Giới chuyên gia tranh cãi về kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3 của Mỹ
Các nhà khoa học Mỹ tranh cãi về kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường của Mỹ, vốn dựa trên lo ngại về sự suy giảm khả năng bảo vệ sau tiêm.
Liên quan kế hoạch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Mỹ dựa trên lo ngại rằng việc vaccine giảm khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng có triệu chứng nhẹ đồng nghĩa rằng mọi người sẽ ít được bảo vệ chống lại nhiễm trùng nặng, hãng Reuters dẫn lời các nhà khoa học ngày 19-8 nhận định đây là một tiền đề chưa được chứng minh.
Đánh giá trên được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ hôm 18-4 cho biết nước này sẽ tiêm rộng rãi mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba bắt đầu từ ngày 20-9.
Các quan chức này trích dẫn dữ liệu cho thấy hơn sáu tháng sau khi tiêm chủng, khả năng bảo vệ từ vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna chống lại việc nhiễm trùng có triệu chứng nhẹ và trung bình bắt đầu giảm dần theo thời gian.
Reuters dẫn lời Ông Vivek Murthy - quan chức y tế hàng đầu của Mỹ - cho biết: "Dữ liệu gần đây cho thấy rõ ràng rằng khả năng bảo vệ chống lại nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ và trung bình đã giảm theo thời gian. Điều này có thể do khả năng miễn dịch suy yếu và việc biến thể Delta đang lan rộng".
"Chúng tôi lo ngại rằng mô hình suy giảm mà chúng tôi đang thấy sẽ tiếp diễn trong những tháng tới, có thể dẫn đến việc giảm khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng nặng, nhập viện và tử vong" – ông Murthy cho hay.
Dữ liệu về “nhiễm trùng đột phá" ở những người được tiêm chủng cho thấy người dân Mỹ lớn tuổi đến nay là đối tượng dễ bị bệnh nặng nhất.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến ngày 9-8, gần 74% trong số 8.054 người đã được tiêm chủng phải nhập viện vì COVID-19 có độ tuổi trên 65 tuổi, trong số đó, gần 20% bệnh nhân đã tử vong.
Dựa trên các dữ liệu hiện có về khả năng bảo vệ bằng vaccine, vẫn chưa rõ rằng liệu những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn sẽ đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh nặng hay không.
"Chúng tôi không biết liệu điều đó có phát sinh vấn đề liên quan vai trò quan trọng nhất của vaccine, đó là bảo vệ chống lại việc nhập viện, tử vong và bệnh hiểm nghèo, hay không. Về điều này, ban hội thẩm vẫn chưa có ý kiến" - Tiến sĩ Jesse Goodman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Georgetown, cho biết.
Theo Reuters, một số chuyên gia khác cho rằng kế hoạch của Mỹ cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và một nhóm cố vấn bên ngoài cho CDC.
CDC hôm 19-8 cho biết cuộc họp dự kiến vào ngày 24-8 của nhóm cố vấn trên để thảo luận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đang được lên lịch lại.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác nghi vấn về việc tập trung vào các mũi tiêm tăng cường, khi khoảng 30% người Mỹ đủ điều kiện đến nay vẫn chưa tiêm liều vaccine đầu tiên, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới và số ca tử vong tại nước này đang gia tăng.
Tiến sĩ Dan McQuillen - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở bang Massachusetts - cho biết: “Tôi nghĩ ở thời điểm này, điều quan trọng hơn các mũi tiêm tăng cường là cần đảm bảo rằng bất kỳ ai chưa tiêm liều vaccine nào đều được tiêm nhanh nhất có thể".
Theo Reuters, tất cả các chuyên gia mà hãng tin đã phỏng vấn đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng cho rất nhiều người trên thế giới vốn chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tiến sĩ Isaac Weisfuse - nhà dịch tễ học tại ĐH Y tế cộng đồng Cornell - cho biết: “Bạn có thể rơi vào tình huống lẩn quẩn, khi ngày càng có nhiều vaccine mũi tăng cường ở Mỹ và Tây Âu, trong khi các biến thể nguy hiểm hơn đến từ những nơi khác”.
"Trên thực tế, bạn nên tiêm chủng cho người dân chưa được tiêm chủng trên thế giới để tránh xuất hiện các biến thể mới" – ông Weisfuse nói thêm.
Một số quốc gia đã quyết định tiêm vaccine liều bổ sung cho người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
Các quan chức Liên minh châu Âu hôm 18-8 cho biết họ chưa thấy cần thiết phải tiêm liều tăng cường cho người dân nói chung.