Giới khoa học cảnh báo thế giới bước vào giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19
Giới khoa học cảnh báo thế giới bước vào giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19, khi làn sóng dịch thứ ba đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sumapaz, Colombia, ngày 29/7/2021. Ảnh: AFP
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 202.924.352 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.298.289 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 561.780 và có thêm 8.548 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 182.276.653 người, 16.349.410 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 96.032 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ dẫn đầu thế giới với 66.961 ca COVID-19 mới; tiếp theo là Brazil có 43.033 ca và Ấn Độ 39.070 ca. Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.588 người thiệt mạng, tiếp theo là Brazil 945 ca và Nga 793 ca.
Giới khoa học cảnh báo thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19, khi làn sóng dịch thứ ba đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine.
Các nhà virus học cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học và công nghệ Áo cho thấy ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vaccine có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó.
Tại châu Á, ngày 7/8, Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc (NHC) đã tăng cường các biện pháp phòng dịch tại thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Theo quy định mới, những người đang ở các khu vực nguy cơ cao sẽ tạm thời không được về thủ đô hoặc phải có xét nghiệm âm tính với virus. Các biện pháp phòng dịch trên các tuyến đường sắt, đường cao tốc và sân bay cũng được tăng cường.
Trong khi đó, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Lambda. Bệnh nhân Nhật Bản là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20/7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda.
Các xét nghiệm của nữ hành khách này ngay tại sân bay đã cho kết quả dương tính với virus. Kết quả phân tích của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản sau đó đã xác nhận nữ bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda. Biến thể này được phát hiện đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020 và đang lan rộng ở Nam Mỹ. So với chủng thông thường, biến thể này có thể lây nhiễm mạnh hơn và có khả năng cao kháng vaccine phòng bệnh.
"Những biến thể đáng quan ngại" theo phân loại của WHO, được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để chúng lây lan rộng hơn. Danh sách "những biến thể cần quan tâm" tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vaccine cao hơn, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.