Giới hạn của đề thi

Đề thi Tiếng Anh vào lớp 10 năm 2024 ở Tiền Giang có nội dung nằm ngoài nội dung ôn tập đã được giới hạn trước đó. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh này đã quyết định sẽ cho thí sinh được hưởng trọn số điểm của 8 câu điền khuyết (2,0 điểm) nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em.

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 THPT tại Hà Nội Ảnh: Quang Vinh

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 THPT tại Hà Nội Ảnh: Quang Vinh

Đề thi lệch… giới hạn

Ngày 14/6, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết, qua rà soát nội dung đề thi Tiếng Anh, Hội đồng ra đề và sao in đề thi Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 xác nhận 8 câu điền khuyết của phần riêng (phần tự chọn) dành cho Chương trình hệ 10 năm không thuộc 6 chủ đề của phần riêng so với cấu trúc đề thi đã công bố trước đó. Tuy nhiên, nội dung này không nằm ngoài chương trình mà thuộc phần chung (phần bắt buộc) so với cấu trúc đề thi.

Phương án xử lý kết quả chấm thi môn Tiếng Anh phổ thông cho tất cả các thí sinh hệ 7 năm và 10 năm đó là đều được hưởng trọn số điểm của 8 câu điền khuyết (2,0 điểm) của phần riêng. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ cho tất cả thí sinh chọn phương án đúng trong phần này, chỉ chấm các phần còn lại (8 điểm).

Đề thi Tiếng Anh bị thí sinh, phụ huynh và cả giáo viên phản ứng vì có nội dung nằm ngoài nội dung ôn tập đã được giới hạn trước đó dù vẫn thuộc chương trình sách giáo khoa lớp 9. Cụ thể, phần đọc hiểu của đề thi đã sử dụng bài viết về Chùa Hương trong sách giáo khoa tiếng Anh lớp 9, trang 56. Thí sinh sẽ chọn 1 đáp án đúng trong dữ liệu 4 đáp án cho sẵn để điền vào chỗ trống. Phần này có 8 chỗ trống, tương ứng 0,25 điểm.

Phương án xử lý đã được quyết định mà theo Sở GDĐT là nhằm đảm bảo tính công bằng và quyền lợi cho tất cả các thí sinh dự thi và sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chung trong công tác tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.

Dẫu vậy, trong 1 kỳ thi mang tính quyết định để tuyển sinh vào lớp 10, việc một số thí sinh “nghiễm nhiên” được 2 điểm trọn vẹn nếu chọn đề thi hệ 10 năm trong khi những thí sinh chọn bài thi hệ 7 năm dù đề thi nằm trong nội dung ôn tập nhưng không ai chắc chắn sẽ không xảy ra sai sót trong quá trình làm bài. Từ đây, cũng đặt ra câu hỏi về việc ra đề thi, đề kiểm tra đánh giá trong giới hạn ôn tập làm sao để vẫn phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh, không phải là học tủ, học vẹt để lấy điểm cao mà không thực sự nắm vững kiến thức.

Học để hiểu bản chất

Lâu nay, trước mỗi kỳ kiểm tra ở lớp, ở trường, học sinh lại chờ giáo viên khoanh vùng, giới hạn nội dung ôn tập để học cho sát, cho trúng. Với những kỳ thi mang tính chất tuyển sinh, cả giáo viên và học sinh lại chờ Sở GDĐT, Bộ GDĐT công bố cấu trúc đề thi để ôn tập. Tuy nhiên, Bộ GDĐT yêu cầu từ năm học 2022 - 2023, đối với các lớp thực hiện chương trình 2018 ở cấp THCS, THPT, giáo viên khi kiểm tra môn Ngữ văn phải lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Sau 2 năm học triển khai nội dung này, những khó khăn đã bộc lộ như tìm kiếm ngữ liệu phù hợp không dễ, học sinh gặp khó trong việc ôn tập, làm bài…

Dẫu vậy, theo đánh giá của nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục, để đổi mới dạy và học môn Ngữ văn theo hướng triệt tiêu văn mẫu đạt hiệu quả thì việc không chọn tác phẩm trong chương trình học để kiểm tra là đúng đắn. TS Lê Thống Nhất khẳng định, nếu đề thi chỉ gói gọn trong vài tác phẩm thì sẽ có văn mẫu, dễ có tiêu cực xuất hiện…

Với những tác phẩm văn học quen thuộc không thay đổi trong hàng chục năm qua nằm trong chương trình học, trước, trong và sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi vào lớp 10… ở nơi này, nơi kia lại dấy lên thông tin lọt, lộ đề thi. Tình trạng thí sinh đoán đề rồi học tủ, học vẹt để sau đó, người khóc, người cười vì lệch tủ, trúng tủ sau mỗi kỳ thi năm nào cũng có. Hay đề thi dự đoán sẽ rơi vào tác phẩm lớp 12 nhưng có phần kiến thức lớp 10, 11 nhiều là lại dậy sóng dư luận. Hiện nay, với chương trình GDPT 2018, tình trạng này được hy vọng sẽ có những thay đổi.

Không chỉ riêng môn Ngữ văn mà mong muốn học để hiểu, học để phát triển năng lực đang đặt ra với tất cả các môn học trong chương trình GDPT 2018. Những nội dung đã được dạy và học trong chương trình ở trên lớp học cần phải nhuần nhuyễn, đồng thời những nội dung tương tự, những kiến thức đó khi được đưa vào bài toán thực tế cuộc sống đòi hỏi học sinh phải giải quyết được.

Tất nhiên, để thay đổi được điều này không phải là chuyện có thể làm ngay trong một vài ngày mà từ quá trình dạy học, giáo viên cần dạy học sinh hiểu bản chất, tránh dạy học tủ theo các dạng bài kiểu định dạng, ra các bước giải tường minh để học sinh học thuộc, thường xuyên lồng ghép trong các bài toán, câu chuyện thực tế để học sinh vận dụng. Phụ huynh, gia đình cũng cần hướng học sinh đến việc học để hiểu, áp dụng thực tế thay vì học vì điểm số, thành tích.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gioi-han-cua-de-thi-10283383.html