Gìn giữ nét xưa

PTĐT - Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể vùng Đất Tổ. Từ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ, đóng góp tu bổ, tôn tạo của người dân đã góp phần gìn giữ nét xưa, đưa những di tích, di sản vật thể trở thành điểm đến du lịch quan trọng của Phú Thọ.

Đình Cả, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao - nơi gắn với lễ hội đón Vua về làng vui xuân sau khi trùng tu đình chính năm 2012, hiện nay đang được xây dựng thêm nhà Tả Vu, Hữu Vu, cổng, tường rào để hoàn thiện nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.

Đình Cả, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao - nơi gắn với lễ hội đón Vua về làng vui xuân sau khi trùng tu đình chính năm 2012, hiện nay đang được xây dựng thêm nhà Tả Vu, Hữu Vu, cổng, tường rào để hoàn thiện nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.

Theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, di tích được phân thành 4 loại hình (theo giá trị nổi bật của di tích): Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện, lưu niệm danh nhân); di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ học; di tích danh lam thắng cảnh. Các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh thuộc 3 loại hình: Di tích lịch sử; di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ học bởi trên địa bàn tỉnh chưa có danh lam thắng cảnh nào được xếp hạng di tích.
Những năm qua, hoạt động bảo quản, tu bổ di tích được các cấp, các ngành quan tâm, công tác xã hội hóa trong tu bổ, phục hồi di tích đạt kết quả tốt, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đóng góp công sức, tiền của, huy động được tổng hợp các nguồn lực cho tu bổ di tích, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng của nhân dân. Trong 10 năm, đã có gần 200 di tích được xếp hạng đã được tu bổ, tôn tạo trong đó có những di tích quan trọng, là không gian diễn xướng và gắn liền với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ như: Đình Thét- xã Kim Đức, đình An Thái- xã Phượng Lâu, đàn Tịch điền- phường Minh Nông (thành phố Việt Trì); đền Du Yến- xã Chí Tiên, đền Thượng- xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba); đình Thạch Khoán- xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn); tượng đài chiến thắng Tu Vũ, đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), đình Hạ Mạo, chùa Long Khánh (thị xã Phú Thọ)… với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn lực từ nguồn xã hội hóa.

Đình Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao là ngôi đình cổ, đẹp, cột gỗ rất lớn nhưng đang bị xuống cấp cần sớm được đầu tư tôn tạo.

Đình Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao là ngôi đình cổ, đẹp, cột gỗ rất lớn nhưng đang bị xuống cấp cần sớm được đầu tư tôn tạo.

Lâm Thao là địa phương có số lượng di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia nhiều nhất trong tỉnh với 20 di tích. Huyện cũng có 31 di tích xếp hạng cấp tỉnh, đặc biệt có 3 di tích khảo cổ là Gò Mun - xã Tứ Xã, Sơn Vi - xã Sơn Vi, Phùng Nguyên - xã Phùng Nguyên và 18 di tích gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích luôn được các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện quan tâm. Trong 10 năm đã có 31 di tích lịch sử- văn hóa đã và đang được trùng tu, tôn tạo với tổng số kinh phí 141 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động xã hội hóa là 125 tỷ đồng. Nhiều công trình được thực hiện phần lớn bằng nguồn vốn xã hội hóa như: Miếu Trò, đền Xa Lộc- xã Tứ Xã, đình, chùa Vĩnh Mộ- xã Cao Xá, đình Cả xã Tiên Kiên. Tuy nhiên, do số lượng các di tích khá lớn nên việc tu bổ, tôn tạo cũng phải thực hiện dần từng bước, hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 di tích đang thực hiện thủ tục xin trùng tu tôn tạo và còn 5 di tích lịch sử văn hóa đang xuống cấp nhưng chưa được trùng tu tôn tạo.Là địa phương làm tốt công tác xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông có 1 cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đó là cụm di tích đền chùa Nam Cường, 3 di tích lịch sử cấp tỉnh là Đền Chẹo, cụm di tích đền Chiền, đền Mủi và đình Gia Áo, trong đó có đền Nam Cường và đền Chẹo gắn với làn điệu hát Ghẹo đặc trưng của vùng Đất Tổ. Ông Thạch Văn Thi- Chủ tịch UBND xã Thanh Uyên cho biết: Trước đây, xã có 4 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhờ ý thức được việc gìn giữ di tích lịch sử, di sản văn hóa cho con cháu đời sau, người dân Thanh Uyên đã đồng lòng đóng góp để tu bổ, tôn tạo các di tích đó. Bắt đầu là đền Nam Cường trong cụm di tích đền, chùa Nam Cường xếp hạng cấp Quốc gia được tôn tạo từ năm 2011 với kinh phí 1,7 tỷ đồng, từ đó đến nay, người dân trong xã, con em Thanh Uyên ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài đã đóng góp khoảng 18 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể. Không chỉ là đóng góp tiền của, nhiều người dân còn đóng góp ngày công, các tốp thợ mộc, thợ nề tham gia tu bổ theo các phần việc được giao, có người đã giành nhiều tháng trời để quét dọn, đun nước cho thợ… Tất cả những việc đó đã góp phần tu bổ, tôn tạo, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể cho đời sau. Công tác tu bổ, phục hồi di tích được quan tâm, đầu tư, người dân đã có ý thức hơn trong việc gìn giữ và đóng góp tu bổ di tích, tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều di tích là những công trình có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cổ đã bị hư hỏng nặng, nhất là những di tích có kết cấu bằng gỗ như đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy thờ Hùng Hải Vương (em trai thứ 19 của Vua Hùng) được xây dựng vào thời Lê, thế kỷ XVII, hay đình Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao thờ Đại Hải Long Vương được khởi dựng từ đầu thế kỷ XVIII. Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở khu 2, xã Sơn Vi cho biết: Hiện nay đình Do Nghĩa bị xuống cấp rất nghiêm trọng, các vì kèo, xà ngang, con rường, xà nối có thể bị sập bất cứ lúc nào nên chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư sửa chữa đình làng cho chúng tôi có nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.Không chỉ đình Do Nghĩa, đình Đào Xá mà còn một số di tích cũng bị xuống cấp, ngoài ra còn một số di tích đã thực hiện tu bổ nhưng chưa đúng với kiến trúc ban đầu của công trình, nhất là những công trình có nhiều cột gỗ, trạm trổ cầu kỳ do vật liệu thay thế ngày càng khan hiếm, giá thành cao dẫn đến chi phí cho tu bổ phục hồi di tích rất lớn, có di tích lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.Ông Nguyễn Đắc Thủy- TUV, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích cần phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di tích; nâng cao năng lực nghiệp vụ của Ban quản lý di tích, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng xuống cấp di tích để đề xuất phương án tu bổ, đảm bảo giữ gìn, phục hồi được các nét kiến trúc hoa văn truyền thống; khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước. Tăng cường vai trò công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động quản lý di tích, xử lý kịp thời các hiện tượng sai phạm trong hoạt động tu bổ di tích theo quy định của pháp luật.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202010/gin-giunet-xua-173422