Gìn giữ nghề làm nón truyền thống ở Gia Vượng

Chiếc nón lá từ bao đời nay đã trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh chiếc nón lá mộc mạc, duyên dáng không chỉ là vật dụng che nắng, che mưa mà còn chứa đựng nét văn hóa làng quê. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, nhưng người dân Gia Vượng vẫn âm thầm lưu giữ hồn quê hương qua sản phẩm chiếc nón lá.

Để có chiếc nón ưng ý phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Để có chiếc nón ưng ý phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Đến Gia Vượng không khó để bắt gặp cảnh trong nhà, ngoài cổng, các bà, các chị, các em nhỏ ngồi quây quần bên nhau khâu nón. Mỗi nhà như trở thành một công xưởng nhỏ, tay làm, miệng nói, những người thợ làm việc trong không khí rôm rả, ấm tình làng xóm.

Trong căn nhà nhỏ, vừa thoăn thoắt đôi bàn tay khâu nón, bà Nguyễn Thị Oanh (63 tuổi, thôn 2, Bồ Đình), một người có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm nón lá chia sẻ: "Từ thời niên thiếu, tôi đã được cha mẹ truyền nghề. Bên cạnh việc đồng áng, nghề làm nón giúp gia đình tôi có thêm thu nhập. Gắn bó với nghề cả cuộc đời, tôi không nhớ mình đã làm được bao nhiêu chiếc nón."

Nón lá Gia Vượng được làm thủ công hoàn toàn. Thoạt trông qua chiếc nón lá có vẻ đơn giản; tuy nhiên, để làm được một chiếc nón đẹp, bền đòi hỏi sự khéo tay, đam mê của những người làm nón. Từ khâu mua vật liệu, gia công lá nón, thiết kế khung, làm vành, sáng tác hoa văn đến khâu nón…tất cả đều cần sự khéo léo, kiên trì và tỉ mỉ".

Để làm được điều đó, người thợ phải biết sử dụng lực kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay đè và tay vuốt. Công việc này khá cầu kỳ và cũng là khâu quyết định đến độ bền và tính thẩm mỹ của chiếc nón.

Tiếp đến là công đoạn tạo hình nón gồm: Làm vành nón, khung nón, lợp lá, cắt lá nón và khâu nón.

Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài theo từng lớp vành nhỏ đến lớn được dàn đều theo khung hình nón.

Tuy chỉ là nghề phụ nhưng nếu biết tính toán thì nghề làm nón cũng có đồng ra đồng vào cho các bà, các mẹ.

Bà Nguyên Thị Ngơi, thôn 2, Bồ Đình, một thợ làm nón của làng cho biết: "Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp.

Tùy vào từng loại nón 2 lớp, 3 lớp, nón 16 vành hay nón 17 vành, mà thời gian để làm ra một chiếc nón khác nhau. Với người làm nón chuyên nghiệp có thể làm được từ 2 đến 3 chiếc/ngày. Nón được làm ra có giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/chiếc, tùy loại. Nón cưới đẹp còn có giá từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/chiếc." Những chiếc nón lá được hoàn thiện được cung cấp cho các chợ lẻ, chợ truyền thống.

Những chiếc nón lá hoàn thiện được cung cấp cho các chợ lẻ, chợ truyền thống.

Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, ngày nay nhiều bậc cao niên trong làng vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu.

Ông Hà Ngọc Thúy, Chủ tịch xã Gia Vượng cho biết: Toàn xã có 4/6 thôn với gần 100 hộ tham gia làm nón lá, đa số là phụ nữ. Bằng bàn tay tài hoa và tình yêu nghề, người dân nơi đây đã tạo ra nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Trong thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể trong xã tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của nghề làm nón lá.

Bảo tồn nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết. Để nghề làm nón lá phát triển bền vững, sản phẩm có cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng mới, thiết nghĩ nón lá Gia Vượng rất cần được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng thương hiệu, giúp người dân có thể dựa vào đó để làm giàu, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Bài, ảnh: Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gin-giu-nghe-lam-non-truyen-thong-o-gia-vuong/d20220509161158791.htm