Gìn giữ hình ảnh, giá trị của áo dài để quảng bá phát triển du lịch
Trong khuôn khổ các sự kiện diễn ra Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023, ngày 29/10 chương trình tọa đàm 'Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch' đã đưa ra những góc nhìn về chủ đề Áo Dài trong đời sống cộng đồng và trong các hoạt động kết nối phát triển quảng bá du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Bình Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt đã giới thiệu tới đông đảo người dân và du khách chi tiết về áo dài Ngũ Thân với giá trị lịch sử của nó. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, kể từ sau năm 1945, áo dài ngũ thân của nam giới đã không có được vị trí như lẽ ra nó phải có, thậm chí người ta dần quên mất đó là trang phục mặc trong những dịp lễ quan trọng của người Việt xưa nay. Tuy nhiên, cũng từ những băn khoăn đó mà các nhà thiết kế hiện nay đã đồng loạt khôi phục lại áo dài ngũ thân cùng với hàng loạt những kiểu dáng phù hợp với xã hội hiện đại.
Hiểu được vẻ đẹp của áo ngũ thân cũng là hiểu về một truyền thống, và mặc áo ngũ thân chính là nối tiếp cái mạch truyền thống đó sau hàng chục năm "đứt gẫy". Và từ năm 2016, các nhà văn hóa, họa sĩ và thế hệ trẻ đang phát động phong trào mặc áo ngũ thân trong các câu lạc bộ như: Đình làng Việt, Việt phục hội, Việt Nam cổ phục hội...
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bản sắc riêng của mỗi một dân tộc và mỗi địa phương chính là nền tảng quan trọng, là điểm nhấn văn hóa không thể trộn lẫn. Và tà áo dài của Việt Nam vẫn luôn được gìn giữ, lưu giữ suốt nhiều năm qua, không chỉ mang giá trị tôn vinh người phụ nữ, mà nó còn là minh chứng lịch sử để mỗi khi nhìn lại luôn cho chúng ta những cảm xúc đặc biệt.
Trải qua từng giai đoạn của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi và sáng tạo từ chất liệu đến kiểu dáng, quy cách. Chiếc áo dài từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng. Với góc nhìn của một Nhà thiết kế, bà Quỳnh Lan cho biết, suốt nhiều năm qua OZ Design House đã sáng tạo ra rất nhiều áo dài cách tân để phù hợp với nhiều lứa tuổi và phù hợp với nhiều sự kiện khác nhau. "Chính tình yêu áo dài của mọi tầng lớp người dân là nguồn cảm hứng sáng tạo để mỗi một nhà thiết kế thêm yêu công việc mình đang làm, vì chúng tôi biết những giá trị mình đang đóng góp cho cộng đồng, cho việc gìn giữ hình ảnh của người phụ nữ Việt"- NTK Quỳnh Lan chia sẻ.
Năm nay, khi các hoạt động cộng đồng gắn với chiếc áo dài thu hút rất nhiều tầng lớp tham gia như các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội Unesco, các doanh nghiệp du lịch, các chương trình diễu hành và đồng diễn áo dài của của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội và các Sở, ban, ngành cùng 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội...tất cả là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của áo dài trong việc gắn kết cộng đồng, trong sự giao thoa văn hóa giữ lịch sử và hiện đại.
Bà Đặng Hương Giang, giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, năm nay sự kiện Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 đã thu hút hơn 60.000 người tham dự trong 3 ngày diễn ra, đây là con số rất đáng vui mừng. Sở Du lịch Hà Nội đã sắp đặt rất nhiều khu chụp ảnh đẹp cho người dân và du khách để chính họ là những đại sứ quảng bá tà áo dài, truyền đi những thông điệp về một Việt Nam tươi đẹp, ấm áp và thân thiện. Khi đến với Lễ hội, ai cũng khoác lên mình tà áo dài, sẽ thấy mình đẹp hơn và tỏa sáng hơn, tự hào hơn và đó chính là sự kết nối khiến áo dài trở thành sản phẩm du lịch thu hút vào mỗi dịp cuối năm.