Gìn giữ cho mai sau
Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, tiếp đến là các dân tộc Chăm, Raglai, Cờ-ho, Hoa, Tày, Chơ-ro, Nùng… Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, nhờ vậy nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát triển và thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách.
Lưu giữ nét văn hóa của các dân tộc
Đầu tháng 4/2022, một tin vui đến với đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung là Lễ hội Katê của người Chăm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản được ghi danh lên 4 địa chỉ. Không những giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, các di sản trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với vùng đất cuối cùng khu vực Nam Trung bộ. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo Phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Toàn tỉnh hiện có 1.321 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc và 28 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng đều được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và nghiêm cấm mọi vi phạm gây tác động, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, không gian và cảnh quan môi trường của di tích, danh thắng. Đến nay, hầu hết các di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ. Các di tích được xếp hạng đều thành lập Ban Quản lý di tích, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.
Ngoài các bảo tàng tư nhân, tại Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 29.228 hiện vật gốc, 29.251 hiện vật tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày về văn hóa các dân tộc đang sinh sống ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt từ năm 2010, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình sau khi khánh thành, trở thành địa chỉ quen thuộc trong tuyến tour của các đoàn du khách muốn nghiên cứu, tìm hiểu những nét đặc trưng của người Chăm sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo tính truyền thống
Ở tỉnh ta, lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa rất phong phú và đa dạng, diễn ra ở nhiều không gian, địa điểm gắn với từng cộng đồng dân tộc sinh sống. Hầu hết các lễ hội diễn ra đúng kế hoạch, nội dung, chu kỳ, thời gian. Các nghi thức được tổ chức theo tập tục truyền thống vốn có lâu đời, không có tình trạng biến đổi, thương mại hóa hoặc lợi dụng tổ chức lễ hội tràn lan để trục lợi, gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống và việc làm ăn của nhân dân. Thời gian diễn ra lễ hội hầu hết chỉ từ 1 - 2 ngày. Một số ít lễ hội lớn nổi tiếng cũng chỉ kéo dài từ 3 - 4 ngày theo tập tục truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương và du khách.
Ban Quản lý các di tích hoặc Ban Tổ chức lễ hội đều sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ để tổ chức lễ hội. Chỉ có một số ít như Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư, Lễ hội Giỗ tổ các vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương sử dụng một phần kinh phí của Nhà nước. Trong phần hội, có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phong phú như múa lân sư rồng, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, đi cà kheo, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập niêu, biểu diễn văn nghệ, chạy việt dã, bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, cờ tướng, thi gánh cá, đan lưới, đưa thúng ra khơi… góp phần tạo sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia.
Ngoài các lễ hội truyền thống diễn ra tại các đình làng, lăng vạn (thờ cá voi), đền tháp Chăm, đền miếu, Bình Thuận đã chọn 5 lễ hội truyền thống và văn hóa tiêu biểu của các dân tộc để phục vụ phát triển du lịch gồm: Lễ hội Katê của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư, Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa (Phan Thiết) và Lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi).
Kết nối, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc
Đưa văn hóa về cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra. Trong đó thông qua nhiều hoạt động như Ngày hội đưa văn hóa về cơ sở, Liên hoan tiếng hát về nguồn, Ngày hội văn hóa - thể thao 4 xã miền núi huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Liên hoan văn nghệ quần chúng các xã nông thôn mới tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2019... những lễ hội, văn hóa truyền thống của các dân tộc lại được tái hiện, lưu truyền, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đáng mừng là tại nhiều thôn, xã nông thôn mới, nhà văn hóa đã phát huy công năng, trở thành địa chỉ sinh hoạt thường xuyên của người dân. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, đờn ca tài tử, hát then… với đủ thành phần, lứa tuổi tham gia. Những người trẻ cũng đang quay về tìm hiểu giá trị truyền thống, khi liên tục mở ra các cuộc thi sắc màu dân tộc, liên hoan thanh niên các dân tộc thiểu số, tôn giáo…
Ông Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh cho biết: Hoạt động tuyên truyền bằng lời ca, tiếng hát được nhà hát triển khai tích cực. Hàng năm, đoàn biểu diễn 100 buổi phục vụ người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Ngoài ra, nhà hát xây dựng chương trình, mở rộng giao lưu với các tỉnh, thành, tham gia cuộc thi, liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, sáng tác tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phản ánh sâu rộng mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh, của khu vực và đất nước. Có nhiều tiết mục sưu tầm, khai thác từ chất liệu dân tộc Chăm, Châu-ro, Raglay được nâng cao, dàn dựng công phu, đạt thành tích cao trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế, như các bài múa “Nữ thần Siva”, “Vũ điệu gà rừng”, “Những cô gái Raglay”, “Dâng rượu”...
Trong bối cảnh đời sống văn hóa đương đại luôn có những biến chuyển không ngừng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đang đặt ra bài toán cho cả chủ thể di sản cũng như cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu. Theo Phòng Quản lý văn hóa và gia đình, thời gian tới ngành văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai sâu rộng, có hiệu quả các đề án, quy hoạch…về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Khảo sát, đánh giá nhu cầu và nhận thức của đồng bào các dân tộc về văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình, vì chính họ đã sáng tạo ra các giá trị văn hóa, đồng thời cũng là những người bảo tồn, phát huy các giá trị đó trong đời sống xã hội hiện tại và cả trong tương lai. Bởi các giá trị văn hóa chỉ có thể được bảo tồn, phát huy khi được lưu giữ vững chắc trong ý thức của mỗi người dân và do chính người dân thực hiện. Chỉ khi nào người dân hiểu được vị trí, vai trò của họ trong hoạt động này thì họ mới có ý thức gìn giữ, nâng niu các giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó mới tích cực tự giác thực hiện có kết quả.
Hiện Bình Thuận cũng đang phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong thời gian đến. Khi đó, các hoạt động văn hóa Chăm sẽ được quảng bá sâu rộng hơn đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gin-giu-cho-mai-sau-96593.html