Gìn giữ điệu xòe Sơn La
Sơn La vùng đất văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó dân tộc Thái là cộng đồng đông dân nhất ở Sơn La, chiếm 54% dân số. Với bề dày truyền thống lâu đời, người Thái có nền văn hóa phong phú, đa dạng, với lời ca tiếng hát đằm thắm trữ tình, các trò chơi dân gian độc đáo... trong đó phải kể đến múa xòe.
Ảnh: TS
“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”, câu dân ca như khẳng định thêm vị trí của xòe trong đời sống đồng bào Thái. Theo các nghệ nhân am hiểu văn hóa dân gian dân tộc Thái, trước đây người Thái gọi nghệ thuật múa của mình là “xé”. Đến giữa thế kỷ XX trong tiếng Việt từ “xé” biến âm thành “xòe”. Qua thời gian, đồng bào Thái đã không ngừng xây dựng và phát triển nghệ thuật xòe đa dạng, đặc sắc về giá trị văn hóa truyền thống. Múa xòe trở thành biểu tượng của tình yêu, tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo của con người trong sinh hoạt thường ngày. Vì thế từ những cuộc vui của gia đình đến những lễ hội lớn của bản, như: xên bản, xên mường, lễ mừng cơm mới hay lễ hội hoa ban... đều tổ chức xòe. Đồng bào Thái ở Sơn La có nhiều điệu xòe, nhưng xòe vòng (xòe cộng đồng) mang ý nghĩa truyền thống, phổ biến nhất, lôi cuốn mọi đối tượng tham gia. Từ điệu xòe cộng đồng, các nghệ nhân dân gian phát triển, dàn dựng thêm điệu xòe khác (xòe biểu diễn), tiêu biểu là điệu xòe nâng khăn mời rượu, điệu xòe tung khăn, điệu xòe tiến lùi, điệu xòe bổ bốn (phá xí) và điệu xòe vỗ tay múa vòng tròn, sử dụng thêm một số đạo cụ, như: Nón, khăn với những động tác đơn giản được lấy cảm hứng từ các động tác sinh hoạt, lao động thường ngày thể hiện sự gắn kết bền vững của cộng đồng, làm cho con người gần gũi, tin yêu vào cuộc sống.
Để tạo sự thống nhất các điệu xòe, nhạc xòe phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, năm 2014, tỉnh ta đã phê duyệt Đề án “Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La”. Theo đó, tổ chức khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu nhạc xòe và các động tác xòe; hòa âm, phối khí, sản xuất CD nhạc xòe và DVD động tác xòe Sơn La; tổ chức Hội thi “điệu xòe cộng đồng” năm 2015, Liên hoan “xòe Sơn La” năm 2019; nghiên cứu, lựa chọn một số điệu xòe và nhạc xòe tiêu biểu để tập huấn, phổ cập đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Theo NSND Nguyễn Vũ Hoài, tổ 10, phường Tô Hiệu (Thành phố)- người biên soạn, trực tiếp tập huấn phổ cập xòe cộng đồng ở cơ sở cho hay: Tổ chức xòe cộng đồng không thể thiếu vật trang trí “tâm” của vòng xòe là cây “xằng xính”, chum rượu cần hoặc một đống lửa. Vòng xòe luôn xoay theo chiều ngược kim đồng hồ, bởi người Thái quan niệm xoay như vậy mới thuận theo đất trời, mưa thuận gió hòa, mọi sự được hanh thông, suôn sẻ. Dàn nhạc xòe gồm trống cái, cồng và chũm chọe, cồng có chức năng bắt nhịp, giữ nhịp cho các điệu xòe, là thanh âm mời gọi người dân các bản làng và du khách về dự hội xòe. Với những cuộc vui kéo dài và mang đậm yếu tố trữ tình, dàn nhạc xòe còn có thêm khèn bè, tính tẩu, pí lè và khắp Thái, tăng thêm sức sôi động của vòng xòe. Khi nắm tay xòe vòng, mọi người đều đưa tay lên, hạ tay xuống, người nọ bước theo chân người kia, nhẹ nhàng uyển chuyển tự nhiên gần gũi thể hiện những ước mơ, khát vọng của đồng bào Thái.
Cùng với thời gian, múa xòe không chỉ được gìn giữ, phát triển ở cộng đồng người Thái mà được nhân rộng, có sức hút đặc biệt với nhiều cộng đồng dân tộc khác trên mảnh đất Sơn La cũng như du khách bốn phương khi đến với Sơn La. Được biết, Nghệ thuật xòe Thái đã được công nhận trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hiện tỉnh ta đang phối hợp với 3 tỉnh vùng Tây Bắc cùng có di sản này là Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái triển khai các hoạt động bảo tồn và hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây sẽ cơ hội để xòe Thái trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Sơn La và vùng Tây Bắc.
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, đồng bào Thái thường tổ chức xòe với mong muốn năm mới có nhiều niềm vui mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường yên vui, người người khỏe mạnh. Khi tiếng cồng, tiếng trống vang lên, các chàng trai trong bộ trang phục truyền thống, cô gái Thái xúng xính bộ áo cóm, váy nhung, xà tích bạc buông hờ bên hông, quàng trên vai chiếc khăn piêu, nắm tay nhau thành vòng xòe đoàn kết, cùng cất vang bài hát “Vui hội xòe hoa” của nhạc sỹ Mùi Hái: “... Lòng mọi người hân hoan mừng quê hương ta được mùa/ta chúc nhau bao lời thương, lời nhớ/trong niềm tin về mùa xuân tương lai...”
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/gin-giu-dieu-xoe-son-la-28778