Giỗ Tổ Hùng Vương: Một ngày nhớ về cội nguồn

'Uống nước nhớ nguồn' từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cho đến nay, truyền thống đó vẫn được lưu giữ và phát huy, giống như câu nói mà Bác Hồ đã dạy 'Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba!

Hàng năm, cận kề tháng 3 Âm lịch, người dân trên khắp lãnh thổ Việt Nam lại chung tâm thế háo hức hướng về ngày Giỗ Vua Hùng. Trước đây, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.

Đến ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày quốc lễ của Việt Nam, thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Quy mô tổ chức ngày giỗ cũng được nhân rộng tại nhiều nơi trên cả nước.

Ngoài nghi thức dâng hương, nhiều địa phương tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương bằng nhiều hoạt động phong phú, nhằm tô đậm và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc như gói bánh chưng, trò chơi dân gian, trưng bày cổ vật, ẩm thực 3 miền…

Năm nay với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương", gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào đón người dân và khách thập phương.

Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ - Ảnh: IT

Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ - Ảnh: IT

Cùng thời điểm với Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt tổ chức lễ dâng hương.

Tại TPHCM, với chủ đề: “Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam”, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra từ ngày 8 - 11/4/2022 (4 ngày) tại Công viên Lịch sử, Văn hóa, Dân tộc (TP Thủ Đức). Cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học… trên địa bàn Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động để hướng về Ngày Giỗ Vua Hùng.

Cùng thời điểm trên, nhiều địa phương cũng tổ chức các hoạt động trọng thể để tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Bích Vân (ngụ TPHCM) cho biết, mỗi năm đến Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương bản thân em cảm thấy rất háo hức bởi Giỗ Tổ không chỉ là nét truyền thống của người Việt mà đây còn dịp để con cháu hiểu hơn về công lao to lớn mà thế hệ cha ông đã gầy dựng.

“Ngày Giỗ Tổ, người dân trên khắp đất nước Việt Nam đều hướng về đất tổ. Bản thân em luôn biết ơn và đang cố gắng học tập, lao động để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, Bích Vân nói.

Còn với Bảo Ngọc, học sinh lớp 7 tỉnh Đắk Lắk, thông qua sách vở và Internet, em biết được ý nghĩa đặc biệt của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, là ngày để người dân Việt Nam nhớ về công lao của các Vua Hùng, về thời đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

“Em sẽ chăm chỉ học tập, vâng lời ông bà, cha mẹ để trở thành người có ích cho xã hội”, Bảo Ngọc nói.

Đất nước ngày càng phát triển, văn hóa phương Tây bắt đầu gia nhập và pha trộn vào văn hóa phương Đông. Nhưng đối với một quốc gia có nền văn hiến lâu đời như Việt Nam, các giá trị văn hóa sẽ còn mãi và tiếp tục được duy trì, phát triển, giống như truyền thống bao đời nay.

Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và cố gắng để xứng đáng với Tổ tiên, với công lao của các Vua Hùng.

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/gio-to-hung-vuong-mot-ngay-nho-ve-coi-nguon-116015.html