Gió mạnh, mưa lớn vẫn diễn ra trên địa bàn Quảng Trị - Thừa Thiên Huế
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vào sáng nay, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã có báo cáo sơ bộ về thiệt hại sau khi cơn bão số 4 (Noru) đổ bộ vào đất liền.
“Phải tuyệt đối an toàn mới cho học sinh đi học trở lại”
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thông tin, trên địa bàn có gió giật cấp 7 đến cấp 9, chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300mm.
Tại Quảng Trị, có một số nơi gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy vào chiều 27/9 tại thị trấn Cửa Việt, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, đứt một số đoạn dây điện, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Sau khi ghi nhận báo cáo của các địa phương, tại điểm cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đánh giá đây là cơn bão lớn nên công tác ứng phó được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước mắt khẩn trương rà soát những điểm có thiệt hại. Đặc biệt tại các khu dân cư, khu vực trọng yếu để hỗ trợ người dân, khắc phục hệ thống cây xanh ngã đổ, đảm bảo lưu thông và thông tin liên lạc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Cần dựa vào tình hình thực tế, diễn biến thời tiết để ứng phó với bão. Sau khi bão tan, tổng hợp nhanh các khu vực bị thiệt hại và chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người, đặc biệt phải tuyệt đối an toàn mới cho học sinh đi học trở lại”.
Sáng cùng ngày 28/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến thăm người dân trú bão tập trung ở điểm trường THCS Thuận An (phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tại đây, Phó Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi tình hình sinh hoạt của người dân. Đồng thời nhắc nhở, tình hình thời tiết còn đang diễn biến phức tạp, vì vậy người dân cần tuân thủ những yêu cầu của chính quyền sở tại và chỉ trở lại nhà mình khi thời tiết đã bình thường trở lại.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chính quyền địa phương dành những điều điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để người dân an tâm, thoải mái và an toàn trong quá trình tránh, trú bão Noru.
Tiếp đó, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra thực tế tại tuyến đê chắn biển thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; nghe đại diện bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế và chính quyền địa phương báo cáo tình hình. Theo đó, trước bão số 4 chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác ứng phó, sơ tán dân, nên khi bão đổ bộ không gây thiệt hại lớn.
Tiếp tục hỗ trợ, ứng phó sau cơn bão
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng do bão số 4, trên địa bàn có 1 người bị thương nhẹ, có 14 nhà tốc mái, 1 nhà bị sập; tại huyện Quảng Điền, hoa màu ngập nước 25ha, ướt 40 tấn lúa.
Cũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trên nhiều tuyến đường: Quốc lộ 1A, 49B, đường tránh Huế, tỉnh lộ 18 và một số tuyến đường trên địa bàn thành phố cây xanh ngã đổ, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người người và phương tiện lưu thông.
Ngay trong sáng cùng ngày, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động các lực lượng, phương tiện, phối hợp với đơn vị chức năng cưa, dọn cây xanh ngã đổ. Đồng thời, tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi vào tuyến đường nguy hiểm.
Thượng tá Hoàng Liên Sơn - Phó Trưởng Công an TP Huế cho biết, trên địa bàn một số phường, xã trung tâm thành phố, cây xanh đổ gãy khá nhiều. Đơn vị đã huy động lực lượng phối hợp các đơn vị khẩn trương cưa, dọn. Đến nay cơ bản đã thông tuyến.
Hiện, Ban Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát địa bàn cơ sở, nắm tình hình thiệt hại ban đầu. Đồng thời, triển khai lực lượng nhanh chóng phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở cứu hộ cứu nạn, từng bước khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 4 gây ra.
Ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn gió giật mạnh, mưa rải rác ở các địa phương. Tại nhiều điểm ngầm, tràn qua suối ở các huyện miền núi Hướng Hóa bị nước dâng, chia cắt, như: Cầu tràn thôn Trùm, xã Ba Tầng và đập tràn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn. Trong sáng nay, chính quyền địa phương đã cử lực lượng dân quân, quân sự chốt chặn để đảm an toàn cho người dân.
Tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, trong sáng ngày 28/9, nước suối dâng cao đã chia cắt hàng loạt ngầm, tràn tại các xã A Ngo, Tà Rụt, A Vao, Ba Nang.
Ông Thái Ngọc Châu - Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Hiện, có nơi nước dâng qua ngầm, tràn hơn 1m, chảy rất xiết. Ngay từ hôm qua, chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền các địa phương cử lực lượng chốt giữ, yêu cầu người dân không đi qua các ngầm, tràn, khu vực nguy hiểm".
Mưa lớn gây lũ cũng đã cuốn trôi cây cầu tạm lên trung tâm xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) khiến khoảng 320 hộ dân/trên 1.000 người bị chia cắt hoàn toàn.
Cũng trong sáng nay, tại UBND thị trấn Cửa Việt, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Gio Linh tiến hành họp khẩn, bàn phương án khắc phục thiệt hại do trận lốc xoáy xảy ra vào chiều ngày 27/9. Trước đó, vào khoảng 15 giờ 15 phút, lốc xoáy tại khu vực thị trấn Cửa Việt đã làm 180 hàng quán ven biển hư hỏng, 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó, có 2 ngôi nhà sập hoàn toàn) và khiến 4 người bị thương.