'Gieo' màu xanh trên vùng đất khó
Nhiều bạn trẻ đã chọn chính quê hương mình để phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cải kale vốn là loài rau có nguồn gốc từ phương Tây nhưng lại bén đất Bắc Hà và cho ra những sản phẩm chất lượng, nhưng ít người biết mô hình trồng cải kale lớn nhất Lào Cai lại ở một trong những thôn khó khăn nhất Bắc Hà của chàng thanh niên người Mông tên Giàng Quáng Tiên.
Dẫn chúng tôi đến tham quan trang trại rộng 3 ha trồng cải kale ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, anh Giàng Quáng Tiên say sưa giới thiệu về quá trình chinh phục loại cây trồng này. Anh Tiên cùng một người bạn xây dựng trang trại từ năm 2020. Trong thực hiện mô hình, anh trăn trở với ý tưởng phải chế biến cải kale chứ không chỉ trồng để tiêu thụ rau tươi, bởi khi thị trường bão hòa, rau tươi sẽ rất khó đạt lợi nhuận.
Nghĩ là làm, anh nhập máy sấy lạnh về để chế biến bột cải kale. Ưu điểm của sấy lạnh là giữ nguyên được màu, vị và vitamin trong cải. Rau sấy 32 tiếng đồng hồ thì được thành phẩm khô, sau đó đem nghiền thành bột mịn. Mỗi năm, ngoài bán rau tươi cho các siêu thị, chợ đầu mối, anh Tiên còn tiêu thụ được 400 kg bột cải kale. Sau khi trừ chi phí, mô hình cho lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Trang trại trồng rau cũng tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Anh Giàng Quáng Tiên cho biết: Dự định của chúng tôi là mở rộng thị trường tiêu thụ bột cải kale cho các cơ sở chế biến thực phẩm, làm bánh, làm bún khô, các siêu thị, chợ… Hiện chúng tôi mới liên kết được cơ sở sản xuất bún khô kale và đang tích cực tìm kiếm thị trường qua mạng xã hội.
Làm giàu từ cây địa lan
Tả Phìn (Sa Pa) có nhiều mô hình trồng địa lan đem lại giá trị kinh tế cao. Nắm trong tay kỹ thuật, kinh nghiệm trồng và chăm sóc, không ít bạn trẻ người dân tộc thiểu số đã làm giàu từ cây trồng này.
Năm 2019, anh Sùng A Sa ở xã Tả Phìn mở rộng quy mô trồng địa lan của gia đình lên hơn 400 chậu. Hoa địa lan không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng có yêu cầu chặt chẽ về điều kiện khí hậu, thời tiết. Để có một chậu hoa đẹp (từ 10 - 20 cành) phải mất thời gian chăm sóc khoảng 3 - 4 năm. Thông thường, 1 chậu địa lan có giá từ 1 đến 6 triệu đồng, những chậu to, nhiều bông, bông to, đều thì giá bán có thể lên tới 8 - 10 triệu đồng. Mỗi năm thu nhập bình quân từ trồng địa lan giúp gia đình anh Sùng A Sa thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.
Hiệu quả từ mô hình trồng địa lan của anh Sa đã thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm, anh cũng nhiệt tình hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp từ trồng địa lan. Đến nay, xã Tả Phìn có khoảng 40% thanh niên phát triển kinh tế từ trồng hoa và trồng địa lan…
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Si Ma Cai không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, bên cạnh đó, tư duy sản xuất của người dân địa phương vẫn hạn chế, ngại đổi mới. Thế nhưng trong những năm qua, không ít phụ nữ vùng cao Si Ma Cai đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là mô hình trồng dưa chuột trong nhà kính của chị Giàng Thị Dở ở thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn.
Năm 2022, chị Giàng Thị Dở quyết định đầu tư 1.000 m2 nhà kính để trồng giống dưa chuột địa phương. Dưa địa phương thường được người dân Quan Hồ Thẩn trồng xen canh với ngô, quả to, già mới thu hoạch, năng suất và giá trị kinh tế không cao. Nhận thấy tiềm năng từ giống dưa chuột này, chị Dở đã đưa vào trồng trong nhà kính.
Theo chị Giàng Thị Dở, ưu điểm của việc trồng dưa chuột trong nhà kính là giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ chăm sóc giúp dưa sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất và chất lượng dưa trồng trong nhà kính cũng tốt hơn so với trồng xen canh với nương ngô. Dưa ăn giòn, ngọt, thơm, 1.000 m2 cho lãi hơn 30 triệu đồng.
Đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Quan Hồ Thẩn, từ đó lan tỏa tư duy sản xuất mới đến người dân vùng cao huyện Si Ma Cai. Không chỉ duy trì cây ngô truyền thống, người dân cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất với lối canh tác hiện đại, cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Những người trẻ vùng cao ngày càng năng động, sáng tạo, họ không ngại thất bại, sẵn sàng thử sức với loại cây, con mới. Cũng từ sự sáng tạo ấy mà ở những vùng đất khó khăn, thậm chí ở vùng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt vẫn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không còn là thoát nghèo, họ hoàn toàn có thể làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365818-gieo-mau-xanh-tren-vung-dat-kho