'Gieo mầm' văn hóa đọc

Đến thời điểm hiện tại, cô Nguyễn Thị Hồng, nhân viên thư viện Trường tiểu học Tân Khai A, huyện Hớn Quản là cá nhân duy nhất của tỉnh Bình Phước đoạt Giải thưởng phát triển văn hóa đọc, được trao vào tháng 3-2024. Không chỉ có rất nhiều giải pháp hay góp phần phát triển văn hóa đọc cho học sinh, sáng kiến 'Biện pháp cải tạo mở rộng không gian đọc sách cho học sinh ở Trường tiểu học Tân Khai A' của cô đã được huyện Hớn Quản công nhận và triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương.

Chia sẻ về thành tích đạt được, cô Hồng bày tỏ: Với tôi, giải thưởng này là sự công nhận cho những nỗ lực trong việc khuyến khích đọc sách và phát triển thói quen đọc trong học sinh. Đây là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo và cải tiến các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong trường học.

Mở rộng không gian đọc

Ở trường học, thư viện là nơi cung cấp nguồn tri thức phong phú, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh bổ sung, mở rộng, nâng cao kiến thức. Chính vì vậy, việc cải tạo, mở rộng không gian đọc sách cho học sinh ở Trường tiểu học Tân Khai A là đóng góp rất quan trọng trong việc kết nối bạn đọc với thư viện. Nhờ những sáng tạo của cô Hồng mà hiện nay ngoài thư viện trường, học sinh còn có nhiều góc đọc khác như trước cửa thư viện, góc cầu thang, góc thư viện lớp… Các góc này được cô Hồng trang trí với nhiều gam màu tươi sáng, thu hút sự chú ý của học sinh.

Học sinh chăm chú đọc sách trong tiết học tại thư viện Trường tiểu học Tân Khai A

Học sinh chăm chú đọc sách trong tiết học tại thư viện Trường tiểu học Tân Khai A

Từ ngày có những góc đọc thân thiện, các em học sinh Trường tiểu học Tân Khai A có nhiều vị trí thích hợp để tự lựa chọn tài liệu mình cần một cách thuận tiện. Các em còn có thể đọc sách trong thời gian chờ ba mẹ đón về cuối mỗi buổi học hoặc có thể viết, vẽ... những ý tưởng sáng tạo với không gian đọc mát mẻ, thoáng đãng. Những không gian đọc thân thiện này đã tăng thêm hiểu biết về mọi lĩnh vực khoa học, văn hóa, xã hội, học tập và đời sống cho phần lớn học sinh trong trường, đặc biệt với các em học sinh dân tộc thiểu số. Hằng tuần, hằng tháng, cô Hồng còn luân chuyển sách từ góc này sang góc khác, nhằm giúp bạn đọc có nhiều sự lựa chọn mới mẻ.

Một tiết học thư viện tại Trường tiểu học Tân Khai A

Một tiết học thư viện tại Trường tiểu học Tân Khai A

Ngoài mở rộng không gian đọc sách cho học sinh, cô Hồng còn vận động đóng góp cơ sở vật chất, vốn tài liệu, phương tiện hoạt động cho các mô hình tổ chức không gian văn hóa đọc phục vụ cộng đồng hiệu quả. Qua phong trào quyên góp sách từ giáo viên và học sinh trong toàn trường, thư viện trường đã được bổ sung nhiều cuốn sách hay, trong đó có những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của địa phương mang nội dung giáo dục cao, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ sách cho học sinh vì chính các em đã đóng góp vào tủ sách. Hoạt động này cũng giúp phát huy tối đa nguồn tài sản của thư viện, số lượng sách trong thư viện được luân chuyển thường xuyên, liên tục.

Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VI là dấu ấn quan trọng không chỉ với cá nhân tôi mà còn với thư viện Trường tiểu học Tân Khai A. Đối với thư viện, sẽ khuyến khích học sinh tham gia nhiều hơn các hoạt động đọc sách, từ đó phát triển khả năng tư duy, sáng tạo và mở rộng kiến thức, tạo môi trường học tập tích cực, nơi mà việc đọc sách trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng, nhân viên thư viện Trường tiểu học Tân Khai A, huyện Hớn Quản

Đa dạng hoạt động khuyến đọc

Nhằm phát huy hiệu quả nguồn thông tin tri thức từ thư viện trường, cô Hồng đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động thú vị để khuyến khích học sinh đọc sách. Điển hình như tổ chức ngày hội sách toàn trường 2 lần/năm học; giới thiệu sách thường xuyên dưới cờ và tại thư viện theo chủ đề từng tháng. Ngoài ra, thư viện còn có các hoạt động triển lãm sách, đố vui về sách, thi kể chuyện theo sách hay vẽ tranh theo bìa sách… Để phát triển thói quen đọc sách trong học sinh tiểu học, cô Hồng dày công tìm hiểu sở thích, hỗ trợ các em lựa chọn sách phù hợp, đặc biệt khuyến khích học sinh đọc theo nhóm nhằm tạo sự kết nối, chia sẻ ý tưởng hoặc kết hợp đọc sách với các hoạt động nghệ thuật như viết hoặc kể chuyện để việc đọc trở nên thú vị và thu hút hơn.

Để khắc phục sự thiếu hụt tài liệu và các đầu sách chưa phong phú, ngay từ đầu năm học cô Hồng tổ chức điều tra nhu cầu đọc sách của học sinh toàn trường nhằm có kế hoạch bổ sung sách phù hợp. Cô còn chủ động trao đổi liên thông thư viện với các trường tiểu học trong huyện và phát động phong trào quyên góp sách tới bạn đọc, phụ huynh, học sinh trong trường. Để giúp các em tìm thấy niềm vui đọc sách, cô Hồng sáng tạo nhiều hoạt động thú vị như tiết đọc thư viện, kể chuyện theo sách, tạo ra các góc nhỏ trong thư viện như góc vẽ theo sách, góc viết cảm nghĩ về sách và khuyến khích học sinh tham gia đọc sách ở bất kỳ đâu.

Học sinh Trường tiểu học Tân Khai A để lại “dấu ấn” tại thư viện trường

Học sinh Trường tiểu học Tân Khai A để lại “dấu ấn” tại thư viện trường

Điểm khác biệt là trong thư viện Trường tiểu học Tân Khai A có một nơi đặc biệt để học sinh lưu lại “dấu ấn” của mình. Đó là sau mỗi lần đến thư viện đọc sách, các bạn sẽ để lại lời nhắn, hình vẽ, bài cảm nhận... như một hình thức điểm danh. Hằng tháng, cô Hồng tổng hợp và khen thưởng những bạn chăm đến thư viện đọc sách bằng những phần quà nhỏ nhằm động viên tinh thần.

Cô Hồng cho biết, tương lai cô sẽ thành lập câu lạc bộ đọc sách dành cho học sinh, tạo ra một cộng đồng yêu thích đọc sách trong nhà trường; phát triển các hoạt động đọc trực tuyến bằng việc xây dựng thư viện điện tử; xây dựng video giới thiệu sách để thu hút học sinh. Cô cũng ấp ủ kế hoạch đào tạo kỹ năng đọc và nghiên cứu cho học sinh bằng việc tổ chức các buổi hướng dẫn cách đọc hiệu quả, tìm kiếm thông tin và sử dụng thư viện, nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết, từ đó tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích học sinh khám phá và sáng tạo.

Thư viện Trường tiểu học Tân Khai A hiện có vốn tài liệu thực tế trong kho 9.942 bản sách. Năm học 2023-2024, thư viện đã tổ chức 18 lần giới thiệu sách (trong đó có 4 video); vẽ tranh theo sách, 8 lần kể chuyện dưới cờ; 8 lần trưng bày sách theo chủ đề từng tháng; 4 lần triển lãm sách theo chủ đề; 4 đợt đố vui thử trí thông minh dưới cờ; giao lưu kể chuyện theo sách; 32 tiết học thư viện cho học sinh 32 lớp; quyên góp được 424 cuốn sách cũ. Số học sinh mượn sách, truyện đạt tỷ lệ 87,4% (989 em).

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/164318/gieo-mam-van-hoa-doc