Giới chuyên gia đánh giá về xu hướng phi USD hóa

Khoảng 60% tổng dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương nắm giữ và khoảng 40% hoạt động thương mại toàn cầu sử dụng đồng USD, khiến USD có ưu thế lớn trong các hoạt động thương mại toàn cầu.

Trong ảnh: Đồng 100 đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ảnh: Đồng 100 đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhà nghiên cứu tại Khoa Kinh tế, Đại học Malaya (Malaysia) - Tiến sỹ Mohd Edil Abd Sukor, đồng USD đã trở thành đồng tiền hàng đầu thế giới vì nhiều lý do, từ các yếu tố chính trị đến lịch sử. Các nghiên cứu ước tính rằng khoảng 60% tổng dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương nắm giữ và khoảng 40% hoạt động thương mại toàn cầu sử dụng đồng USD. Điều này đã khiến đồng USD có ưu thế rất lớn trong các hoạt động thương mại toàn cầu.

“Quyền lực lớn” đối với hệ thống tài chính đã khiến đồng USD có sức mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới và nếu cần thì có thể sử dụng như một “vũ khí” tiền tệ. Tuy nhiên, quyền lực này đã tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống tài chính toàn cầu, dẫn đến khủng hoảng tài chính và bất ổn kinh tế. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã xảy ra trước khi lãi suất ở Mỹ tăng mạnh.

Một số quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã bày tỏ sự quan tâm tới loại tiền tệ mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Đồng tiền mới này có thể mang lại lợi ích cho BRICS và các quốc gia khác, chẳng hạn như tăng cường hội nhập kinh tế trong các quốc gia BRICS, giảm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, cũng như làm suy yếu vị thế “thống trị” của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ lớn nhất trên thế giới.

Kể từ năm 2014, các quốc gia BRICS đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD thông qua việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm BRICS, giảm sự phụ thuộc vào Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào giữa năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về việc các nước BRICS có kế hoạch phát hành một loại “đồng tiền dự trữ toàn cầu mới” và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia khác.

Đồng tiền dự trữ toàn cầu mới được đề xuất bởi các quốc gia BRICS có khả năng cung cấp nhiều lựa chọn tài chính hơn, thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới và khuyến khích các quốc gia thành lập các liên minh để phát triển đồng tiền ở khu vực riêng của họ. Cuối cùng, hệ thống này nhằm mục đích “thách thức” vị thế “bá chủ” của đồng USD.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục được duy trì và vẫn là đồng tiền “thống trị” trên thế giới. Họ lập luận rằng sự cởi mở, minh bạch của thị trường tài chính Mỹ, cùng việc sử dụng quyền lực mềm một cách linh hoạt là nguyên nhân chính cho kết luận như vậy. Ví dụ, Mỹ đã trở thành một siêu cường kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc và nhiều quốc gia đã phải dựa vào Mỹ để được hỗ trợ về an ninh, ngoại giao và kinh tế. Điều này đã khiến đồng USD được coi là loại tiền tệ ổn định nhất hiện nay.

Sự xuất hiện của hệ thống tiền tệ mới cũng có thể gây ra nhiều rủi ro đáng kể cho nền kinh tế và thị trường tài chính, vì nó sẽ làm thay đổi các chính sách tiền tệ và làm trầm trọng thêm mối căng thẳng địa chính trị. Do đó, các nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn và kịp thời cập nhật thông tin về sự phát triển ở các quốc gia BRICS và hệ thống tài chính toàn cầu.

Tóm lại, việc làm giảm “quyền bá chủ” của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu là một nhiệm vụ rất phức tạp và đặt ra nhiều thách thức, vì cần có sự thay đổi đáng kể của hệ thống tài chính và tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay. Điều này cũng đòi hỏi việc giải quyết một số thách thức như sự hạn chế trong tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, hạn chế khả năng chuyển đổi tiền tệ và sự lo ngại đối với tính ổn định, minh bạch đối với hệ thống tài chính của chính các quốc gia muốn làm suy giảm “quyền lực” của đồng USD.

Tóm lại, có nhiều trở ngại đáng kể và sẽ mất rất nhiều thời gian để BRICS và các quốc gia khác tìm ra giải pháp phù hợp, mang tính toàn cầu trong vấn đề này./.

Thành Trung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gioi-chuyen-gia-danh-gia-ve-xu-huong-phi-usd-hoa/294571.html