Trật tự thương mại toàn cầu nguy cơ đổ vỡ, bóng ma suy thoái trở lại

Vòng tăng thuế mới nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố được dự đoán sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế thế giới sau giai đoạn lạm phát quá cao, trong bối cảnh mức nợ công gia tăng và căng thẳng địa - chính trị phức tạp.

Tổng thống Donald Trump giơ sắc lệnh mà ông đã ký khi thông báo chính sách thuế mới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ngày 2/4. (Ảnh: AP)

Tổng thống Donald Trump giơ sắc lệnh mà ông đã ký khi thông báo chính sách thuế mới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ngày 2/4. (Ảnh: AP)

Cách ông Trump triển khai chính sách này có thể tạo nên bước ngoặt trong hệ thống toàn cầu hóa vốn được coi là nơi thể hiện sức mạnh và độ tin cậy của Mỹ.

"Chính sách thuế quan của ông Trump có nguy cơ phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ đã đi tiên phong kể từ Thế chiến thứ hai", Takahide Kiuchi, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura đánh giá.

Trong những tháng tới, tác động rõ ràng nhất của chính sách này là giá cả sẽ tăng, từ đó nhu cầu sẽ giảm, khi giá của hàng nghìn mặt hàng được người tiêu dùng và doanh nghiệp trên khắp thế giới mua sẽ có mức giá mới.

"Tôi coi đó là sự dịch chuyển của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu theo hướng hoạt động kém hơn, bất ổn hơn và có thể hướng tới điều mà chúng ta có thể gọi là suy thoái toàn cầu", Antonio Fatas, nhà kinh tế vĩ mô tại trường kinh doanh INSEAD ở Pháp, nhận định.

"Chúng ta đang tiến vào một thế giới tệ hơn đối với tất cả mọi người vì nó kém hiệu quả hơn", Fatas, người từng là cố vấn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đánh giá.

Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Trump cho biết ông sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và tấm bảng mà ông giơ lên cho thấy một số đối tác thương mại lớn bị áp mức cao hơn, cụ thể là 34% với Trung Quốc và 20% với Liên minh châu Âu...

Mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô đã được xác nhận trước đó. Ông Trump cho rằng điều chỉnh này sẽ trả lại năng lực sản xuất quan trọng chiến lược cho Mỹ.

Theo chính sách toàn cầu mới mà ông Trump áp dụng, mức thuế quan của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng lên 22%, từ mức 2,5% năm 2024, ông Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại tổ chức xếp hạng Fitch Ratings cho biết.

"Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có khả năng sẽ rơi vào suy thoái", Sonola cho biết.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một sự kiện trong tuần này rằng IMF dự kiến sẽ sớm điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2025. Tác động đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ rất khác nhau, do phạm vi thuế quan dao động từ 10% - 49%.

Nếu chiến tranh thương mại mở rộng, điều đó sẽ có tác động lớn hơn nữa lên các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nếu chính sách tăng thuế đẩy Mỹ vào suy thoái, điều đó sẽ gây áp lực nặng nề lên các nước đang phát triển.

“Những gì xảy ra ở Mỹ không chỉ giới hạn ở Mỹ. Phần còn lại của thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng", ông Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California nhận định.

Thế giới đảo ngược

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã phát biểu tại một sự kiện ở Ireland ngày 2/4, rằng châu Âu cần phải hành động ngay bây giờ và đẩy nhanh nỗ lực cải cách kinh tế để cạnh tranh trong cái mà bà gọi là "thế giới đảo ngược".

"Mọi người đều được hưởng lợi từ một bá chủ Mỹ với cam kết theo đuổi một trật tự đa phương dựa trên luật lệ. Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với việc đóng cửa, phân mảnh và bất ổn", bà nói.

Các đối tác thương mại chính của Mỹ đưa ra phản ứng thận trọng sau thông báo của Tổng thống Trump, cho thấy các nước đều muốn tránh chiến tranh thương mại toàn diện.

Chính phủ Anh cho biết Mỹ vẫn là "đồng minh thân cận nhất" của London. Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds cho biết, Anh hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại để "giảm thiểu tác động" từ việc ông Trump tăng 10% thuế lên hàng hóa của nước này.

"Không ai muốn chiến tranh thương mại và chúng tôi vẫn muốn đạt được một thỏa thuận. Nhưng không có gì là không thể và chính phủ sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh", Bộ trưởng Reynolds phát biểu.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho rằng việc áp mức thuế 20% với EU là "sai" và không có lợi cho cả hai bên. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hướng tới một thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh một cuộc chiến thương mại sẽ làm suy yếu phương Tây theo hướng có lợi cho các bên khác", bà Meloni viết trong bài đăng trên Facebook.

Chính phủ Brazil cho biết họ đang cân nhắc đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quốc hội Brazil vừa nhất trí thông qua dự luật có đi có lại, cho phép chính phủ thực hiện biện pháp trả đũa bất kỳ quốc gia hoặc khối thương mại nào áp thuế với hàng hóa của Brazil.

Một số quốc gia phản đối cách tính toán của Nhà Trắng. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết thuế quan của Mỹ áp với nước này là hoàn toàn không có cơ sở, nhưng Úc sẽ không trả đũa.

"Tổng thống Trump đã nhắc đến thuế quan có đi có lại. Thuế quan có đi có lại phải là 0, không phải 10%. Đây không phải là hành động của một người bạn", ông Albanese phát biểu. Mỹ và Úc đã ký một hiệp định thương mại tự do.

New Zealand cũng phản đối cách ông Trump tính thuế. "Chúng tôi không áp dụng mức thuế 20%", Bộ trưởng Thương mại Todd McClay cho biết. Ông khẳng định New Zealand áp mức thuế rất thấp, và thấp hơn nhiều so với mức cơ sở 10% mà ông Trump áp với tất cả các quốc gia.

"Chúng tôi sẽ không tìm cách trả đũa. Điều đó sẽ làm tăng giá với người tiêu dùng New Zealand và sẽ gây ra lạm phát", ông nói.

Mexico và Canada không bị đưa vào đợt tăng thuế lần này. Tuy nhiên, mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu đã được công bố trước đó dự kiến có hiệu lực từ nửa đêm 3/4.

Canada đã áp thuế trả đũa để đáp trả việc Mỹ tăng thuế lên 25%. Liên minh châu Âu đã áp thuế với 26 tỷ euro (28 tỷ đô la) hàng hóa của Mỹ, bao gồm rượu bourbon, khiến ông Trump dọa áp thuế 200% với rượu của châu Âu.

Thị trường tài chính bị chấn động vì thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ. Giá cổ phiếu tương lai của Mỹ giảm tới 3% trong sáng nay và thị trường Tokyo dẫn đầu mức lỗ ở châu Á. Giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng và bitcoin giảm 4,4%.

Thu Loan

Theo Reuters, AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trat-tu-thuong-mai-toan-cau-nguy-co-do-vo-bong-ma-suy-thoai-tro-lai-post1730560.tpo