Gieo những mầm xanh trên triền đá Pải Lủng

BHG - Giữa muôn trùng đá xám, những mầm xanh tươi tốt đang vươn mình nảy nở nơi vùng cao Pải Lủng (Mèo Vạc). Đó là những quả ngọt từ việc thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) theo Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Với sự kiên trì, bền bỉ của người dân nơi đây, những vườn rau 4 mùa xanh tốt đã giúp đồng bào dân tộc Mông đổi thay cuộc sống từng ngày.

Với đặc thù là xã thuần nông, có 100% cư dân sinh sống và tạo sinh kế ở khu vực nông thôn. Nhưng với tinh thần siêng năng, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, nông dân nhiều nơi trong xã đã mạnh dạn CTVT hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực tế của gia đình. Nhờ áp dụng tốt những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sản xuất các loại cây trồng đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên hầu hết các mô hình của người dân đều đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Chị Thò Thị Súa chăm sóc vườn rau của gia đình.

Chị Thò Thị Súa chăm sóc vườn rau của gia đình.

Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng rau sạch với quy mô lớn, sau gần 2 năm áp dụng anh Ly Mí Già, ở thôn Thào Lủng khẳng định mình đã có hướng đi đúng với mô hình này. Chúng tôi gặp anh Già và được anh chia sẻ về hành trình vươn lên thoát nghèo. Ở đây, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa và hai vụ ngô. Như gia đình anh Già trước đây, hết hai vụ, anh thu hoạch được khoảng 2 tấn lúa và 4 tấn ngô. Nghe con số thì lớn nhưng tính ra tiền cũng chỉ được vài chục triệu đồng, trong khi gia đình anh Già có khá nhiều đất canh tác nhưng lại bỏ hoang hoặc trồng nhiều loại cây khác nhau, giá trị kinh tế thấp. Sau khi chuyển hướng sang trồng các loại rau phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương như: Bắp cải, Su hào, rau Cải… Rau khi cho thu hoạch được các thương lái bên Đồng Văn sang thu mua tận vườn. Mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng.

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm gia đình chị Thò Thị Súa, ở thôn Pải Lủng. Bên khu vườn xanh mát với nhiều loại cây trồng, vật nuôi được quy hoạch khang trang, rào chắn gọn gàng, chị Súa chia sẻ: “Vườn nhà tôi trước đây hoang sơ lắm, chỉ trồng vài loại rau đủ dùng cho gia đình, có dư thì mang xuống chợ bán, còn lại bỏ hoang nhiều. Đến khi nghe các bác ở trên huyện, xã nói về Chương trình CTVT, tôi cũng lấn cấn, không biết bắt đầu từ đâu, nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả”.

Bắt đầu CTVT từ tháng 4.2023, gia đình chị Súa ngay từ những ngày đầu đã được các cán bộ nông nghiệp cùng các đoàn thể xã xuống trực tiếp hướng dẫn bố trí lại vườn, xây dựng chuồng trại một cách khoa học; tiếp đó lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Cùng số vốn hỗ trợ ban đầu là 23 triệu đồng, chị Súa đầu tư mua thêm giống cây trồng, nuôi thêm lợn, gà, vịt để cải thiện thu nhập. Chỉ hơn 1 năm sau đó, mảnh vườn của gia đình chị đã có một diện mạo mới với đủ loại rau màu. Chị phấn khởi cho biết, cuộc sống bây giờ đỡ khó khăn hơn trước nhiều, còn có thêm nguồn thu ổn định từ việc chăm sóc vườn tược với khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy cách thức CTVT của gia đình anh Già và chị Súa đem lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ dân khác ở xã Pải Lủng cũng học tập và làm theo. Hơn nữa, mọi người cũng dần có ý thức hơn trong việc chỉnh trang, quy hoạch lại vườn, chuồng, tư duy về phát triển kinh tế vườn từ đó cũng có sự thay đổi rõ nét.

Đồng chí Lý Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Pải Lủng cho biết: “Ngoài hiệu quả kinh tế, việc CTVT còn góp phần mang lại hiệu quả thiết thực về môi trường, diện mạo Nông thôn mới của xã cũng khang trang hơn do được các hộ gia đình thường xuyên dọn dẹp khuôn viên nhà ở, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Năm 2024, xã Pải Lủng tiếp tục duy trì các mô hình CTVT, đồng thời nhân rộng mô hình theo đặc thù của từng thôn bản, với phương châm khai thác cây, con giống bản địa ngắn ngày, phát huy tối đa sức lao động của các hộ dân, phấn đấu các hộ nghèo, cận nghèo sau khi thực hiện mô hình đều có thu nhập và việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững”.

Thực tế cho thấy, qua thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, nhân dân trong xã Pải Lủng tích cực CTVT, chuyển đổi những mô hình sản xuất hiệu quả thấp để áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Từ đó đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Cùng với sự cần cù, nhạy bén trong lao động, sản xuất của người dân là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong định hướng phát triển sản xuất cũng như việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Đó là yếu tố góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất của nông dân rất cần được tiếp tục phát huy.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202406/gieo-nhung-mam-xanh-tren-trien-da-pai-lung-12b7dcb/