Giới chức Lầu Năm Góc bàn cách ứng phó nếu ông Trump ban hành các lệnh gây tranh cãi

Các quan chức Lầu Năm Góc đang tổ chức các cuộc thảo luận không chính thức về cách Bộ Quốc phòng sẽ phản ứng nếu Tổng thống nhiệm kỳ tới Donald Trump ra lệnh triển khai quân đội thường trực trong nước và sa thải một lượng lớn nhân viên của bộ này.

Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ông Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ để ngỏ việc sử dụng lực lượng đang tại ngũ để thực thi pháp luật trong nước trong nỗ lực trục xuất người nhập cư hàng loạt, đồng thời cho biết ông muốn sử dụng những người trung thành và "thanh trừng những kẻ tham nhũng" trong hệ thống an ninh quốc gia.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã có mối quan hệ căng thẳng với nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao của mình, bao gồm cả Tướng Mark Milley hiện đã nghỉ hưu, người đã thực hiện các bước để hạn chế khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump đã nhiều lần mô tả các tướng lĩnh quân đội Mỹ là "yếu đuối" và "lãnh đạo kém hiệu quả".

Đối phó với "cuộc chấn chỉnh" Lầu Năm Góc

Các quan chức hiện đang đưa ra nhiều kịch bản khác nhau khi họ chuẩn bị cho một cuộc “chấn chỉnh” Lầu Năm Góc từ ông Trump.

"Tất cả chúng tôi đều đang chuẩn bị và lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất, nhưng thực tế là chúng tôi vẫn chưa biết điều này sẽ diễn ra như thế nào", một quan chức quốc phòng cho biết.

Việc ông Trump đắc cử cũng đã đặt ra câu hỏi về những gì sẽ xảy ra ở Lầu Năm Góc nếu tổng thống ban hành một lệnh không hợp pháp, đặc biệt là nếu những người được ông bổ nhiệm giữ các vai trò chính trị trong Bộ Quốc phòng lại không phản đối.

“Quân đội buộc phải tuân theo luật pháp để không tuân theo các mệnh lệnh phi pháp”, một quan chức quốc phòng khác cho biết. “Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau đó – chúng ta liệu có thấy các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao từ chức không? Hay người ta sẽ coi đó là họ bỏ rơi người dân của mình?”

Hiện tại vẫn chưa rõ Tổng thống đắc cử Trump sẽ chọn ai để lãnh đạo Lầu Năm Góc, mặc dù các quan chức tin rằng ông và đội ngũ của mình sẽ cố gắng tránh mối quan hệ căng thẳng mà ông đã để xảy ra với quân đội trong chính quyền trước – theo một cựu quan chức quốc phòng có kinh nghiệm trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu.

“Mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng đã thực sự tệ, và vì vậy, tôi biết đó là điều quan trọng nhất khi họ lựa chọn những người mà họ đưa vào Bộ Quốc phòng lần này”, cựu quan chức này cho biết.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng đang cố gắng xác định những nhân viên dân sự có thể bị ảnh hưởng nếu ông Trump khôi phục Biểu F (Schedule F), một sắc lệnh hành pháp mà ông ban hành lần đầu tiên vào năm 2020. Nếu được ban hành, sắc lệnh này sẽ phân loại lại một lượng lớn nhân viên liên bang phi chính trị trên khắp chính phủ để khiến họ dễ bị sa thải hơn.

Khả năng huy động quân đội xuống đường phố

Bên cạnh đó, nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu đang quan tâm đến cách ông Trump lên kế hoạch sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ ở trong nước.

Tháng trước, ông Trump từng nói rằng quân đội nên được sử dụng để xử lý những gì ông gọi là "kẻ thù từ bên trong" và "những kẻ điên cuồng cực đoan cánh tả".

Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ gác tại Olympia, bang Washington. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ gác tại Olympia, bang Washington. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

"Tôi nghĩ rằng nếu cần thiết, Vệ binh Quốc gia sẽ dễ dàng xử lý, hoặc nếu thực sự cần thiết, quân đội sẽ xử lý, vì họ không thể để điều đó xảy ra", ông nói thêm, ám chỉ đến các cuộc biểu tình có thể xảy ra vào Ngày Bầu cử.

Một số cựu quan chức quân sự cấp cao từng phục vụ dưới thời ông Trump đã lên tiếng cảnh báo trong những năm gần đây về những quyết định của ông, bao gồm Tướng Milley và Tướng đã nghỉ hưu John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng của ông Trump.

Lầu Năm Góc không thể làm gì nhiều để bảo vệ lực lượng này trước nguy cơ lạm dụng quyền lực tiềm tàng của một tổng tư lệnh. Các luật sư của Bộ Quốc phòng có thể và thực sự đang đưa ra các khuyến nghị cho các nhà lãnh đạo quân đội về tính hợp pháp của các mệnh lệnh, nhưng không có biện pháp bảo vệ pháp lý thực sự nào có thể ngăn ông Trump triển khai binh lính Mỹ để tuần tra các đường phố trong nước (trong nỗ lực trấn áp người nhập cư trái phép).

Một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, người từng phục vụ dưới thời ông Trump, cho biết ông tin rằng có khả năng các lực lượng đang tại ngũ bổ sung sẽ được giao nhiệm vụ hỗ trợ Hải quan và Biên phòng tại biên giới phía Nam.

Hiện đã có hàng nghìn thành viên các lực lượng này tại biên giới, bao gồm cả những quân nhân thường trực, Vệ binh Quốc gia và Lực lượng Dự bị. Chính quyền Tổng thống Biden đã cử 1.500 quân nhân đang tại ngũ vào năm ngoái và sau đó cử thêm vài trăm người nữa.

Nhưng theo cựu quan chức trên, cũng có khả năng các lực lượng có thể được điều đến các thành phố của Mỹ nếu được yêu cầu hỗ trợ kế hoạch trục xuất hàng loạt mà ông Trump đã nhiều lần đề cập trong quá trình tranh cử.

Ông Trump cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật trong nước "không có đủ nhân lực, họ không có trực thăng, xe tải, khả năng viễn chinh" mà quân đội mang lại. Nhưng ông nhấn mạnh rằng một quyết định đưa lực lượng quân nhân tại ngũ xuống đường phố Mỹ sẽ được xem xét cẩn trọng.

"Bạn không bao giờ có thể coi nhẹ điều đó, bạn không bao giờ có thể nói một cách nghiêm túc rằng đó không phải là vấn đề lớn. Đó là một vấn đề lớn", cựu quan chức cấp cao trên cho biết.

Một quan chức quân đội khác nói với CNN rằng họ có thể tưởng tượng ra việc chính quyền mới của ông Trump ra lệnh tăng thêm vài nghìn quân để hỗ trợ nhiệm vụ biên giới, nhưng cảnh báo rằng điều đó có thể gây tổn hại đến sự sẵn sàng của quân đội trong việc đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài.

Quyền hạn của tổng thống đặc biệt rộng nếu ông Trump viện dẫn Đạo luật Chống Nổi loạn, trong đó nêu rằng trong một số trường hợp hạn chế liên quan đến việc bảo vệ các quyền hiến định, tổng thống có thể đơn phương triển khai quân đội trong nước.

Nhân viên dân sự đối mặt rủi ro

Trong một video được đăng tải vào năm ngoái, ông Trump cho biết nếu được bầu, ông sẽ "ngay lập tức ban hành lại Sắc lệnh hành pháp năm 2020 của mình, khôi phục thẩm quyền của tổng thống trong việc loại bỏ các quan chức bất hảo... Chúng ta sẽ thanh trừng tất cả những kẻ tham nhũng trong bộ máy an ninh quốc gia và tình báo của chúng ta, và có rất nhiều kẻ như vậy".

Lầu Năm Góc đã chuẩn bị cho sự thay đổi chính sách như vậy.

"Email của tôi đã ngập tràn về chủ đề này", một quan chức quốc phòng cho biết về Biểu F, "Chắc chắn sẽ là một vài tháng bận rộn".

Sau khi ông Trump ban hành Biểu F lần đầu tiên, vào cuối nhiệm kỳ cuối cùng của mình, Lầu Năm Góc và các cơ quan liên bang khác được giao nhiệm vụ lập danh sách những nhân viên nào sẽ được chuyển vào danh mục bị loại bỏ đó. Bộ này hiện đang lập danh sách tương tự.

Văn phòng Nhân sự và Quản lý đã ban hành một quy định vào tháng 4 nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ nhân viên liên bang. Nhưng "vẫn có những cách mà một chính quyền mới có thể giải quyết các biện pháp bảo vệ này", một viên chức quốc phòng cho biết.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuc-lau-nam-goc-ban-cach-ung-pho-neu-ong-trump-ban-hanh-cac-lenh-gay-tranh-cai-20241109161919729.htm