Giới chuyên gia hoài nghi về dự báo doanh thu thuế của Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thuế quan sẽ giúp nền kinh tế nước này 'giàu có', song các chuyên gia kinh tế cho rằng số tiền thu về có thể thấp hơn nhiều so với dự báo của Nhà Trắng.

Nhà Trắng tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các chuyên gia nhấn mạnh con số thực tế có thể tác động lớn đến kinh tế Mỹ, tình hình nợ công và các cuộc đàm phán lập pháp liên quan đến gói cắt giảm thuế.
Trả lời chương trình Fox News Sunday, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro mới đây ước tính thuế quan sẽ mang lại khoảng 600 tỷ USD mỗi năm và 6.000 tỷ USD trong một thập kỷ. Ông cho biết thuế quan đối với ô tô có thể đóng góp thêm 100 tỷ USD mỗi năm.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ dự kiến công bố thêm các biện pháp áp thuế đối với các đối tác thương mại vào ngày 2/4.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump có thể tạo ra doanh thu thấp hơn đáng kể so với tuyên bố của Nhà Trắng, thậm chí chưa bằng một nửa mức dự báo.
Nhà kinh tế Mark Zandi của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng 600-700 tỷ USD mỗi năm "là điều không thể xảy ra". Theo ông, doanh thu từ 100-200 tỷ USD đã là một kết quả khả quan.
Theo các nhà quan sát, phạm vi áp thuế vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, bao gồm mức thuế suất, thời gian áp dụng, danh mục sản phẩm và quốc gia bị ảnh hưởng. Tất cả những yếu tố này có thể tác động đáng kể đến doanh thu thuế quan.
Báo The Washington Post cho biết Nhà Trắng đang xem xét áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu. Đây là mức thuế từng được ông Trump đề xuất trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, chính quyền có thể điều chỉnh chính sách, chẳng hạn áp thuế theo từng quốc gia dựa trên các rào cản thương mại khác nhau.
Giới chuyên gia nhận định mức thuế 20% có thể là cơ sở cho dự báo doanh thu của cố vấn Navarro. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 3.300 tỷ USD. Nếu áp thuế 20% lên toàn bộ số này, số tiền thu về sẽ vào khoảng 660 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ông Ernie Tedeschi, Giám đốc Kinh tế của trung tâm nghiên cứu tài chính Yale Budget Lab cho rằng cách tính này bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng.
Theo ông Tedeschi, để có một dự báo chính xác hơn, cần tính đến tác động kinh tế của thuế quan đối với Mỹ và thế giới, vì những tác động này có thể khiến doanh thu thực tế giảm xuống.
Bản phân tích của Yale Budget Lab công bố hôm 31/3 cho thấy một mức thuế 20% áp dụng rộng rãi sẽ chỉ tạo ra khoảng 250 tỷ USD mỗi năm (tương đương 2.500 tỷ USD trong một thập kỷ) sau khi tính đến các yếu tố kinh tế thực tế.
Các chuyên gia cho rằng để thu về số tiền lớn hơn, Mỹ cần áp thuế suất cao hơn. Ví dụ, theo nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mức thuế 50% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu có thể tạo ra 780 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ngay cả dự báo này cũng chưa tính đến tác động tiêu cực của thuế quan như tăng trưởng kinh tế chậm lại do thuế quan trả đũa từ các nước khác.
Thuế quan thường làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng. Theo Yale Budget Lab, mức thuế 20% có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi thêm 3.400-4.200 USD/năm.
Vì giá cả tăng, người tiêu dùng sẽ mua ít hàng nhập khẩu hơn, dẫn đến giảm doanh thu thuế. Ngoài ra, chuyên gia Robert McClelland thuộc Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings nhận định thuế quan có thể khiến hoạt động kinh tế chậm lại.
Doanh nghiệp Mỹ nếu không thể chuyển chi phí thuế quan sang người tiêu dùng có thể chịu tổn thất về lợi nhuận, dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, sẽ gây sức ép lên lợi nhuận của doanh nghiệp và nguồn thu từ thuế. Những doanh nghiệp gặp khó khăn có thể buộc phải cắt giảm nhân sự, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các quốc gia khác có thể áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ, làm giảm doanh thu xuất khẩu. Nếu kinh tế các nước này suy yếu, nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ cũng sẽ giảm, kéo theo sự sụt giảm doanh thu từ thuế quan.
Nhà kinh tế Zandi nhận định nếu Mỹ áp thuế 20%, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. Hơn nữa, mức độ tuân thủ thuế quan có thể không đồng đều.
Một phần doanh thu thuế quan cũng có thể được dùng để hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính phủ đã chi 61 tỷ USD hỗ trợ nông dân Mỹ chịu tác động do thuế quan trả đũa, tương đương 92% tổng thuế thu được từ hàng hóa Trung Quốc giai đoạn 2018-2020.
Ngoài ra, các biện pháp thuế quan có thể không kéo dài lâu, khiến nguồn thu bị hạn chế.
Chính quyền ông Trump đã gợi ý rằng chính sách áp thuế sẽ là một trong những biện pháp hàng đầu để bù đắp chi phí cho kế hoạch cắt giảm thuế sắp tới.
Theo tổ chức nghiên cứu chính sách thuế Tax Foundation, việc gia hạn luật cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump sẽ tiêu tốn 4.500 tỷ USD trong một thập kỷ. Giới chuyên gia nhận định nếu doanh thu từ thuế quan không đủ bù đắp chi phí, các nhà lập pháp có thể phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng nợ công.