Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Phần hội trở lại, trải nghiệm hát Xoan làng cổ
Hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được trình diễn, phần hội được tổ chức trở lại… là những điểm đáng chú ý của Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022.
Phần hội Giỗ Tổ Hùng Vương trở lại sau 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19
Trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên năm nay, phần hội được mở trở lại, gắn với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh và diễn ra trong điều kiện "thích ứng an toàn, linh hoạt" với đại dịch toàn cầu.
Phần hội năm nay có trưng bày chuyên đề Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa, Dấu tích người Việt Cổ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hát Xoan Phú Thọ; Chiếu phim phục vụ nhân dân; Trình diễn đánh trống đồng, đâm đuống; Biểu diễn múa rối nước; Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ...
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 diễn ra ngày 10/3 Âm lịch (10/4/2022) với Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong" tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban tổ chức, phần hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 hướng đến tôn vinh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và "Hát Xoan Phú Thọ" đều đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, ngoài phần hội kể trên sẽ có trình diễn hát Xoan. Từ thời các Vua Hùng dựng nước, hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát, mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng.
Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử hàng nghìn năm, hát Xoan vẫn tồn tại, hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: Hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương. Đó còn là hát trước cửa đình và hát vào mùa xuân, hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại, trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da. Với những giá trị đặc sắc, UNESCO đã ghi danh hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017.
Trải nghiệm Hát Xoan làng cổ khi về với Giỗ Tổ Hùng Vương
Chương trình Hát Xoan làng cổ tổ chức từ 7 - 16 giờ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 do các nghệ nhân tại các miếu, đình làng Xoan cổ thuộc các xã Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô (thành phố Việt Trì) biểu diễn phục du khách thập phương. Các tiết mục hát Xoan do các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn.
Ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết, những làn điệu hát Xoan đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương trong nhiều năm qua và hiện tại. Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, du khách thập phương được thưởng thức các làn điệu hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ nói riêng và đất nước con người Việt Nam nói chung.
Thưởng thức chương trình Hát Xoan làng cổ, người dân và du khách có dịp được nghe các làn điệu Xoan cổ, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa từ thời đại Hùng Vương và được tham quan các làng nghề truyền thống tại một số địa phương, được trực tiếp học múa, hát, biểu diễn hát Xoan dưới sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của các nghệ nhân.
Tại tỉnh Phú Thọ, các miếu, đình làng Xoan cổ đã thực hiện chương trình Hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa phục vụ du khách trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Hòa vào không gian này, mọi người sẽ được thưởng thức các bài Xoan cổ thuộc cả 3 chặng hát: Hát nghi lễ, Hát quả cách và Hát hội (hát giao duyên) do các nghệ nhân của địa phương biểu diễn.
Hát nghi lễ gồm các bài Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Hát quả cách gồm 14 bài (quả là bài, cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách... Và cuối cùng là Hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu, Bỏ bộ, Xin huê - Đố huê, Đố chữ. Hát đúm. Cài huê, Mó cá.
Tại không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào - kép Xoan đã toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm làm du khách không thể nào quên.
Về với Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, người dân không chỉ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân công đức của các bậc tiền nhân mà còn có cơ hội được hòa mình vào những làn điệu hát Xoan - loại hình dân ca nghi lễ, phong tục chỉ có ở Phú Thọ và gắn liền với những truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.
Hoa Quỳnh