'Giỗ Tổ' Hùng Vương - Tín ngưỡng văn hóa tâm linh riêng có của người Việt

Có thể nói, hiếm có quốc gia nào trên thế giới có được hình thức 'Thờ Tổ' độc đáo, một tín ngưỡng mang bản sắc riêng có của Việt Nam; góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa hướng về nguồn cội của người Việt.

Bởi vậy, từ xa xưa đã lưu truyền câu ca nhắc nhở nhau, đi vào tiềm thức các thế hệ người Việt:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Kỷ niệm trước khi lên Đền dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.

Kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất non sông và Quốc tế lao động 1/5 năm nay đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ tổ chức với quy mô lớn, gồm cả phần lễ và phần hội. Nổi bật là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, đặc biệt phần hội quy tụ hơn 20 hoạt động, trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023”; Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ở Việt Nam; Trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; múa rối nước; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy cùng với thi đấu các môn thể thao truyền thống như tung còn, cờ tướng, bắn nỏ, vật dân tộc và đẩy gậy; Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì livemussic” … thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến hành lễ, thưởng ngoạn, trải nghiệm hướng về nguồn cội.

Sự ra đời và tồn tại lâu dài của Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng cùng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự khẳng định niềm tin vào bản sắc truyền thống văn hóa đối với các thế hệ cha ông đi trước, những người đã đổ biết bao công sức và xương máu để dựng nước và giữ nước Việt hình chữ S. Chính từ ý nghĩa tâm linh thiêng liêng ấy mà Lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, trở thành đạo lý truyền thống của người Việt “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với công đức của tổ tiên.

Dòng người về dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Inrternet.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không có biên giới riêng mà là biên giới cộng đồng. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Ở đó tất cả mọi người đều có chung một vị Thánh Tổ - Vua Hùng.

Trong tâm thức nguồn cội của người Việt - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng-quốc gia-dân tộc, đã kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Còn nhớ, sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về thăm viếng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là Ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội.

Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).
Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Tháng 12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Theo đánh giá của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ “Tín ngưỡng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Trước đó, ngày 24-11-2011, UNESCO đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo truyền thuyết, người dân Phú Thọ đã sáng tạo Hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng vào dịp đầu xuân. Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng ngàn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Sau một thời gian bảo tồn, phát huy, đến ngày 8-12-2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ nguồn gốc ra đời, tên gọi và quá trình thực hành Hát Xoan Phú Thọ có mối quan hệ chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, vượt thời gian, bền vững trong lịch sử.

Được UNESCO công nhận Đền Hùng và ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chứng tỏ không chỉ người Việt tôn kính, tự hào về Đền Hùng mà bạn bè, nhân dân tiến bộ trên thế giới cũng tìm thấy ở đây những giá trị văn hóa tâm linh to lớn. Những dòng lưu bút của các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Đền Hùng làm chúng ta thật sự xúc động. Nhiều người của các dân tộc khác cũng thừa nhận: Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam, là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam; là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, Giỗ Tổ Hùng Vương là một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam, là dịp để tôn kính và tưởng nhớ đến các vị anh hùng đã có công đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thời đại các Vua Hùng là thời đại văn minh mở nước, dựng nước - văn minh sông Hồng, văn minh Việt cổ. Sức mạnh văn hóa vật chất - văn hóa tinh thần của thời đại các Vua Hùng tạo nền tảng cho nước Việt, văn hóa Việt trường tồn. Vượt qua mọi thử thách cam go, khốc liệt suốt chiều dài lịch sử, nhân dân ta đã tạo dựng nên cơ đồ Việt Nam hôm nay, tạo dựng giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc và bản lĩnh, đặc biệt là một tấm lòng sắt son, một niềm tin kiên định ở chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, để Việt Nam vững vàng bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế, có vị thế, cơ đồ như hôm nay.

-------------

Từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII, cả nước có 73 làng xã thờ Vua Hùng. Hiện nay có 1417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật có liên quan đến thời đại Hùng Vương, phân bổ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật, vị thần, những người có công với nước thời đại Hùng Vương.

V.X.B

Vũ Xuân Bân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gio-to-hung-vuong-tin-nguong-van-hoa-tam-linh-rieng-co-cua-nguoi-viet-a18678.html