Gieo mầm hạnh phúc

Từ năm 2019, khi trường học hạnh phúc được chú trọng triển khai, nhiều cơ sở giáo dục đã tự tìm đến những mô hình tiêu biểu để học và thực hiện.

Cô giáo Lê Thị Mai Lan, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Dũng, huyện Kim Thành (Hải Dương).

Cô giáo Lê Thị Mai Lan, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Dũng, huyện Kim Thành (Hải Dương).

Đã có những trường học thành công, nhưng không ít nơi mới chỉ dừng lại ở mức “phong trào”, trong đó, có một nguyên nhân rất đáng để xem xét là “hiệu trưởng đứng ngoài” thực hành các hoạt động.

Các nghiên cứu về phát triển tổ chức, đặc biệt điều hướng về văn hóa cho thấy vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Trong các mô hình triển khai trường học hạnh phúc thành công ở Việt Nam, có thể kể đến Dự án “Hiệu trưởng – Người gieo mầm hạnh phúc” do Quỹ Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam thực hiện.

Dự án này đã xác định đối tượng có sự ảnh hưởng đến thay đổi môi trường giáo dục là hiệu trưởng, với quan điểm hiệu trường là người chủ động có khả năng dẫn dắt định hướng, khởi nguồn kiến tạo nhà trường và là người đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Việc xác định đối tượng hướng tới giúp dự án phát triển từ gốc rễ của vấn đề khi xây dựng mô hình của mình, đồng thời đảm bảo sự bền vững ngay cả khi dự án kết thúc.

Kết quả nghiên cứu và triển khai của dự án cho thấy việc tập trung vào nâng cao nhận thức, cung cấp cơ sở khoa học và lí luận thực tiễn về hạnh phúc, xây dựng trường học hạnh phúc cho đối tượng học viên - các hiệu trưởng là rất cần thiết. Hiệu trưởng khi có đủ nhận thức và kỹ năng, sẽ là người thực hiện lan tỏa và triển khai tốt nhất mô hình đến giáo viên, nhân viên, học sinh phụ huynh của mình.

Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Các kỹ năng hiệu trưởng cần được bồi dưỡng và rèn luyện gồm: Xây dựng tầm nhìn về trường học hạnh phúc; phân tích tình hình trường học hạnh phúc; xác định mục tiêu ưu tiên để xây dựng Kế hoạch phát triển Trường học hạnh phúc phù hợp với tầm nhìn và tình hình thực tế nhà trường; xác định các hoạt động, nguồn lực phù hợp với mục tiêu để xây dựng trường học hạnh phúc;

Ngoài ra, hiệu trưởng cần tổ chức triển khai xây dựng trường học hạnh phúc ở cơ sở giáo dục; Tổ chức giám sát, đánh giá xây dựng trường học hạnh phúc; biết cách lan tỏa hạnh phúc tới giáo viên, học sinh, phụ huynh và mọi người xung quanh; biết cách kết nối đồng hành với giáo viên và phụ huynh để giáo dục học sinh tốt hơn; kỹ năng sắp xếp công việc tránh tình trạng căng thẳng cho bản thân để giảm sự tiêu cực đến mọi người.

Kiến tạo tầm nhìn + Khơi dậy niềm tin + Thực thi chiến lược + Trao quyền và tạo động lực đó là những gì một Hiệu trưởng - nhà Quản lí giáo dục sẽ cần thực hiện để giúp trường học của họ thành công thực sự. Việc xây dựng trường học hạnh phúc ở bất kì trường học nào cũng có thể đạt được những thành tựu nhờ sự thay đổi của hiệu trưởng và tác động của họ đến toàn bộ nhà trường. Dù có được trao quyền nhiều hơn, nhưng không phải hiệu trưởng nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận để tự học, tự thay đổi, tự nhận thức được về mô hình, cách thức xây dựng trường học hạnh phúc.

Để giúp các hiệu trưởng có động lực và được hỗ trợ trong xây dựng trường học hạnh phúc, cần thiết phải thúc đẩy hạnh phúc ở cấp độ trường học qua các chính sách. Bộ GD&ĐT sớm ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện trường học hạnh phúc một cách bài bản từ Trung ương xuống để địa phương có căn cứ thực hiện.

Vào đầu năm học, sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc”...; Các địa phương cần ưu tiên bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo thông qua tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về khóa học “Trường học hạnh phúc” cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.

Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc điển hình để các địa phương đi tham quan học hỏi trực tiếp hoặc qua các tài liệu thực tế cùng với đầu tư cơ sở vật chất tương xứng. Đẩy mạnh truyền thông về trường học hạnh phúc như là một mô hình trường học bền vững, một cách tiếp cận để cải thiện trải nghiệm học tập cho người học; tạo động lực cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Chu Cẩm Thơ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gieo-mam-hanh-phuc-post636922.html