Giới khoa học Trung Quốc chế tạo chỉ huy quân sự AI đầu tiên trên thế giới

Ở Trung Quốc, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) bị cấm chỉ huy các lực lượng vũ trang, các nhà khoa học đã tạo ra một chỉ huy AI.

Lần đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc đã tạo ra một chỉ huy quân sự AI dẫn dắt mô phỏng chiến tranh ảo (Ảnh: SCMP)

Lần đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc đã tạo ra một chỉ huy quân sự AI dẫn dắt mô phỏng chiến tranh ảo (Ảnh: SCMP)

“Chỉ huy ảo” này, được giới hạn nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm tại Trường Cao đẳng Tác chiến Liên hợp thuộc Đại học Quốc phòng ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, bắt chước chỉ huy con người về mọi mặt, từ kinh nghiệm, lối suy nghĩ cho đến tính cách – và thậm chí cả những khuyết điểm của họ.

Trong các bài tập giả định chiến tranh trên máy tính quy mô lớn có sự tham gia của tất cả các nhánh của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), chỉ huy AI đã được trao quyền chỉ huy tối cao, học hỏi và phát triển nhanh chóng sau khi tham gia các cuộc chiến ảo.

Dự án nghiên cứu đột phá này đã được tiết lộ vào tháng 5 trong một bài báo được đăng trên tạp chí Common Control & Simulator. Nhóm nghiên cứu do kỹ sư cao cấp Jia Chenxing dẫn đầu cho biết công nghệ AI có cả tiềm năng lẫn rủi ro trong các ứng dụng quân sự, tuy nhiên dự án này đã đưa ra một giải pháp “khả thi” cho câu hỏi hóc búa ngày càng tăng.

Trung Quốc, quân đội phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này: “Đảng chỉ huy quân lực”. Chỉ có Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có quyền huy động PLA.

Khi công nghệ AI đạt được khả năng đưa ra quyết định độc lập, các đơn vị được triển khai trên tiền tuyến bao gồm máy bay không người lái và chó robot được cấp nhiều quyền tự do di chuyển và khả năng khai hỏa hơn. Nhưng quyền chỉ huy ở sở chỉ huy vẫn nằm trong tay con người.

PLA đã chuẩn bị nhiều kế hoạch tác chiến cho các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra ở nhiều khu vực. Nhiệm vụ thiết yếu của các nhà khoa học là mô phỏng thử nghiệm các kế hoạch này, để “cân nhắc cái tốt và cái xấu và hiểu rõ hơn về sự hỗn loạn của trận chiến”, Jia và các đồng nghiệp của ông viết.

Mô phỏng quân sự cấp chiến dịch thường yêu cầu sự tham gia của người chỉ huy để đưa ra quyết định tại chỗ nhằm ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Nhưng số lượng chỉ huy cấp cao của PLA và khả năng sẵn sàng của họ rất hạn chế, khiến họ không thể tham gia vào một số lượng lớn các cuộc mô phỏng chiến tranh.

“Hệ thống mô phỏng tác chiến hiện tại có kết quả thử nghiệm mô phỏng kém do thiếu các thực thể chỉ huy ở cấp độ chiến đấu chung”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Chỉ huy AI có thể thay thế chỉ huy con người khi họ không thể tham gia vào một trận chiến ảo quy mô lớn hoặc thực thi quyền chỉ huy. Trong phạm vi phòng thí nghiệm, nó có thể tự do thực hiện sức mạnh này mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ con người.

“Chỉ huy cấp cao nhất là thực thể ra quyết định cốt lõi duy nhất cho hoạt động chung, với trách nhiệm và quyền hạn ra quyết định cuối cùng”, Jia và các đồng nghiệp của ông viết. Đây là vai trò cấp cao nhất được giao cho AI trong nghiên cứu quân sự.

Mặc dù được mô phỏng theo các chỉ huy quân sự con người, nhưng thiết lập hoàn toàn có thể được thay đổi.

“Tính cách của chỉ huy ảo có thể được tinh chỉnh nếu thấy cần thiết”, các nhà khoa học cho hay.

Nhóm của Jia cho biết, dưới áp lực to lớn, con người “rất khó có thể đưa ra một khuôn khổ ra quyết định hoàn toàn hợp lý theo các mốc thời gian nghiêm ngặt”.

Còn đối với chỉ huy AI, thay vì sử dụng phân tích thuần túy, nó dựa nhiều hơn vào kiến thức thực nghiệm để đưa ra quyết định chiến đấu, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng, truy xuất các tình huống tương tự từ bộ nhớ và nhanh chóng xây dựng một kế hoạch khả thi.

Chỉ huy AI cho phép PLA thực hiện một số lượng lớn các mô phỏng chiến tranh mà không cần đến con người tham gia. Nó xác định các mối đe dọa mới, lập kế hoạch và đưa ra quyết định tối ưu dựa trên tình hình chung khi các trận chiến bị sa lầy hoặc kết quả không như mong đợi. Nó cũng học hỏi và thích nghi từ những chiến thắng và thất bại.

Nhóm của Jia cho biết tất cả những điều này xảy ra mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người, và điều này “có những ưu điểm như dễ thực hiện, hiệu quả cao và hỗ trợ thử nghiệm lặp lại”.

Theo SCMP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gioi-khoa-hoc-trung-quoc-che-tao-chi-huy-quan-su-ai-dau-tien-tren-the-gioi-post175779.html