Gió lay cành trúc…

Cành trúc gần lề đường vẫn đong đưa, đôi chim se sẻ cần mẫn tìm kiếm tha về những cọng cỏ khô. Thì ra! Vợ chồng se sẻ đang hì hụi xây tổ ấm trên cành trúc gió thổi la đà. Một niềm tin, hy vọng yêu thương, hạnh phúc tràn đầy.

Thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, cả ấp văn hóa Phước Bình bỗng trở nên yên ắng lạ thường. Hằng ngày từ nửa đêm mọi người đã thức dậy lục tục sửa soạn, ăn uống, ý ới gọi nhau đi làm, người xe tấp nập, tiếng ca hát rộn rạo vang vang đây đó.

Vậy mà, hôm nay, bỗng như cả ấp mắc chứng “ngủ ngày”, nhà nào cũng cổng đóng then cài, các ngả đường vắng hoe. Chỉ ngã tư bốn trụ đèn xanh, đèn đỏ vẫn cần mẫn lúc đỏ khi xanh cho dù không một bóng dáng người xe qua lại.

Ðã qua mấy ngày, cả ấp vẫn bình yên trong giấc “ngủ ngày” như không có chuyện gì xảy ra. Không gian tĩnh lặng, giọt đờn của những chú chim cu thi nhau điểm những nốt trầm vào thinh không. Bỗng! Lại bỗng.

Giọng nói the thé của anh cán bộ ấp phát ra từ chiếc loa tay, xé toang sự im lặng, làm cho đôi chim se sẻ đậu trên cành trúc giật mình vỗ cánh bay lên, cùng lúc làn gió từ hướng núi Bà thổi nhè nhẹ làm cho cành trúc la đà đung đưa.

- A lô! A lô! Xin mời tất cả bà con trong ấp sắp xếp đến ngay trường học, để thực hiện việc “tét nhanh-tét nhanh”, ai không đi là không thực hiện chỉ thị “chống dịch như chống giặc”. A lô! A lô.

- Lúc thì bảo không được ra khỏi nhà, nay lại bảo mọi người phải đi đến trường học là sao?

Ông Năm lẩm bẩm. Có vẻ ông không hài lòng với việc thông báo không ăn nhập gì với quy định “Mọi người không ra đường khi không có việc cần thiết”, mấy bữa nay vẫn thông báo thế mà. Nay lại bảo đi là sao? Bà Năm nghe được lời nói làu bàu của chồng bà lên tiếng.

- Thì việc đi khám, ờ đi trét hay tét gì gì đó là cần thiết mà, phải đi chứ ông. Ờ mà ông chở tôi cùng đi luôn thể, mình đi sớm về sớm ông à.

- Ờ thì đi! Bà. Bà không đeo khẩu trang sao? Ðội nón bảo hiểm nữa chứ.

- Gần xịt mà nón với áo làm chi?

- Ý trời! Không được bà ơi, đã ngồi lên xe máy là phải đội nón bảo hiểm.

- Ờ thì đội, ông chờ tui chút.

- Sao đang chạy ông lại dừng xe?

- Ờ! Ðèn đỏ bà ơi.

- Có ma nào đâu mà phải dừng.

- Ý, không có ai cũng phải dừng chớ, để thành thói quen không vượt đèn đỏ bà à.

Trời nắng nóng hầm hập, dưới tán cây phượng những người bận đồ bảo hộ ai cũng tất bật, tất cả những người bước vào sân trường đều được phun sương một lượt từ đầu đến chân.

- Thuốc sâu rầy hả thầy?

- Không! Không! Ðây là thuốc khử khuẩn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ cứ yên tâm ạ.

Buổi sáng hơn chục cán bộ trong đội “tét nhanh” làm việc cần mẫn, mọi chuyện vẫn như ý, không ai “dương tính”. Mừng! 12 giờ nghỉ ăn trưa, xong lại tiếp tục. Gần chiều hơn chục người trong nhóm “nhổ mì” rủ nhau đi tét.

Một. Hai. Ba… chưa dừng lại. Những người cùng đi “tét nhanh” nhốn nháo, những gương mặt âu lo. “A lô! A lô”. Tiếng gọi nhau í ới qua mạng, trên tay nhiều người là chiếc điện thoại liên tục hoạt động để mà trò chuyện, để mà hỏi thăm, để mà thông báo hung tin…

Nửa đêm những chuyến xe gắn đèn chớp nháy vào ấp, đâu đó tiếng trẻ em khóc lóc thê thiết. Chốt được lập các ngả đường. Những ngôi nhà được giăng dây cảnh báo. Tiếng anh cán bộ ấp giọng khàn khàn phát qua loa cầm tay, không còn the thé như vài ngày trước.

- A lô! A lô! Bà con chú ý, ấp ta đã có vài ca dương tính. Những người dương tính sẽ được đưa đi cách ly, chữa trị, những người là ép-một tự cách ly tại nhà. Bà con chú ý. Mọi người bình tĩnh, ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết.

Buổi sáng yên ắng lạ thường, 8 giờ mọi nhà vẫn đóng cửa im ỉm, tiếng khàn khàn, đùng đục hơi khó nghe phát ra từ chiếc loa tay của anh cán bộ ấp.

- A lô! A lô. Mời những gia đình khó khăn đến văn phòng ấp nhận lương thực, rau củ quả của nhân dân các địa phương gửi tặng. Những gia đình có người đi cách ly sẽ được chúng tôi đưa đến tận cổng nhà. A lô! A lô.

- A lô! Bác hai ơi, con là Thy nè. Bác cho con vào vườn nhà bác, con cắt cỏ cho bò được không ạ?

- Con là người phải tự cách ly ở nhà, làm sao sang được vườn của bác để cắt cỏ?

- Dạ! Con bắc cái thang qua hàng rào leo qua ạ.

- Ờ! Ờ được! Nhưng con để bác điện hỏi ý kiến ông trưởng ấp xem có được không nhé.

Thy- cô bé ở gần nhà tôi, cha mẹ đều phải đi cách ly. Chồng Thy đã bỏ đi mất dạng hơn 2 năm qua, Thy phải bồng bế 2 con nhỏ về tá túc nhà cha mẹ ruột. Cha mẹ Thy thuộc diện hộ khó khăn, cuộc sống nhờ vào việc đi nhổ mì mướn, làm ngày nào có ăn ngày ấy.

Gia đình được Hội Nông dân xã hỗ trợ một con bò sinh sản, những mong có thêm thu nhập sẽ bớt khó khăn. Gần 2 năm chăm sóc con bò mới đẻ một chú bê, Thy cưng con bò lắm lắm, ngày nào cũng sách nước tắm cho bò, cắt cỏ cho ăn thêm. Nay phải tự cách ly tại nhà, thức ăn dự trữ cho bò không có. Phải làm sao? Làm sao? Câu hỏi không dễ trả lời.

- A lô! Chú trưởng ấp đó à!

- Dạ! Em đây, có chi không anh?

- Ờ! Cái vụ gia đình cô Thy ấy mà.

- À! Em biết rồi. Em đã vận động tặng gia đình gạo, mì gói, rau quả rồi.

- Ờ! Còn cái vụ con bò?

- Em đang tìm xem có nhà nào có rơm, cỏ khô chia lại cho gia đình cổ một ít.

- Tốt quá. Cổ có xin sang vườn tôi cắt cỏ chú thấy sao?

- Làm sao để cổ đi ra đường được.

- Cổ nói bắc thang leo qua hàng rào.

- Cổ mảnh dẻ, yếu ớt thế leo qua leo lại lỡ té thì sẽ “họa vô đơn chí”. Thôi anh để em tính, đối đế quá em nhờ mấy hộ có nuôi bò họ nuôi giúp ít ngày anh ạ.

Những trụ đèn xanh đèn đỏ vẫn cần mẫn lúc xanh, lúc đỏ cho dù không có một bóng người xe qua lại, chỉ có 2 chú dân quân ngồi dưới bóng cây dù lúc trời nắng quay quắt cũng như lúc bóng mây lững lờ che khuất ánh nắng, gió từ hướng núi Bà thổi tới mát rười rượi.

Cũng lạ! Từ bữa thực hiện giãn cách xã hội chống dịch, nơi đây trời ngày nào cũng nắng gián đoạn, không gay gắt, không mưa xối xả như những ngày trước đó. Trên các ngả đường trong ấp, ngày nào cũng có những chuyến xe chở rau củ quả từ nơi khác đến tặng cho các gia đình khó khăn.

Một số hộ gia đình nhà gần đường kê chiếc bàn, ghế bên lề đường bày lên khi mớ rau, mớ cà, đọt măng tươi rói cùng một tấm giấy ghi dòng chữ nguệch ngoạc: “Chung tay chống dịch Cô-vít 19. +Ai cần cứ lấy.+Ai có dư xin hãy ủng hộ. Xin cảm ơn”.

Cành trúc gần lề đường vẫn đong đưa, đôi chim se sẻ cần mẫn tìm kiếm tha về những cọng cỏ khô. Thì ra! Vợ chồng se sẻ đang hì hụi xây tổ ấm trên cành trúc gió thổi la đà. Một niềm tin, hy vọng yêu thương, hạnh phúc tràn đầy.

Bỗng! Lại bỗng, nhớ ra mình đang ở vùng tâm dịch:

Tôi đang ở vùng “tâm dịch”

bên phải hai vợ chồng F0

bên trái hai chị em lên xe đặc chủng

phía sau mấy gia đình có người “dương tính”.

Trận chiến này nếu ai lơ là, bỏ cuộc(?)

người ấy có tội với nhân dân.

Những mớ rau, trái cà, trái ớt

vẫn nồng say tình nghĩa xóm làng

và ta vẫn tự tin yêu đời tha thiết…

Hiền Lương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gio-lay-canh-truc--a135168.html