Gìn giữ di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu
Với tâm nguyện gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của đạo Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh đã miệt mài thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong suốt hơn 40 năm qua trên quê mới Lâm Hà.
Điện Ngũ Nhạc Sơn Sùng (Thôn 1, xã Gia Lâm) do nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh (sinh 1965) gây dựng nằm trang nghiêm trên một vùng cà phê đang vào mùa đỏ quả - địa điểm này từ lâu đã trở thành nơi ngưỡng vọng tâm linh của các thanh đồng, đệ tử tín ngưỡng thờ Mẫu.
• 13 ĐỜI TIẾP NỐI THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh có đến 12 đời thờ điện, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ khi còn là cô bé lên 5, nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh đã theo cha mẹ tham gia các vấn hầu, hành lễ, quen với tiếng đàn, điệu hát, tiếng trống, tiếng phách của chầu văn. Giai điệu ngân nga, những vũ điệu cùng cờ, quạt, đao, kiếm trong không gian trang hoàng rực rỡ hương hoa dần ngấm sâu vào bà... Sớm thông hiểu mọi nghi lễ, bà là người được cha mẹ xác định có “căn số” trong các anh chị em nên được chọn sắp đặt là truyền nhân đời thứ 13 nối tiếp truyền thống gia đình bảo tồn, gìn giữ gia đạo, gìn giữ tín ngưỡng cổ xưa này của người Việt.
Tháng 2/1982, ở tuổi 17, bà Ninh từ quê hương Đoan Hùng - Phú Thọ vào Lâm Hà lập nghiệp, rồi sớm lập gia đình. Chỉ trong 6 năm (1983-1989) bà sinh liền 4 người con, 2 trai, 2 gái. Là người giữ nghiệp tổ thờ điện, giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, bà vẫn không quên những ngày tuần rằm cúng lễ, có khi chỉ là nén nhang, chén nước, lòng thành kính dâng để giữ ấm đạo nhà. Bà tâm niệm Phật Thánh luôn ở trên đầu, ở trong ta nên không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân là con ông Thánh theo đúng căn số được cha mẹ sắp đặt. Được các Mẫu thương se duyên lành, bà lấy ông Nguyễn Văn Thơm - người chồng, người cha yêu thương vợ con, chăm chỉ làm ăn, làm điểm tựa vững chắc cho gia đình, hết lòng hỗ trợ bà chăm lo cho đạo và đời. Dù gặp nhiều khó khăn về vật chất, bà luôn một lòng hướng đạo, lạc quan vươn tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Điều đó trở thành động lực giúp bà vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, để gom góp, dành dụm xây dựng nên điện Ngũ Nhạc Sơn Sùng khang trang. Từ 10 năm nay, tại đây trở thành nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, là điểm tựa tâm linh của các thanh đồng, đệ tử ở khắp trong vùng.
Từ khi tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ của người Việt được UNESCO vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016, nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh càng thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tâm linh của tín ngưỡng, trong đó có nghệ thuật chầu văn - loại hình âm nhạc đặc biệt gắn với nghi thức hầu đồng.
• GIỮ GÌN DI SẢN, SỐNG TỐT ĐỜI, ĐẸP ĐẠO
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh giải thích: Đạo Mẫu thể hiện rõ nhất tâm tư, tình cảm, đạo đức của dân tộc, đưa con người hướng đến mong muốn, tâm nguyện tốt đẹp dành cho bản thân, gia đình ngay trong đời sống thực tại. Thờ cúng những người phụ nữ (Mẫu - Mẹ) có công với cộng đồng dân tộc, cùng dân khai khẩn đất hoang, lập làng, dạy nghề, ổn định cuộc sống từ xa xưa đã trở thành đạo lý của người Việt làm nên tín ngưỡng thờ Mẫu. Gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu là những sinh hoạt văn hóa, những câu hát văn như nâng người ta lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, dạo chơi giữa thiên nhiên tươi đẹp, thoát tục, rũ bỏ mọi trần ai khổ lụy, vươn tới cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, để những câu hát chầu văn luôn vang lên ở các miếu - điện - đền - phủ nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, vào tiết Thanh minh 2021, nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh đã tổ chức giao lưu chầu văn “Hương sắc Tây Nguyên” tại điện thờ Mẫu của mình, thu hút hàng ngàn thanh đồng, tín nữ từ khắp các tỉnh Tây Nguyên tham dự. Hàng chục tiết mục hát văn đã được trình diễn, làm nên một vấn hầu lớn với đàn ca, vũ điệu, tạo nên không gian diễn xướng tâm linh, chốn linh thiêng giữa cõi thực mang đầy đủ nét đẹp văn hóa của đạo Mẫu.
Muốn đẹp đạo phải tốt đời, nghĩ vậy nên bà Ninh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhiều lần vận động đồng đạo phát quà hỗ trợ người nghèo trong xã, trong huyện bằng trách nhiệm và lòng tâm huyết nhiệt thành với cộng đồng. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, vừa cầu nguyện các Thánh Mẫu chở che cho đồng bào, ban phúc lành, phù trợ quốc thái, dân an, chúng nhân cát khánh, bách gia, đất nước đẩy lùi dịch bệnh...; bà Ninh vừa phát hàng tấn gạo cho người nghèo ở Gia Lâm, Đông Thanh và các xã lân cận. Tấm lòng của bà khiến người dân nơi đây cảm kích.
Đứng trước thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu bị bóp méo, biến tướng lệch lạc, có lúc, có nơi bị lợi dụng để bói toán, mê tín dị đoan khiến nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh nặng lòng, trăn trở. Bà càng nỗ lực để những vẻ đẹp chứa đựng trong tín ngưỡng thờ Mẫu mỗi ngày thêm phát huy giá trị, nhất là những câu hát chầu văn với vũ đạo, hóa trang, âm nhạc, ca từ chứa đựng quan niệm, ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên, với tiền nhân, với cộng đồng, dân tộc. Bà mong muốn làm cho mọi người cùng hiểu đầy đủ, hiểu đúng về giá trị gốc của di sản, để thực hành nghi lễ tín ngưỡng đúng đắn, lành mạnh, cùng nhau bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.
40 năm miệt mài thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Thị Ninh đang góp phần gìn giữ, bảo tồn và làm lan tỏa giá trị đích thực của di sản văn hóa trên quê mới Lâm Đồng, bà được vinh danh là Nghệ nhân quốc gia.