Gìn giữ tinh hoa và kiến tạo cuộc sống

10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, cũng là 10 năm đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, khủng hoảng hậu đại dịch… Trong muôn vàn khó khăn nhưng NHCSXH chưa khi nào rời xa người dân, luôn ở bên, đồng hành, chia sẻ, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và kịp thời mang nguồn vốn nhân văn đến giúp họ vững vàng vượt qua sóng gió…

Giữ lửa nghề truyền thống

5 năm trước, từ nguồn vốn chính sách, cô gái dân tộc Lô Lô - Lò Thị Thu Đông, ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã bước chân vào cổng trường đại học mang theo hoài bão giúp gia đình thoát khỏi nghèo khó.

Lò Thị Thu Đông, ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc chia sẻ kinh nghiệm thêu với bà con thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, Mèo Vạc. Ảnh: Đức Kiên

Lò Thị Thu Đông, ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc chia sẻ kinh nghiệm thêu với bà con thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, Mèo Vạc. Ảnh: Đức Kiên

Đông kể, khi mới học xong, trở về quê Đông không biết phải bắt đầu thế nào. Với các kiến thức kinh tế học được, cùng với hai nghề truyền thống của gia đình là nghề tráng bánh phở và nghề thêu, Đông muốn làm được điều gì đó vừa để phát triển cho bản thân, cho gia đình và cho quê hương của mình.

Nghĩ là làm, Lò Thị Thu Đông đã bàn với mẹ, mạnh dạn tìm đến NHCSXH huyện Mèo Vạc để vay vốn. Bắt đầu từ 10 triệu đồng, 20 triệu đồng rồi 50 triệu đồng vốn từ Chương trình Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, Đông đã kiên trì theo đuổi khát khao của mình và nay, khát khao ấy, ước mơ ấy của cô gái Lô Lô đã thành hiện thực. Vào mỗi phiên chợ cuối tuần, quầy hàng của Đông lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Du khách thập phương đến Mèo Vạc cũng phải thưởng thức bằng được món đặc sản dân dã của cô gái Lô Lô xinh đẹp. Song có một điều chắc chắn, họ đến còn vì sự cảm phục nghị lực của cô gái vùng cao.

Theo Giám đốc NHCSXH Mèo Vạc Phùng Minh Thóc, 60 năm về trước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã không tiếc công sức để mở con đường Hạnh Phúc dài gần 200km nối thành phố Hà Giang với các huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc nhằm mang lại đổi thay cho vùng đất giáp biên. Bà con sống với phương châm: "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá"! Do đó, dù khó khăn về đất sản xuất, dù thiên tai khắc nghiệt nhưng bà con vẫn quyết tâm bám trụ. Cô gái Lò Thị Thu Đông và họ tộc của mình là một ví dụ. Họ đã quyết tâm thoát nghèo từ chính nghề truyền thống của đồng bào mình.

Ông Phùng Minh Thóc cho biết thêm, nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Lô Lô đã được khôi phục từ năm 2013 thông qua việc thành lập Hợp tác xã thêu thổ cẩm. Đây cũng là nơi để chị em phụ nữ chia sẻ, trao truyền và cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước trở thành một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương. Nắm được tâm tư, nguyện vọng này, NHCSXH huyện cũng luôn chủ động tìm đến bà con, rà soát tình hình, chuẩn bị nguồn vốn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của đồng bào.

Đến 31.5.2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ở Mèo Vạc đạt 465,073 tỷ đồng, tăng 294,269 tỷ đồng so với năm 2014, với 8.921 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân một hộ dư nợ đạt 52 triệu đồng, tăng 34,2 triệu đồng so với năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 452,438 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 97,3%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 12,635 tỷ đồng, chiếm 2,7%/tổng dư nợ.

Giúp mình và giúp người

Câu chuyện khởi nghiệp của Lò Thị Thu Đông không chỉ dừng lại trong gia đình mà nó đã lan tỏa ra cả tộc người Lô Lô ở Mèo Vạc. Và không chỉ một, hai nhà mà hàng chục hộ trong thôn Sảng Pả A mạnh dạn vay vốn chính sách để gia tăng sản xuất, thoát nghèo từ nghề tráng bánh phở, nghề thêu.

Lò Thị Thu Đông tâm sự, bà con vùng núi đá trước đây rất sợ mang nợ và không trả được. Nhưng, Đông đã dùng chính câu chuyện của mình thuyết phục đồng bào. Trên thực tế, Đông là người đã từng không có gì trong tay và nợ ngân hàng. Cái duy nhất em có là nghề gia truyền nhưng quan trọng hơn đấy là quyết tâm và sự kiên trì mà cán bộ NHCSXH Mèo Vạc cũng như Hội Phụ nữ huyện đã truyền lửa.

Giờ đây, thành công của Lò Thị Thu Đông đã vượt ra thôn Sảng Pả A, lan tỏa đến 37 hộ dân thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Đây là xã biên giới rất khó khăn. Cả thôn có 37 hộ dân, đều là người đồng bào Lô Lô, thì có tới hơn nửa đang có dư nợ tại NHCSXH huyện Mèo Vạc.

Chị Mè Thị Luyến - một trong các cô gái Lô Lô đã đi theo tiếng gọi của Lò Thị Thu Đông, mạnh dạn vay 50 triệu đồng để theo nghề thêu truyền thống của dân tộc. "Khi được Hội Phụ nữ tuyên truyền, tôi và gia đình đã quyết tâm vay vốn, làm nghề. Nhất là khi nhìn thấy sự thành công của Lò Thị Thu Đông và trực tiếp được Đông hướng dẫn, tôi nghĩ mình sẽ không thể thất bại, phải cố gắng để thoát được nghèo khó!" - chị Luyến nói.

Nhìn tương lai đang dần mở với lớp trẻ trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc Hoàng Văn Chất không khỏi xúc động. Theo Chủ tịch Hoàng Văn Chất, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Trung ương, cái được lớn nhất đó là bà con đã nhận thức rõ rệt cơ hội trong việc vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, người người cố gắng, nhà nhà thi đua… từng bước đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 65% xuống còn hơn 50%. Việc bà con hăng say với công việc không chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống mà còn giúp địa phương củng cố khối đại đoàn kết, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới trên địa bàn.

Có thể thấy, để Mèo Vạc có diện mạo như hôm nay, những cán bộ NHCSXH huyện Mèo Vạc đã không quản ngại gian khó, kiên trì bám trụ và mang nguồn vốn đến với đồng bào. Trong hơn 20 năm hoạt động, đặc biệt 10 năm qua, cán bộ NHCSXH Mèo Vạc đã chuyển tải hơn 500 tỷ đồng nguồn vốn chính sách của Nhà nước về tới tận bản làng để cho bà con vay đủ, giúp ước mơ của Lò Thị Thu Đông cũng như của bà con Lô Lô trở thành hiện thực.

Đức Kiên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/gin-giu-tinh-hoa-va-kien-tao-cuoc-song-i384047/