Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Những năm gần đây, du lịch Bắc Yên có sự phát triển mạnh mẽ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn, chủ động tham gia các mô hình kinh doanh du lịch, dịch vụ. Bằng nhiều việc làm thiết thực, sáng tạo, như thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ, giữ gìn, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu múa, nghề truyền thống... nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vùng cao Bắc Yên đã là nhân tố tích cực vừa lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống phát triển thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách.
Nhắc đến những tấm gương phụ nữ có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, không thể không nhắc đến chị Quàng Thị Ưởng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Chẹn, xã Mường Khoa, là người đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn các điệu múa, điệu khắp Thái. Không chỉ khơi dậy niềm đam mê hát dân ca, niềm yêu thích với văn hóa truyền thống dân tộc, chị Ưởng còn giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chị Ưởng chia sẻ: Trong thời kỳ hội nhập văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc như hiện nay, nếu không gìn giữ, truyền dạy, thì chẳng bao lâu nữa những giá trị truyền thống sẽ không còn. Vì thế, nhiều năm qua, tôi đã tích cực vận động hội viên tham gia đội văn nghệ của bản, cùng nhau ôn luyện và truyền dạy những điệu múa, điệu khắp Thái cổ. Tôi đã vận động chị em trong bản thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Thái, với 15 thành viên, thường xuyên sưu tầm, tổ chức luyện tập, biểu diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Năm 2019, tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông xã Tà Xùa được thành lập, góp phần giải quyết việc làm và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Tham gia tổ liên kết, các thành viên được tập huấn kiến thức cơ bản về quản lý tài chính hộ gia đình; kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh; hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và được đi học hỏi kinh nghiệm làm các sản phẩm dân tộc gắn với phát triển du lịch ở một số địa phương.
Đôi bàn tay khéo léo vừa nhịp nhàng đưa những mũi kim thêu, chị Sồng Thị Dụ, Tổ trưởng tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông xã Tà Xùa, nói: Tổ có 20 thành viên, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tạo nên những sản phẩm thổ cẩm, quà lưu niệm ấn tượng cho du khách. Trong đó, mỗi chiếc túi có giá 50-100 nghìn đồng, một bộ váy Mông giá từ 1-4 triệu đồng... đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Cùng với đó, các thành viên còn tích cực truyền dạy cho con cháu nghề thêu hoa văn truyền thống.
Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nhằm khẳng định bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Yên, cho biết: Hiện nay, huyện Bắc Yên có 136 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng bản, tiểu khu, nòng cốt là hội viên phụ nữ, tích cực tham gia các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, tạo không gian văn hóa để lưu giữ và truyền dạy cho lớp trẻ; quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với những việc làm cụ thể, hội viên, phụ nữ huyện Bắc Yên đã phát huy vai trò trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương đến du khách.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/gin-giu-ban-sac-van-hoa-dan-toc-uk4WJ3oIR.html