Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Ở những bản, làng của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ... nơi miền núi xứ Thanh, bà con vẫn luôn trăn trở, tâm huyết gìn giữ những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc xứ Thanh.

Lớp tập huấn truyền dạy “Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH tại huyện Quan Sơn” năm 2024.

Lớp tập huấn truyền dạy “Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH tại huyện Quan Sơn” năm 2024.

Nét đẹp văn hóa truyền thống ở mỗi bản, làng

Ở những bản, làng như: Suối Tút của đồng bào dân tộc Dao xã Quang Chiểu; Nà Ón của đồng bào dân tộc Mông, xã Trung Lý (Mường Lát); Ché Lầu (xã Na Mèo), Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) - 3 bản đồng bào dân tộc Mông của huyện Quan Sơn; thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) của đồng bào dân tộc Mường – nơi có dòng Thác Mây nổi tiếng; xã Lũng Niêm, Cổ Lũng (huyện Bá Thước) nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống... đã và đang gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục...

Trên những nẻo đường xứ Thanh, chúng tôi còn biết đến bà Phạm Thị Bảo, dân tộc Mường, làng Nhỏi, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) hay chị Hà Thị Dung, dân tộc Thái, xã Lũng Niêm (Bá Thước)... không chỉ miệt mài, tâm huyết gìn giữ trang phục của đồng bào dân tộc mà còn truyền lại cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo việc làm cho chị em phụ nữ, người dân trong khu dân cư thông qua nghề dệt thổ cẩm. Ở huyện Bá Thước, Quan Sơn có nhiều người tâm huyết sưu tầm, gìn giữ chữ Thái cổ như: Thầy giáo, Nghệ nhân ưu tú Hà Nam Ninh; cô giáo Hà Thị Khuyên, Trường THPT Quan Sơn. Trong giữ gìn văn hóa, chữ viết của người Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, quê ở huyện Cẩm Thủy (hiện đang sinh sống tại TP Thanh Hóa) tâm huyết dành nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm và viết nên nhiều cuốn sách về văn hóa của người Mường. Năm 2023, ông Cao Sơn Hải đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật với chùm 3 tác phẩm: “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Lễ Pồn Pôông eng cháng” (song ngữ), truyện thơ “Nàng Út Lót - đạo Hồi Liêu” (tình ca dân tộc Mường, song ngữ).

Ở khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa), ông Cao Bằng Nghĩa là người có uy tín tiêu biểu trong vận động bà con phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Ông Cao Bằng Nghĩa chia sẻ: “Gia đình tôi có ông nội là thầy cúng và cũng là nghệ nhân thổi khèn bè, ông đã truyền cho bố tôi về các bài mo, cách sáng tác thơ dân tộc Thái, các giai điệu khèn bè và các loại hình văn hóa dân gian khác. Lúc tôi còn nhỏ tuổi đã được thấy, được nghe bố đọc những tập trường ca chữ Thái, sáng tác ứng khẩu thơ Thái qua các sự kiện của xã hội, đồng thời được nghe các giai điệu du dương, bay bổng của chiếc khèn bè. Vì vậy, tôi quyết tâm học bằng được các tri thức bản địa này với mong muốn giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc mình”.

Nhiều năm qua, ông Cao Bằng Nghĩa đã sưu tầm được nhiều tư liệu về các bài mo (mo người mất, mo tết, mo các loại vía, mo thành hoàng Ca Da, mo giải hạn); sưu tầm về ca dao, tục ngữ Thái. Hiện nay, ông là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau của khu phố Khằm. Ông cùng ban chủ nhiệm và các thành viên tham mưu cho địa phương tổ chức thực hiện chương trình hoạt động của CLB, trong đó thành lập được đội văn nghệ - dân ca - dân vũ. Để góp phần bảo tồn nền văn hóa dân gian, ông là người trực tiếp truyền tải các kiến thức văn hóa dân gian đến với các thành viên CLB. Ông Cao Bằng Nghĩa còn nung nấu mở lớp chữ Thái cho các thành viên CLB, mở lớp sáo trúc, dạy đan lát cho học sinh trong dịp nghỉ hè, truyền thụ nhạc cụ khèn bè cho thế hệ trẻ.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Không chỉ ông Cao Bằng Nghĩa, mà nhiều người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản cũng đã tích cực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vận động con cháu trong gia đình nêu gương trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, tuyên truyền cho Nhân dân tổ chức tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang; vận động Nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; vận động con cháu, Nhân dân tích cực giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc đã được bảo tồn và phát huy. Hiện nay tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” là 75,5%; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 96,7%; tỷ lệ thôn, bản có đội văn nghệ, CLB truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 40%. Các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống như khặp, múa sạp, khua luống của dân tộc Thái; hát xường, hát ru, hát đang, múa pồn pôông dân tộc Mường; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; múa khèn, ném pao của dân tộc Mông... được gìn giữ, phát huy. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian được khôi phục và tổ chức trong các lễ hội như: lễ hội Mái Đá Điều; lễ hội Mường Xia; lễ hội Mường Khô; lễ hội Sết Boóc Mạy; lễ hội Nàng Han; lễ hội Mường Đòn; lễ hội Đình Thi...

Phụ nữ dân tộc Dao, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát) gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Dao, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát) gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc.

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi, liên hoan trong đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu như Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội văn hóa Hương sắc vùng cao... Các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) tổ chức các lớp tập huấn thuộc Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa. Năm 2024, trung tâm đã mở lớp tập huấn biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho đội văn nghệ thôn 3, xã Ban Công (Bá Thước) tổ chức chương trình văn nghệ dân gian phục vụ du lịch cộng đồng tại Khu du lịch Pù Luông; tập huấn “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, dân tộc Mường” phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Thanh; tập huấn “Biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho đội văn nghệ xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, phục vụ du lịch cộng đồng tại Khu du lịch Thác Mây; tập huấn “Phục dựng, bảo tồn dân ca, dân vũ dân tộc Mường phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thạch Thành”; tập huấn “Biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho đội văn nghệ xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy phục vụ du lịch cộng đồng” tại Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương; tập huấn “Biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục đội văn nghệ thị trấn Mường Lát, phục vụ du lịch cộng đồng tại huyện Mường Lát”... Đồng thời, tổ chức 2 lớp tập huấn thuộc Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh cho đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân và đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát. Tổ chức thực hiện 2 dự án truyền dạy “Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Thổ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH tại huyện Như Xuân”; và “Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH tại huyện Quan Sơn”. Triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề tài khoa học cấp tỉnh: “Bảo tồn và phát huy diễn xướng văn hóa dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch”.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gin-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-32658.htm