi đủ điều kiện. Tại các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, các cấp ủy cấp trên phải thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ cách thức sinh hoạt đảng phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiệm vụ công tác đảng tại doanh nghiệp phải gắn với hoạt động kinh doanh mới mang lại hiệu quả tích cực.

Bà Đinh Thị Hồng Minh (trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao Quyết định Bí thư Chi bộ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho ông Lưu Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Bà Đinh Thị Hồng Minh (trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao Quyết định Bí thư Chi bộ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho ông Lưu Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng địa phương, nhiều chủ doanh nghiệp đã có chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng, nhận thấy những thuận lợi mà tổ chức cơ sở đảng đem lại. Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, Giám đốc, Bí thư Chi bộ Công ty Cổ phần In, phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam cho biết, ở công ty, công tác xây dựng đảng luôn được đặt ngang hàng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi bộ công ty hiện có 29 đảng viên là lực lượng nòng cốt trong tất cả phòng, ban, xưởng sản xuất.

Các đảng viên là những người được học tập, nghiên cứu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên có nhận thức tốt hơn người lao động bình thường. Bên cạnh đó, khi có Chi bộ đảng, hoạt động của Công đoàn cũng nền nếp, hiệu quả hơn. Đời sống và chế độ, chính sách đối với người lao động được Chi bộ, Công đoàn quan tâm nên nhiều năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn ổn định, người lao động yên tâm công tác.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Bình, Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thanh Lịch (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhận định: Tổ chức đảng và doanh nghiệp có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Các nhân tố ưu tú sẽ được bồi dưỡng, tạo điều kiện kết nạp vào hàng ngũ của Đảng theo nguyện vọng. Khi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, Đảng sẽ lãnh đạo toàn diện, tu dưỡng, rèn luyện giúp người đảng viên có phẩm chất đạo đức và lối sống chuẩn mực. Họ trở lại là những lao động có ý thức, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển.

Theo Lê Quang Bình, doanh nghiệp muốn phát triển, đoàn kết cao rất cần những “hạt giống” có ý chí và đảng viên ưu tú như vậy. Vì thế, có thể nói, phát triển đảng là mục tiêu quan trọng hàng năm của doanh nghiệp.

Ông Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng Nhân sự là Bí thư Chi bộ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Ông Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng Nhân sự là Bí thư Chi bộ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Thực tiễn cho thấy, khi đã thấu hiểu, doanh nghiệp, người lao động ngoài khu vực Nhà nước luôn sẵn sàng tham gia và góp sức xây dựng đảng, xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, nhận thức cho đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị cũng khẳng định, “đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Việc các địa phương tập trung triển khai hiệu quả công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước sẽ có tác dụng quan trọng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phù hợp thực tế công cuộc đổi mới đất nước, góp phần lãnh đạo thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quốc Dũng - Trần Tĩnh - Phạm Cường - Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gieo-hat-giong-do-dong-luc-phat-trien-doanh-nghiep-bai-cuoi-gan-ket-de-phat-trien-ben-vung/343068.html