Giới hạn nông dân giữ giống cây trồng: Cần 'cân bằng lợi ích' giữa người chọn tạo giống và người sử dụng giống

Một trong những chính sách đối với Sở hữu trí tuệ nói chung và quy định về bảo hộ giống cây trồng nói riêng là nhằm 'cân bằng lợi ích' giữa chủ thể sáng tạo, người tạo ra giống cây trồng mới và người sử dụng sản phẩm sáng tạo, bao gồm chủ yếu là nông dân và người tiêu dùng.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở nước ta rộng khắp trên các vùng miền. Tuy nhiên, chỉ có đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là có các khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hình thức tự cung, tự cấp, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nông dân giữ giống cây trồng để canh tác cho mùa kế tiếp nhằm giảm chi phí đầu vào. Nếu quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ. Do vậy, cần có đánh giá kỹ lưỡng để sửa quy định này.

Ông PHẠM VĂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Việc nông dân giữ giống cây trồng để canh tác cho mùa kế tiếp là đúng, nhằm giảm chi phí đầu vào, sản xuất hình thức tự cung, tự cấp; đồng thời hiện tại khó mà lay chuyển nhận thức cho đồng bào nơi đây. Cho nên việc quy định như luật hiện hành là phù hợp với đặc điểm, đặc tính của vùng miền”.

Ông DƯƠNG TẤN QUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:Nếu quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nông dân, đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do tình trạng thiếu đất canh tác, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thu nhập còn thấp, đời sống còn rất nhiều khó khăn… ”.

Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Hà Nội, đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cần xem xét bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản vào Luật, vì hiện nay dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến "giống cây trồng". Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn các quy định và biện pháp bảo hộ các nguồn gen, quy trình sản xuất, nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân Việt Nam.

Bà NGUYỄN THỊ LAN - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Tôi đề nghị làm rõ và chi tiết hơn các quy định và biện pháp bảo hộ nguồn gen, quy trình sản xuất nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân Việt Nam, đồng thời làm rõ cách phân chia lợi nhuận cho cộng đồng bản địa đó".

“Giới hạn nông dân giữ giống” là quy định bắt buộc đối với quốc gia thành viên của Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới UPOV. Trong đó, không ai được phép sản xuất, nhân giống, buôn bán hoặc trao đổi hạt giống của một giống cây đang được bảo hộ mà không có sự cho phép của người đã chọn tạo ra giống cây đó. Điều này khuyến khích hoạt động chọn tạo giống cây trồng mới, đồng thời tạo điều kiện cho tác giả gặt hái lợi nhuận từ “phát minh” của mình. Tuy nhiên, việc “cân bằng lợi ích” giữa người chọn tạo giống và người sử dụng giống cần được quy định, đảm bảo tính khả thi và không làm cản trở việc lưu truyền các giống cây bản địa và giống gia truyền./.

Thực hiện : Thanh Nga Quang Sỹ Anh Đức Hồng Dũng Vũ Hiếu Tuấn Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/gioi-han-nong-dan-giu-giong-cay-trong-can-can-bang-loi-ich-giua-nguoi-chon-tao-giong-va-nguoi-su-dung-giong