Gìn giữ dấu tích thành cổ Lùng Thẩn

Khám phá thành cổ Lùng Thẩn

Không quá khó khăn để chúng tôi tiếp cận khu thành cổ Lùng Thẩn, bởi chỉ mất chừng 10 phút di chuyển theo tuyến đường liên thôn và mất thêm 15 phút đi theo đường mòn. Thành cổ Lùng Thẩn tọa lạc tại thôn Na Chí Phàng, nơi có phong cảnh hùng vĩ, với những đỉnh núi sừng sững tạo thế “long chầu, hổ phục” trên độ cao từ 1.200 m đến 1.300 m so với mực nước biển. Khu thành cổ có những đoạn tường thành bằng đá nối với nhau chạy dọc khe núi và trong thung lũng Hán Dìn Phàng (theo tiếng gọi của địa phương). Thung lũng này còn mang ý nghĩa là “Thung lũng chiến thắng” nhằm khích lệ quân sĩ ra trận giành thắng lợi.

Thành cổ Lùng Thẩn là công trình kiến trúc quân sự độc đáo, được xây bằng đá vào giữa thế kỷ XIX. Người dân địa phương vẫn quen gọi là thành cổ Giàng Chẩn Mìn, bởi chính ông Mìn là người khởi xướng xây bức tường thành, cùng Nhân dân trong vùng dựng lên thành lũy chống giặc xâm lược. Sau khi ông Mìn qua đời do bệnh nặng, ông Giàng Chẩn Hùng đứng lên lãnh đạo, tiếp tục củng cố thành trì, vừa tổ chức sản xuất, vừa chống quân xâm lược, tích cực tiễu phỉ và sau đó anh dũng hy sinh trong chiến đấu.

Các đoạn tường này được xếp bằng đá, một số đoạn nối liền với những khối đá tự nhiên. Điểm đặc biệt ở đây là dựa vào địa hình, nền đất và đá vững chắc, thành được sắp xếp theo một kết cấu hợp lý, tường được xây cao, bao quanh các sườn núi hiểm trở, điểm cao nhất lên đến 2,2 m và rộng trung bình 1,2 m, bên trong có khoảng không rộng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt, tập luyện, phòng vệ… Công trình được chia làm 2 đơn nguyên kiến trúc. Đơn nguyên 1 là thành Nam, được chia làm 2 đoạn thành, có lối ra, vào rộng khoảng 3 m. Đơn nguyên 2 là thành Tây Nam để bảo vệ khu vực trong thung lũng, ông Giàng Chẩn Mìn cho xây dựng một đoạn thành dài 60 m nối liền 2 ngọn núi. Từ thành cổ có thể phóng tầm mắt, bao quát một vùng đất đai rộng lớn.

Một số di tích trong khu thành cổ Lùng Thẩn.

Một số di tích trong khu thành cổ Lùng Thẩn.

Đi cùng chúng tôi, anh Thào Seo Xà, cán bộ văn hóa xã Lùng Thẩn chia sẻ: Không có nhiều tài liệu lịch sử ghi chép về thành cổ Lùng Thẩn, nhưng giai thoại về ông Giàng Chẩn Mìn và Giàng Chẩn Hùng vẫn được các thế hệ người Mông nơi đây truyền miệng với niềm tự hào. Sau này, người dân địa phương tưởng nhớ, xây mộ, dựng bia tưởng niệm ông Giàng Chẩn Mìn ngay trong khu tường thành, còn ông Giàng Chẩn Hùng được xây mộ, chôn cất tại thôn Nàng Cáng 2, xã Lùng Thẩn.

Ngày 24/8/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3065 xếp hạng phế tích thành cổ Lùng Thẩn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Công trình tồn tại như minh chứng về một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, khẳng định vị trí chiến lược trong đấu tranh chống ách đô hộ từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX...

Lưu giữ giá trị lịch sử

Thành cổ Lùng Thẩn dù không còn nguyên vẹn nhưng vẫn còn đó những dấu tích của bức tường thành. Ông Cư Seo Quáng, Bí thư Chi bộ thôn Nà Chí Phàng đã sinh sống cùng gia đình ngay cạnh khu thành cổ. Từ thuở nhỏ, ông được bố mẹ truyền tai về những chiến công của người Mông trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Theo ông Quáng, thời điểm đó, thành cổ còn nhiều đoạn khá nguyên vẹn, thậm chí có đoạn cao vút không nhìn thấy bên kia. So với trước, hiện nay nhiều đoạn thành bị gãy, đổ do tác động của tự nhiên. Mặt khác, do tác động của con người cùng với các hoạt động sản xuất mà những bức tường thành dần bị hạ độ cao, có đoạn biến mất hoàn toàn.

Nhiều người không khỏi xót xa khi tận mắt nhìn thấy phần lớn các đoạn tường thành còn lại bị bao phủ bởi cỏ, cây, khó mà nhận ra thành lũy đặc biệt này. Một số vật dụng sinh hoạt, vũ khí và các hiện vật khác thu giữ từ thành cổ đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Cũng từ tháng 8/2021, UBND xã Lùng Thẩn đã thành lập Ban Quản lý Khu di tích Phế tích thành cổ Lùng Thẩn. Ông Sùng A Chùa, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay, do kinh phí hạn chế nên chúng tôi chỉ tập trung tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh giáo dục lịch sử địa phương trong các trường học để người dân, học sinh nhận thức được giá trị lịch sử của thành cổ Lùng Thẩn, cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ di tích này.

Cần gìn giữ những giá trị lịch sử của thành cổ Lùng Thẩn.

Cần gìn giữ những giá trị lịch sử của thành cổ Lùng Thẩn.

Huyện Si Ma Cai cũng đã nhiều lần tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng thành cổ, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ khu di tích. Ông Tô Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Trong Đề án Phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020 - 2025, Lùng Thẩn sẽ trở thành điểm du lịch trọng điểm và thành cổ Lùng Thẩn là một trong những điểm đến trong chuỗi kết nối du lịch gắn với rừng nguyên sinh, đồi đá trắng, vườn cây ăn quả ôn đới… tại địa phương. Huyện đã đề xuất với tỉnh hỗ trợ đầu tư, tôn tạo di tích thành cổ, mong nơi đây sẽ được nhiều người biết đến và trở thành điểm thu hút du khách khi đến Si Ma Cai.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364698-gin-giu-dau-tich-thanh-co-lung-than