Giới làm phim 'kêu khổ' vì kiểm duyệt, Cục Điện ảnh phản hồi
Xung quanh dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Một số nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đạo diễn làm phim tư nhân, phim độc lập trong nước như: Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Huy, Trần Thanh Huy… vừa thực hiện cuộc tọa đàm “online” với chủ đề “Ai góp ý giơ tay lên!” xung quanh dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận.
Đây được xem là cuộc đối thoại thẳng thắn về nhiều vấn đề mà giới làm phim kể trên cho là “bất cập, cản trở hoạt động sáng tạo tác phẩm, phát triển điện ảnh Việt trong những năm qua”, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, đề xuất cho dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi đang được ban soạn thảo thảo luận và chỉnh sửa. Liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh.
- PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng một trong những vướng mắc khiến nhà làm phim gặp khó khăn hiện nay chủ yếu nằm ở điều số 10 của dự thảo Luật Điện ảnh quy định những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm. Những quy định này bị cho là “ngăn cấm mơ hồ của chiếc lưới kiểm duyệt đẩy các nhà làm phim vào thế đúng cũng không biết mình đúng cái gì và ngược lại”. Ông có thể nói gì về ý kiến này?
- Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành: Tôi rất hiểu những vấn đề mà các nhà làm phim quan tâm, thắc mắc. Về điều cấm trong dự thảo Luật điện ảnh mà họ đề cập đến, trước tiên xin khẳng định đó là những quy định cấm đó cũng dựa trên cơ sở Luật Điện ảnh năm 2006 và sau đó là sửa đổi bổ sung luật này vào năm 2009.
Sau khi luật có hiệu lực từ năm 2007 đến nay tính ra cũng được 14 năm rồi. Trong suốt 14 năm qua có không biết bao nhiêu bộ phim Việt Nam được sản xuất, cấp phép ra rạp và tất nhiên các nhà làm phim vẫn đang làm việc đó dựa trên cơ sở luật này. Nói vậy để thấy những điều cấm mà các nhà làm phim nhắc đến không phải vấn đề mới, càng không phải đến dự thảo Luật Điện ảnh lần này mới đặt ra mà có từ năm 2006 rồi, nên không có chuyện dự thảo gây khó khăn gì chi việc sản xuất và phát hành phim cả. Dự thảo luật lần này chỉ đang theo hướng cụ thể hơn chứ không thêm nội dung cấm gì mới. Phải hiểu rõ bản chất sự việc là vậy.
Còn nếu như đề nghị không có điều cấm trong Luật Điện ảnh thì tôi cho ý kiến đó không hợp lý, không đúng. Luật là phải có quy định cấm mới tạo ra hành lang pháp lý để mọi người hiểu rõ cái gì không được làm, giới hạn của việc sáng tạo nghệ thuật đến đâu, Nếu bảo đưa những điều cấm này vào tiêu chí, thông tư, văn bản dưới luật để hướng dẫn thì càng không đúng, vì chỉ có văn bản luật mới được đưa ra quy định cấm, văn bản dưới luật không thể làm điều đó.
- PV: Vậy còn về vấn đề hội đồng duyệt phim, chính một thành viên trong hội đồng hiện hành đã bày tỏ băn khoăn về việc nhiều phim không vi phạm luật định nhưng “mọi sự đong đếm đều là cảm tính nên phim bị cấm chiếu một cách đáng tiếc”. Phải chăng ngay trong chính hội đồng duyệt phim cũng có sự không thống nhất về tư duy lẫn quan điểm khi đánh giá một tác phẩm?
- Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành: Từ trước đến nay, hội đồng duyệt phim vẫn làm việc theo luật định, nghị định và các thông tư hướng dẫn luật, có quy chế làm việc riêng và bất kỳ quyết định nào được đưa ra đều dựa trên nguyên tắc đa số. Việc nhìn nhận, đánh giá và thẩm định tác phẩm thế nào cũng phải theo đa số. Có thể có một hai ý kiến trái chiều, việc không thống nhất 100% cũng là chuyện bình thường, nhưng quan trọng phải thực hiện theo nguyên tắc đó.
Có một vài ý kiến anh em đặt ra về hội đồng ở buổi tọa đàm trên, nhưng tôi cho rằng đó là những ý kiến đối với Hội đồng nhiệm kỳ trước. Hiện tại, Hội đồng duyệt phim đang hoạt động đã thay đổi rất nhiều, có đủ tiếng nói của các thành phần làm phim từ nhà sản xuất phim, nhà làm phim độc lập… vấn đề quan niệm, nhận thức, tư duy, đánh giá phim đã theo hướng cởi mở hơn rồi, gọi là đồng hành với các nhà sản xuất để làm sao thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
PV: Một ví dụ được các nhà sản xuất xót xa đưa ra là phim “Vị” bị cấm phổ biến trong nước vì có trường đoạn “nude” bị cho là quá dài, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Điều này khiến êkip sản xuất phía Việt Nam quyết định chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, quyền sở hữu đối với bộ phim này, dẫn tới việc phim hiện giờ đang mang “quốc tịch” Singapore. Nhắc lại ví dụ này, ông có cho rằng Cục đã có một quyết định “khắt khe” không?
- Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành: Đối với phim “Vị”, tôi xin khẳng định Cục đã làm đúng các quy trình, quy định, trong đó có việc đa số các thành viên trong hội đồng duyệt phim đều thống nhất không thể cấp phép phổ biến bộ phim này được. Tuy nhiên chúng tôi không chỉ dựa vào sự thống nhất đó của hội đồng duyệt phim mà ra quyết định ngay. Minh chứng là sau đó Cục đã mời thêm một hội đồng tư vấn nữa xem và lắng nghe ý kiến việc này, từ đại diện Vụ văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Phụ nữ Việt Nam, một số cơ quan truyền thông. Hội đồng tư vấn sau khi xem cũng đều thống nhất không nên phổ biến phim. Trên cơ sở cân nhắc rất kỹ mọi ý kiến, Cục mới ra quyết định không phổ biến bộ phim này.
Một thực tế nữa cần phải nói, đó là phần lớn mọi người chưa được xem phim đâm ra nói ra rất khó chia sẻ với nhau. Phải ai xem rồi mới thấy sự cần thiết của việc không cho phép phổ biến bộ phim này ở Việt Nam. Còn nếu chưa xem, chỉ nghe người này nói thế này, thế khác thì sẽ là cuộc tranh luận không có hồi kết.
- PV: Từ ví dụ của “Vị”, một số nhà làm phim cho rằng trong luật Điện ảnh nên có thêm mức phân loại độ tuổi thay vì mức “trần” C18 (phim chỉ phù hợp với khán giả trên 18 tuổi). Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành: Thật ra việc đề xuất có thêm mức phân loại phim từ 21 tuổi trở lên đã được ban soạn thảo dự luật cân nhắc rồi. Các dự thảo lần trước cũng đã đề cập đến phương án này, hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Còn cụ thể hơn các vấn đề từ cấm đến quy định về độ tuổi, quan điểm của chúng tôi là cố gắng làm sao cụ thể ở mức tối đa cho dễ thực hiện. Tuy nhiên phải thẳng thắn mà nói với nhau thế này, nghệ thuật cụ thể đến mức nào, cụ thể đến đâu là vấn đề không đơn giản, nếu không muốn nói là một vấn đề thách đố với người xây dựng văn bản luật cũng như hướng dẫn. Thế nên phải thật sự nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu kỹ.
Dường như làm nghệ thuật mà anh em nghệ sĩ lại quên rằng, nghệ thuật không phải toán học mà “2x2=4” có đáp số rõ ràng. Nghệ thuật còn là tình cảm con người, là việc của trái tim. Các đánh giá, thẩm định phải thông qua hội đồng là vì thế. Nói gì thì nói, các thành viên trong hội đồng làm việc theo nguyên tắc của luật nhưng họ cũng là con người nên mới cần thiết phải giữ nguyên tắc đa số, còn để có được sự đồng thuận tuyệt đối 100% là rất hiếm.
Đó chính là cái khác của nghệ thuật với các lĩnh vực khác. Nếu không cần hội đồng gì cả thì không phải là nghệ thuật. Từ xưa đến nay, kết quả đánh giá tác phẩm từ trong nước đến nước ngoài luôn có những ý kiến khác nhau, không bao giờ có gì tuyệt đối trong nghệ thuật cả. Đấy là điều người làm nghệ thuật càng phải hiểu.
PV: Một vấn đề khác cũng được một số nhà sản xuất phim đặt ra là sự cần thiết của việc đơn giản hóa thủ tục thẩm định cấp phép, cụ thể là cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài muốn đến ghi hình, làm phim tại Việt Nam. Điều này được cho là tháo gỡ nút thắt để hấp dẫn các nhà phim ngoại hơn. Với tư cách người đứng đầu ngành điện ảnh, ông nghĩ sao về ý kiến đó?
- Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành: Đó là một ý kiến đáng lưu tâm nhưng tôi phải nói là người đưa ra ý kiến đó nắm và nhìn nhận thông tin chưa đầy đủ. Với những phim hợp tác, liên doanh dịch vụ với nước ngoài sẽ có tình huống xảy ra thế này: có những phim người ta đến đất nước chúng ta để lấy bối cảnh, xây dựng câu chuyện phim tại Việt Nam; nhưng sau họ ghi hình xong, về nước dựng phim và không phát hành tại Việt Nam nữa thì làm thế nào? Như vậy tức là bộ phim đó không phải qua khâu thẩm định và kiểm duyệt tại Việt Nam, mà nếu chúng ta bỏ qua khâu thẩm định kịch bản trước đó thì không thể biết nội dung phim thế nào, nói gì về Việt Nam, phản ánh có sai lệch gì về đất nước chúng ta hay không?
Trên thực tế, Cục Điện ảnh cũng đã ngăn chặn được rất nhiều những tình huống kiểu như trên thông qua việc thẩm định kịch bản phim. Ví dụ có dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết họ nói về một gia đình sống ở đó nhưng Sơn Đoòng lại là của một nước khác chứ không phải của Việt Nam. Rồi có phim nói đến sự kiện lịch sử nhưng sai lệch hết cả, nếu như chúng ta không thẩm định trước kịch bản thì làm sao ngăn chặn được. Cứ để các nhà sản xuất phim nước ngoài vào làm phim xong không thẩm định kịch bản, rồi phim làm xong họ cũng không phát hành tại Việt Nam thì làm sao biết được họ phản ánh thế nào về đất nước chúng ta?
Tôi cho rằng những người đưa ra ý kiến bỏ khâu thẩm định kịch bản như trên mới chỉ nhìn ra điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lời cho việc mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư sản xuất phim. Đứng ở góc độ nguồn lợi kinh tế thúc đẩy nền điện ảnh thì điều đó đúng là cởi mở hơn. Song xét ở góc độ an ninh, vấn đề tư tưởng thì điều đó lại ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Việc thẩm định kịch bản là để chúng ta kiểm soát được nội dung bộ phim, tránh để xảy ra những “lỗ hổng” về vấn đề nội dung tư tưởng.
Tất nhiên, họ nói ở góc độ làm phim và ý kiến nào cũng sẽ được ban soạn thảo Luật Điện ảnh nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên tinh thần, luật cần phải dung hòa, giải quyết được quyền lợi của tất cả các thành phần trong xã hội, chứ không thể “ngả” về một đối tượng nào cả.
PV: Xin cảm ơn ông về những trao đổi!