Gìn giữ sắc hương áo dài
Sự hiện diện của áo dài trong đời sống hôm nay ngày càng phổ biến với muôn hình, muôn vẻ.
Sự hiện diện của áo dài trong đời sống hôm nay ngày càng phổ biến với muôn hình, muôn vẻ. Đó là bước tiến của trang phục độc đáo này từ sự góp sức không nhỏ trong việc quảng bá và sáng tạo, cách tân trên nguyên tắc gìn giữ sắc hương truyền thống.
Lễ hội… “đua nở”
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 tổ chức tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm được ban tổ chức dự kiến diễn ra vào tuần cuối tháng 10 này (lùi 2 tuần so với lịch ban đầu).
Sau lần đầu tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long - năm 2016 và lần thứ hai – năm 2022 tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, đây là lần thứ 3 Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị tiếp tục đem đến cho áo dài những không gian trình diễn, quảng bá khá ấn tượng.
Lần thứ nhất, không gian đó có phần bị bó hẹp, giới hạn cả về địa điểm (khuôn lại trong Hoàng thành Thăng Long) và mục đích hướng đến (mới chú trọng tôn vinh áo dài qua trình diễn).
Sau 6 năm trở lại, lễ hội được mở rộng với một không gian giao hòa của đêm nhạc hội trình diễn và cuộc thi sinh viên “Sáng tạo thiết kế áo dài”. Đồng thời, lễ hội còn hướng đến phát huy giá trị một sản phẩm du lịch quyến rũ, hấp dẫn của áo dài.
Đến lần 3, vai trò ấy được mở rộng cùng sứ mệnh “Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội”, khi ngoài lễ khai mạc được sân khấu hóa trình diễn áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam của Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh còn có phần đồng diễn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, cầu Long Biên.
Thậm chí, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hàng không… cũng tham gia kể câu chuyện về áo dài của riêng mình. Ngoài ra, tại khu vực quảng trường Lý Thái Tổ, phố Lê Thạch còn có triển làm áo dài xưa và nay trong văn hóa của người Việt Nam cùng hàng chục gian hàng trưng bày, giới thiệu áo dài của làng nghề, nhà may, nhà thiết kế nổi tiếng của Hà Nội và các địa phương…
“Áo dài có một lịch sử lâu đời theo nhịp phát triển văn hóa - xã hội của đất nước. Những nét đặc trưng cần được bảo tồn đồng thời việc cách điệu, sáng tạo là điều không thể thiếu. Việc làm mới tà áo dài sẽ được tìm tòi dựa trên những đề tài (concept) và xu hướng mà thương hiệu nhà thiết kế lựa chọn. Cổ áo, tay áo, tà áo, phụ kiện và các chi tiết trang trí chắc chắn phải vô cùng mới lạ và tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó, với mong muốn mỗi bé gái có thật nhiều áo dài trong tủ đồ , tôi hy vọng có thể đem lại những thiết kế độc đáo và mãn nhãn nhất cho mùa lễ hội năm nay”. Bà Vũ Lan Anh –CEO Eunoia Art & Media, JSC Founder of Eunoia by AN brand Founder of Eunoia de WU brand
Thực ra, không riêng gì Hà Nội mà những năm qua lễ hội áo dài… “đua nở” ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Nổi bật hơn cả là TP Hồ Chí Minh do Sở Văn hóa & Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức đã có “thâm niên” 9 lần – từ 2014 (2021 bị gián đoạn vì dịch Covid-19) và thường vào Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.
Lễ hội luôn được mở rộng về quy mô, từ Công viên văn hóa Đầm Sen đến Nhà văn hóa Thanh Niên rồi hai năm qua là đường Nguyễn Huệ (Quận 1) cùng sự phong phú, chuyên nghiệp về hoạt động.
Như tại lễ hội lần thứ 9 năm 2023, bên cạnh hoạt động diễu hành, trình diễn, triển lãm, thi “Duyên dáng áo dài”… còn có tọa đàm “Vẻ đẹp áo dài Việt - bảo tồn và phát triển”, work shop trải nghiệm nhuộm vải, may và vẽ áo dài, con đường nghệ thuật, giới thiệu Đại sứ áo dài…
Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cũng là địa phương tích cực tổ chức các hoạt động tôn vinh, quảng bá áo dài, ngay từ Festival Huế đầu tiên – năm 2000, bằng các show trình diễn tại các điểm di tích, danh thắng của địa phương.
Đặc biệt, với đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, từ năm 2020, địa phương này còn lan tỏa áo dài truyền thống tới cộng đồng qua chuỗi hoạt động liên quan đến áo dài ngũ thân tại Lễ hội Áo dài và ẩm thực Huế rồi Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế (từ 2022)…
Theo ThS Nguyễn Đức Bình (Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật), người dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu về áo dài truyền thống, lễ hội áo dài ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh thường gắn với show diễn thời trang và gần đây bổ sung thêm các hoạt động cộng đồng khác như diễu hành trên đường phố, đạp xe, đi xích lô, thi tìm hiểu, thiết kế áo dài…
Quy mô các lễ hội được mở rộng, thu hút nhiều người tham gia, như hơn 1.000 người tham dự buổi diễu hành của Lễ hội Áo dài Hà Nội 2022; 3.000 người đến với Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2023; hơn 500 người diễu hành mặc áo dài đi xe đạp quanh TP Huế trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng…
Tuy nhiên, ông Bình trăn trở: “Nhiều lễ hội, show diễn áo dài rất lớn nhưng người tổ chức và người tham gia lại thiếu kiến thức về giá trị lịch sử, đặc điểm thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của áo dài dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” trong một lễ hội.
Sự kiện được tổ chức tuy “hoành tráng” nhưng thiếu những điểm nhấn quan trọng giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn và có ý thức bảo tồn và phát triển, nâng tầm áo dài lên thành những giá trị văn hóa cao”.
Thêm dịu dàng, nhẹ nhàng!
Không chỉ đợi đến lễ hội hay các dịp phát động mà giờ đây áo dài đã trở thành trang phục được nhiều người yêu thích, sử dụng khá thường xuyên, nhất là với các nữ nhà giáo.
Cũng bởi, với mỗi giáo viên, áo dài không chỉ là trang phục tôn thêm vẻ đẹp cho phái nữ và phù hợp với nghề giáo mà “việc mặc thường xuyên còn góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống”, cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh) nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm góc nhìn của mình, cô Hằng bày tỏ niềm yêu thích với mẫu áo dài truyền thống. Áo cách tân phù hợp với giới trẻ nhưng cần đảm bảo tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ. Nếu lạm dụng cách tân, quá xa rời hồn cốt truyền thống thì không nên.
Bên cạnh đó, khi mặc áo dài, phụ nữ có ý thức tiết chế hành động để trở nên dịu dàng, mềm mại hơn. Với sự kiện đặc biệt, giáo viên nữ nên mặc áo dài đồng phục thể hiện sự đoàn kết, đồng điệu, đồng lòng.
“Hiện ở trường tôi nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung chưa có quy định về việc giáo viên nữ và nữ sinh mặc áo dài thường xuyên vào thứ 2 đầu tuần. Mong là tới đây, ít nhất một lần trong tuần sân trường thêm lung linh, thi vị và ánh hồn dân tộc trong những tà áo dài”, cô Hằng bày tỏ.
Cũng là người yêu thích trang phục này, cô Phạm Thị Trinh, giáo viên Trường Tiểu học & THCS Thụy Bình, Thái Thụy (Thái Bình) đánh giá, dù tốn chút thời gian trang điểm, trau chuốt và phụ kiện song phái nữ mặc áo dài rất đẹp, che khuyết điểm mà vẫn tôn dáng.
Càng ngày, áo dài càng có nhiều mẫu mã, kiểu dáng nên người sử dụng cũng dễ lựa chọn. Đồng thời đời sống khá giả nên không có gì ngạc nhiên khi thấy phụ nữ nông thôn từ già đến trẻ, ai cũng có vài bộ áo dài trong tủ. Nhiều chị em, các bà, các mẹ có thời gian diện áo dài và tham gia các hội nghị, dịp vui chơi, lễ hội, dân vũ...
Theo cô Trinh, họ mới chỉ thấy đẹp mà mặc chứ không phải mấy ai cũng hiểu được ý nghĩa, thông điệp của áo truyền thống và cách tân. Đã có thời điểm, cách phối trang phục thiếu hài hòa và không ít bạn trẻ mặc áo quá mỏng gây phản cảm. Vậy nhưng, ngay sau đó được điều chỉnh từ sự đánh giá của cộng đồng nên một số cách mặc lỗi ấy không còn xuất hiện nữa.
“Thế nên, đừng quá khắt khe với các nhà thiết kế mà hãy để họ được bay bổng sáng tạo. Nếu sản phẩm lỗi, xấu xí, phản cảm… sẽ khó tồn tại trước sự nắn chỉnh khắt khe của quy tắc ứng xử trong cộng đồng.
Riêng với trường chúng tôi, không kể dịp lễ, ngày kỷ niệm, giáo viên nữ đều mặc áo dài vào thứ 2 hàng tuần. Khi đó, phong thái của mỗi người được sửa đổi, các cô sẽ nhẹ nhàng, dịu dàng hơn. Đồng thời, học sinh cũng thấy hứng thú khi thấy các cô mặc áo dài lên lớp”, cô Trinh nói.
Ở góc nhìn của một nhà sản xuất và thiết kế thời trang luôn tự hào và say mê các giá trị truyền thống, bà Vũ Lan Anh - CEO Eunoia Art & Media, JSC Founder of Eunoia by AN brand Founder of Eunoia de WU brand, cho rằng, áo dài cần được phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
Trong đó, chiều sâu là sự nghiên cứu, khám phá và sáng tạo để nâng tầm tà áo dài Việt lên những góc nhìn nghệ thuật đa dạng và gây ấn tượng. Chiều rộng là sự lan tỏa, cách tân, tìm tòi những phong cách áo dài ứng dụng, có thể được sử dụng hàng ngày khiến cho phụ nữ Việt Nam không những trở nên duyên dáng mà còn khẳng định được cá tính.
“Việc điều chỉnh áo dài cho phù hợp hơn với đời sống hiện đại là thuận theo quy luật phát triển. Nhưng hiện nay, trong lễ hội phần lớn các nhà thiết kế lạm dụng tính thời trang của áo dài để cho ra đời những trang phục, mà theo tôi, đó không phải là áo dài. Hoặc nhiều show diễn cho công chúng thiếu những bộ áo dài sử dụng trong đời sống mà thiên về trang phục chỉ trình diễn trên sân khấu.
Cùng với đó, nhiều nhà thiết kế, người may lạm dụng tà áo có kích thước dài, rộng để in, vẽ cờ, hình phong cảnh, kiến trúc, biểu tượng văn hóa, hoa văn trống đồng thậm chí cả tranh cổ động, hình ảnh lãnh tụ lên áo…, dễ dẫn đến tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng hình ảnh, và cả vi phạm vào những vấn đề liên quan tới thuần phong mỹ tục, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt cũng như các dân tộc, quốc gia khác.
Không những vậy, việc sử dụng hình ảnh tràn lan đã biến áo dài thành tấm pano, áp phích, tấm vải vẽ tranh minh họa chứ không còn là trang phục, biểu tượng văn hóa Việt Nam” - ThS Nguyễn Đức Bình, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gin-giu-sac-huong-ao-dai-post657318.html