Gìn giữ nét xưa

PTĐT - Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì là miền quê còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, làng nghề, phong tục tập quán đặc sắc và cả những nếp nhà gỗ cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi.

Bức tường đá ong duy nhất còn lưu giữ được tại gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở khu 5.

Qua thời gian, đến nay 50 ngôi nhà gỗ cổ mang nét kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt vùng Bắc bộ vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị kiến trúc, chạm trổ khéo léo và tinh tế. Không những là tài sản quý giá của mỗi gia đình, dòng họ, những ngôi nhà cổ còn tích cực góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch.

Bước qua cánh cổng gỗ nguyên sơ của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở khu 5 là bức tường đá ong óng vàng được soi chiếu bởi những tia nắng thu hút sự chú ý đối với bất kỳ du khách nào đến thăm. Có niên đại trên 200 năm nhưng vẫn được bảo quản nguyên trạng. Với thiết kế 3 gian 2 chái với những chiếc cột lớn chắc chắn, vững chãi đỡ phần kết cấu phức tạp. Trên những chuồng rường, kẻ bẩy được đục lộng nhiều hoa văn, họa tiết rất đa dạng, đẹp mắt, có chạm trổ hoa leo dưới gậm xà. Bước vào trong, du khách sẽ cảm nhận không gian thoáng đãng, mát mẻ, tạo nên cảm giác yên bình, thảnh thơi. Tuy nhiên, thời gian cũng đã bào mòn nhiều bộ phận, nhất là hệ thống cánh cửa đang bị hỏng nặng. Để đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch, ngôi nhà cần được trùng tu phần cửa và nền. Anh Dũng cho biết: Các đoàn khách du lịch đến tham quan đều rất thích vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà. Điều đó làm tôi rất vui và nhận thấy trách nhiệm của gia đình trong việc gìn giữ ngôi nhà, phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa truyền thống quê hương đến du khách thập phương.

Hầu hết các ngôi nhà cổ còn lưu giữ được những nét chạm trổ hoa văn khéo léo, tinh xảo.

Mỗi ngôi nhà gỗ nơi đây không chỉ là nơi cư trú mà quan trọng còn là nơi thờ tự, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Trong các ngôi nhà cổ, chủ nhà đều chọn vị trí gian chính giữa là nơi trang trọng nhất để đặt ban thờ trang trí bằng những bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng, sơn đen chữ đỏ hoặc vàng hay chữ khảm gỗ, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Cũng ở vị trí này còn là nơi đặt bàn uống nước để gia chủ tiếp khách, ngồi thưởng trà với bạn bè hoặc các bậc cao niên trong làng, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cách đây hàng thế kỷ.

Cùng với lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, những ngôi nhà gỗ cổ ở làng Hùng Lô giờ đây còn mang giá trị phát triển du lịch cộng đồng, là điểm đến hấp dẫn của khách thăm quan. Trong những năm gần đây, làng cổ Hùng Lô đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch dịch vụ của địa phương. Các tour du lịch gắn với các điểm thăm quan như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn - Đình Hùng Lô, làng cổ Hùng Lô - Bảo tàng Hùng Vương… Số lượng khách thăm quan du lịch ở làng cổ Hùng Lô tăng dần trong những năm gần đây, nhất là khách quốc tế. Riêng năm 2019, làng đã đón trên 280 đoàn khách trong nước, quốc tế với gần 5.700 lượt khách.

Nhiều thế hệ trưởng thành từ những nếp nhà cổ.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trong việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa lịch sử của những ngôi nhà gỗ cổ, từ năm 2018, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Việt Trì đã chủ trì Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa lịch sử của các ngôi nhà gỗ cổ tại làng Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ”. Đề tài đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Quá trình nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp chủ yếu để bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa lịch sử của các ngôi nhà gỗ cổ. Trong đó, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về thực trạng và giá trị của các ngôi nhà gỗ cổ đến các cấp quản lý, cộng đồng và khách du lịch; tạo lập cơ chế, chính sách, nguồn lực, lập kế hoạch trùng tu, tôn tạo các ngôi nhà; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức và nhân dân trong việc nghiên cứu, bảo tồn những ngôi nhà gỗ này. Cùng với đó là các giải pháp kích cầu du lịch như đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ văn hóa, hướng dẫn viên, thuyết minh về các ngôi nhà gỗ cổ; xây dựng bộ tư liệu phục vụ cho phát triển du lịch làm công tác lưu trữ, bảo tồn.

Chị Lã Thị Hồng Thùy, cán bộ văn hóa xã Hùng Lô đồng thời là thuyết minh viên tại các điểm thăm quan trên địa bàn xã chia sẻ: Khi áp dụng bộ tư liệu này đã mang lại hiệu quả thiết thực đó là sự tự tin của hướng dẫn viên, tạo sự bất ngờ, hứng thú cho khách du lịch. Không những thế nó còn kích thích hoạt động du lịch kết hợp dịch vụ gói bánh chưng và bán các sản phẩm làng nghề, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Sơn Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/di-tich-danh-thang/202007/gin-giu-net-xua-171678