'Gieo quả ngọt ' trên đất khó

'Trên vùng đất khó, điều hạnh phúc nhất đối với tôi cũng như đồng nghiệp là đã góp phần nhỏ bé cho ngành giáo dục huyện nhà thêm khởi sắc'. Đó là chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Mậu Lâm 2, xã Mậu Lâm (Như Thanh), 1 trong 6 nhà giáo xứ Thanh được vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường TH Mậu Lâm 2 tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường TH Mậu Lâm 2 tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.

Sinh ra và lớn lên ở Mậu Lâm, một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Như Thanh, hơn ai hết cô giáo Nguyễn Thị Thủy hiểu rõ được sự vất vả trong cuộc sống của người dân cũng như sự học của học sinh nơi đây. Năm 2005, cô về công tác tại Trường TH Mậu Lâm 2. Trong 20 năm qua, bằng sự năng động, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong vai trò là Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 4 và 5, cô không ngừng đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tìm ra phương pháp, áp dụng thực hiện tốt nhất trong giảng dạy. Là người phụ trách bồi dưỡng Câu lạc bộ Toán - Tiếng Việt khối 4 và 5 của nhà trường, dưới sự dìu dắt của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, đã có nhiều học sinh đoạt giải cao tại các hội thi, giao lưu như: Trạng nguyên Tiếng Việt, giao lưu Câu lạc bộ Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh...

Bản thân cô giáo Nguyễn Thị Thủy, trong nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được xếp loại cấp huyện, tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường, tiêu biểu trong số đó là sáng kiến: “Biện pháp giúp học sinh lớp 5C Trường TH Mậu Lâm 2 làm tốt bài văn tả cảnh thông qua việc rèn kỹ năng quan sát - tham gia trải nghiệm thực tế - vẽ và giới thiệu tranh”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy nhiệt huyết với nghề, tận tâm với học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy nhiệt huyết với nghề, tận tâm với học sinh.

Về sáng kiến này, theo nhà giáo Nguyễn Thị Thủy, qua thực tế giảng dạy môn Tập làm văn nhiều năm ở lớp 5, nhận thấy, chương trình văn tả cảnh được giảng dạy thông qua hệ thống bài tập nhận xét văn bản mẫu, lập dàn ý, xây dựng các đoạn văn và liên kết các đoạn thành bài hoàn chỉnh. Nghĩa là hướng học sinh đi theo một quy trình, như vậy vốn hiểu biết và cảm xúc của các em với con người, hiện tượng, sự vật xung quanh sẽ có nhiều hạn chế. Trong khi ở môn Mĩ thuật, các em đã rất hứng thú và vẽ các bức tranh phong cảnh tương đối tốt. Vậy tại sao không để các em biến những đường nét trên bài vẽ đó thành ngôn từ, bằng chính sự cảm nhận, trải nghiệm của bản thân. “Từ sáng kiến này, giúp học sinh biết sử dụng các biện pháp nghệ thuật để miêu tả, không còn giọng văn kể lể hay liệt kê. Đồng thời, lựa chọn trình tự miêu tả hợp lý, biết chọn chi tiết tiêu biểu miêu tả, biết quan sát cảnh vật bằng nhiều giác quan. Quan trọng hơn hết, cảnh vật hiện lên sinh động bằng chính những gì các em nhìn thấy, chạm vào và được cảm nhận...”, cô giáo Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Thủy còn là tấm gương sáng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo.

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Thủy còn là tấm gương sáng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo.

Bên cạnh công tác chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thủy còn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường. Cô luôn tâm huyết với các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các buổi tư vấn tâm lý để giúp, hỗ trợ học sinh tăng cường các kỹ năng sống... Cô là tấm gương điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Trường TH Mậu Lâm 2. “Trong quá trình dạy học, cô Thủy luôn chủ động xây dựng kế hoạch, vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp dạy học hiệu quả. Với cô, giáo dục không chỉ nằm trong sách vở mà còn cần những trải nghiệm thực tế. Cô thường trao đổi thẳng thắn với học sinh, nắm bắt từng thế mạnh, điểm vượt trội để đào tạo chuyên sâu, mũi nhọn. Nhờ vậy, các em mạnh dạn hơn trong tiết học, chịu khó tìm tòi, học hỏi, biết cách kết hợp linh hoạt các nội dung kiến thức với nhau...”, thầy Đào Đình Sanh, Hiệu trưởng Trường TH Mậu Lâm 2, cho biết.

Sự tận tâm, trách nhiệm của nhà giáo Nguyễn Thị Thủy đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh...

Trên vùng đất ấy, nhà giáo Nguyễn Thị Thủy đã vượt khó để “gieo” quả ngọt, “gặt” hạnh phúc...

Bài và ảnh: Viết Trung

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gieo-qua-ngot-nbsp-tren-dat-kho-35179.htm