'Gió đổi chiều' ở Bắc Phi
Khu vực Bắc Phi đang có những thay đổi địa chính trị, tương tự như Trung Đông. Điều đáng nói, những thay đổi này vận hành theo một xu hướng tất yếu, vì những lợi ích thật, giá trị thật.
“Gió đổi chiều”
Theo giới quan sát chính trị quốc tế, lâu nay, khu vực Trung Đông ngày càng rời xa phương Tây và chuyển hướng gắn kết với những đối tác mới, tạo ra bối cảnh chuyển dịch cán cân quyền lực trên bình diện toàn cầu. Xu hướng này được nhìn nhận là đã lan sang khu vực Bắc Phi láng giềng và sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Tựu chung trong các lý giải của giới chuyên gia về sự khởi nguồn của xu hướng chuyển dịch ở Bắc Phi, một số quốc gia thuộc top đầu của phương Tây luôn bị nhiều nước Bắc Phi coi là cường quốc thực dân. Những định kiến này ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ. Trong khi đó, thực tế phương Tây hiện không cho thấy sự quan tâm đối với việc tạo ra những thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị để thúc đẩy sự phát triển của Bắc Phi, thay vào đó là tập trung quản lý dòng người di cư tìm đến châu Âu. Một luồng ý kiến rất lớn cũng chỉ trích bản chất phương Tây luôn chỉ coi trọng làm giàu cho mình và kìm hãm sự phát triển thực chất của châu Phi.
Những yếu tố được người Bắc Phi nhìn nhận là tiêu cực đã cộng hưởng và hình thành những “cơn sóng ngầm” trong nhiều thập kỷ. Để thoát khỏi vòng kìm kẹp và phát triển thịnh vượng, bền vững, người Bắc Phi cần những giá trị thật, lợi ích thật. Tất yếu, nhu cầu này là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nước Bắc Phi xích lại gần những thế lực đối lập với phương Tây.
Nổi bật nhất trong xu hướng chuyển dịch này, Trung Quốc và Nga là hai cường quốc mang tới cho Bắc Phi các lợi ích trên hầu hết mọi phương diện, đặc biệt là kinh tế, chính trị, quân sự. Những lợi ích này không chỉ đảm bảo cho sự phát triển của Bắc Phi, mà còn đặc biệt giúp các quốc gia trong khu vực có được quyền tự chủ lớn hơn. Việc có được quyền tự chủ lớn hơn luôn là điều mà Bắc Phi cần và việc tạo ra quyền tự chủ lớn hơn cho Bắc Phi cũng là lợi thế vượt trội để Trung Quốc và Nga đẩy lùi các thế lực phương Tây.
Chuyên gia Sara Coppolecchia thuộc Viện Phân tích quan hệ quốc tế (IARI) có trụ sở tại Italia cho rằng, trái ngược với mâu thuẫn ngày càng gia tăng với phương Tây, khi hợp tác với Trung Quốc và Nga, từng quốc gia ở Bắc Phi được thụ hưởng những lợi ích rất lớn.
Xu hướng tất yếu
Nổi bật như Maroc thời gian qua đã thể hiện rõ nét quá trình tách khỏi Pháp với hàng loạt vấn đề làm trầm trọng sự rạn nứt vốn có. Đặc biệt là vấn đề về Tây Sahara, trong khi Maroc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với khu vực này và xảy ra những mâu thuẫn, còn Pháp lại giữ lập trường trung lập, khiến mối quan hệ xấu đi. Trên bình diện quốc tế, Maroc coi Trung Quốc và Nga là những đồng minh mới. Theo đó, Maroc ký với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga một bản ghi nhớ, đồng thời tham gia vào Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Điều tương tự xảy ra ở Algeria, nơi có mối quan hệ lịch sử phức tạp và nhiều thăng trầm với Pháp và ngày càng có thêm nhiều xích mích, đặc biệt là về điều kiện của người nhập cư Algeria ở Pháp. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quyết sách xóa bỏ tầm ảnh hưởng của cường quốc thuộc địa cũ, đồng thời tăng cường quan hệ Nga. Vào tháng 6/2023, Algeria và Nga ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược và đến tháng 12/2023, hai nước tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Tây Địa Trung Hải. Algeria cũng gắn kết tốt với Trung Quốc, thể hiện sâu sắc ở việc cường quốc châu Á đầu tư vào cảng El Hamdania và lĩnh vực năng lượng của Algeria.
Với Tunisia, nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các khoản đầu tư trong thỏa thuận giữa Tunisia và EU hiện được phân bổ chủ yếu cho vấn đề quản lý di cư, vì đây là vấn đề then chốt của EU. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga mang đến những cơ hội với lợi ích thiết thực, điển hình như Trung Quốc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến BRI; Nga tăng cường hỗ trợ ngũ cốc để giảm bớt khủng hoảng lương thực cho Tunisia.
Còn với tình hình chính trị, an ninh vô cùng phức tạp ở Libya, Nga can thiệp vào cuộc nội chiến từ năm 2019 và theo đuổi hàng loạt mục tiêu cả chính trị lẫn kinh tế không chỉ ở quốc gia này mà còn cả châu lục. Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận và đã ký một biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác để đưa BRI đến Libya...
Giới chuyên gia chung nhìn nhận, Nga và Trung Quốc mang tới cho Bắc Phi một giải pháp giải quyết sự chi phối của phương Tây đối với khu vực này, mang lại những cơ hội hợp tác và phát triển mọi mặt. Ở chiều ngược lại, lợi ích mà Bắc Phi đem lại cho Trung Quốc và Nga cũng rất lớn. Hai cường quốc này có thể khai phá những lợi ích khổng lồ từ tài nguyên thiên nhiên giàu có ở Bắc Phi, đặc biệt là khí đốt, dầu mỏ. Bên cạnh đó, Bắc Phi là khu vực có vị trí chiến lược rất quan trọng, đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Đông và Địa Trung Hải. Vì vậy, nếu có sự hiện diện và tầm ảnh hưởng lớn tại đây, hai cường quốc này sẽ củng cố được sức mạnh địa chính trị.
Theo chuyên gia Sara Coppolecchia, xu hướng gắn kết với Trung Quốc và Nga của Bắc Phi được thúc đẩy chủ yếu bởi mong muốn giải phóng khỏi các cường quốc thuộc địa cũ, cũng như các quốc gia châu Âu khác, vốn bị coi là can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chính trị, hoặc chỉ quan tâm đến quản lý các dòng di cư.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gio-doi-chieu-o-bac-phi-post473593.html