Giới đầu tư túc tắc gom hàng

Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Ba (7/11), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm đã hỗ trợ các cổ phiếu megacap.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm trước các cuộc đấu giá trái phiếu lớn của Bộ tài chính Mỹ trị giá 112 tỷ USD trong tuần này, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm hôm nay đã xuống mức 4,57%.

Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu vẫn là lãi suất, khi các nhà đầu tư nhận định Fed đã kết thúc chu kỳ thắt chặt, nhưng lo về việc ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại lâu hơn đã kìm hãm thị trường sau những bình luận diều hâu từ một số quan chức Fed.

Theo đó, chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari đã dập tắt hy vọng cắt giảm lãi suất sớm, nói rằng ngân hàng trung ương có thể phải làm nhiều hơn để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Trong khi Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee thừa nhận xu hướng giảm của lạm phát, nhưng vẫn cảnh báo áp lực giá cả tăng cao vẫn chưa kết thúc.

Những cái tên tăng trưởng Megacap như Microsoft, Apple và Amazon.com tăng từ 1,1% đến 2,2%, giúp Nasdaq nặng về công nghệ vượt trội so với hai chỉ số chính còn lại.

"Môi trường lãi suất cao hơn đặt mối lo ngại lên các cổ phiếu Megacap này, nhưng bây giờ, nhiều nhà đầu tư có suy nghĩ rằng, đây có thể là nơi phòng thủ trên thị trường, bởi những công ty này có bảng cân đối kế toán khá tốt", Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments, ở New Vernon, New Jersey cho biết.

Kết thúc phiên 7/11: Chỉ số Dow Jones tăng 56,74 điểm (+0,17%), lên 34.152,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,40 điểm (+0,28%), lên 4.378,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 121,08 điểm (+0,90%), lên 13.639,86 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ phiên thứ hai liên tiếp, khi giới đầu tư thận trọng trước những bài phát biểu của một số lãnh đạo Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell vào thứ Tư và thứ Năm.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,16% xuống 442,81 điểm.

"Không còn sự hào hứng về việc lãi suất đã đạt đỉnh mà hy vọng của thị trường bây giờ là là thấy lạm phát giảm xuống và thấy các ngân hàng trung ương nói nhiều hơn một chút về việc cắt giảm lãi suất hoặc ít nhất là đề cập đến nó", Michael Field, chiến lược gia thị trường châu Âu tại Morningstar cho biết.

Phiên này, cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà giảm, mất 2,5% do giá dầu thô giảm mạnh, bởi dữ liệu kinh tế có phần yếu kém từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khai thác mỏ cũng giảm tới 2,3%.

Bù đắp là nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính khi tăng 0,9% nhờ UBS tăng 1,8%, sau khi công bố lợi nhuận ròng tốt hơn dự kiến trong quý III và báo hiệu rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi đang ổn định.

Kết thúc phiên 7/11: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 7,72 điểm (-0,10%), xuống 7.410,04 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 16,67 điểm (+0,11%), lên 15.152,64 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 27,50 điểm (-0,39%), xuống 6.986,23 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi giới đầu tư chốt lời sau bốn phiên tăng mạnh gần đây.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,34% xuống 32.271,82 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,17% ở mức 2.332,91.

Phiên này, cổ phiếu Fast Retailing giảm 0,92% để kéo lùi Nikkei 225 mạnh nhất. Theo sau là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron mất 1,37%.

Cổ phiếu Ajinomoto giảm 10,21% để trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225, ngay cả khi nhà sản xuất thực phẩm nâng dự báo lợi nhuận ròng hàng năm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi dữ liệu thương mại mới nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế không đồng đều.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,03% xuống 3.057,27 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,35% xuống 3.619,76 điểm.

Nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng 10 trong khi xuất khẩu giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến, trong một loạt các dữ liệu gần đây cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn không đồng đều.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết tăng trưởng xuất khẩu vẫn chậm chạp khi đà tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và châu Âu chậm lại.

"Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng", ông Zhang nói thêm.

IMF hôm thứ Ba đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc từ 5% lên 5,4%, với lý do phục hồi "mạnh mẽ" hậu COVID-19.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,65% xuống 17.670,16 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,54% xuống 6.087,10 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ giảm 1%, trong khi các nhà phát triển bất động sản Đại lục giảm 3,1% sau khi tăng 3,4% trong phiên trước đó.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu với mức tăng hơn 4%, trong đó, các cổ phiếu lớn như Tencent tăng 3,3%, Tập đoàn Alibaba tăng 2,4% và JD.com tăng 3,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm sâu, sau khi tăng mạnh hơn 5,5% trong phiên trước đó, khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá tác động của lệnh cấm bán khống đột ngột được thông báo cách đây ít ngày.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 58,41 điểm, tương đương 2,33% xuống 2.443,96 điểm.

Tâm trạng thận trọng xung quanh sự biến động gia tăng theo lệnh cấm bán khống được áp dụng lại cho đến nửa đầu năm 2024, các nhà phân tích cho biết.

"Đã có lực bán mạnh tập trung vào các lĩnh vực tăng quá mạnh so với các yếu tố cơ bản", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết ông đồng ý với quyết định của các cơ quan tài chính về việc cấm bán khống trên thị trường, sau một loạt các giao dịch bất hợp pháp của các ngân hàng nước ngoài và trước cuộc tổng tuyển cử của vào tháng Tư.

Cổ phiếu các công ty pin phiên này giảm mạnh nhất với Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 10,23%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation mất lần lượt 7,91% và 7,07%.

Kết thúc phiên 7/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 433,66 điểm (-1,34%), xuống 32.271,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,14 điểm (-0,03%), xuống 3.057,27 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 296,73 điểm (-1,65%), xuống 17.670,16 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 58,41 điểm (-2,33%), xuống 2.443,96 điểm.

Giá dầu thô lao dốc mạnh do chịu tác động bởi dữ liệu kinh tế hỗn hợp của Trung Quốc, xuất khẩu tăng của OPEC làm giảm bớt lo ngại về thị trường thắt chặt, và sự mạnh lên của đồng USD.

Kết thúc phiên 7/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 3,45 USD/thùng (-4,3%), xuống 77,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,57 USD/thùng (-4,20%), xuống 81,61 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-tuc-tac-gom-hang-post333450.html