Giới siêu giàu đang vung tiền như thế nào trong đại dịch?
Mua trực thăng, siêu du thuyền, săn đất đai, xây hồ bơi hiện đại… là những thứ khiến giới siêu giàu mạnh tay vung tiền trong mùa dịch.
Khi nhiều quốc gia đang chìm trong Covid-19 và đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ, khối tài sản của giới siêu giàu lại tăng lên đáng kể.
Tính đến giữa tháng 12/2020, Forbes ước tính giá trị tài sản của nhóm hơn 2.200 tỷ phú trên thế giới đã tăng hơn 1.900 tỷ USD. Nhiều người trong số này đang dành một phần lớn tiền của mình vào thú vui cá nhân, theo NZ Herald.
Mới đây, Jeff Bezos, ông chủ Amazon, đã mua một chiếc du thuyền lớn đến mức cần “thuyền phụ” hỗ trợ. Tổng giá trị ước tính của du thuyền này lên đến 500 triệu USD. Con số này chỉ là một phần nhỏ trong khoản thu nhập hơn 75 tỷ USD mà Bezos kiếm được năm ngoái.
Trong một năm qua, nhà sản xuất siêu du thuyền Cecil Wright & Partners đã bán được 354 chiếc, với chi phí xây dựng lên tới 840 triệu USD. Do những hạn chế về du lịch giữa các quốc gia, nhiều chiếc đã được mua lại.
Giới siêu giàu cũng đang chú ý đến tàu thăm dò biển Arksen và tàu tuần dương sang trọng. Với giá khoảng 17 triệu USD, chúng cho phép chủ sở hữu khám phá những nơi hoang dã nhất hành tinh.
Jasper Smith, chủ tịch của Arksen, nói: “Tầng lớp thượng lưu muốn biết họ có thể đi bao xa khi thực hiện những chuyến phiêu lưu bất ngờ”.
Khao khát đi du lịch
Trực thăng và ô tô điện cũng là những lựa chọn được các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (Ultra-High Net-Worth Individual, viết tắt: UHNWIs) ưu ái. Họ hy vọng chúng được tận dụng tối đa khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
“Ba lần phong tỏa và dành phần lớn thời gian ở nhà đã khiến tôi khao khát được đi du lịch và trải nghiệm”, Martin Reith, chủ tịch của Luchford, cơ quan truyền thông cho các thương hiệu cao cấp, cho biết.
Ngoài ra, giới siêu giàu còn muốn tìm đến những khu nghỉ dưỡng riêng tư. Chẳng hạn Lopud 1483 ở Croatia, một tu viện đã được cải tạo với giá cho thuê 137.000 USD/một tuần hoặc trang trại Deplar, nơi trượt tuyết tốc độ cao heli - skiing và câu cá hồi sang trọng tại miền Bắc Iceland.
Nhiều người giàu khác còn hứng thú với xe điện. Họ thích việc sắm một chiếc Polestar 2 và đi quanh thành phố trên xe đạp điện mới của Porsche.
Trong khi đó, trực thăng được sử dụng phổ biến hơn bao giờ hết ở Anh. “Trực thăng Bamfords là thứ thường xuyên xuất hiện ở Daylesford Shire. Tôi thấy chúng bay lơ lửng ngày càng nhiều trên bầu trời Cotswold. Chúng có ích cho việc di chuyển đến London. Chủ sở hữu có thể đi bất cứ đâu chỉ trong vài phút”, Harry Gladwin (đến từ Anh) nói.
Với một số khác, việc săn đất đai, nhà cửa là điều tiên quyết. Jess Simpson, người môi giới bất động sản trên 20 triệu USD, nhận được 3 cuộc gọi mỗi ngày.
Simpson cho biết khách hàng của anh luôn lo lắng không có đủ chỗ ở cho bảo mẫu, gia sư và ông bà nếu chính phủ phong tỏa lần nữa trong tương lai.
“Bahamas là một lựa chọn tốt vì mức thuế tốt. Ở châu Âu, miền Nam nước Pháp và vùng Balearics đang thu hút sự quan tâm lớn. Một số đã chuyển đến Ibiza vĩnh viễn để cho con học các trường tư thục và hưởng thụ cuộc sống. Ngoài ra, Bồ Đào Nha cũng rất phổ biến, vì mua nhà ở đó có thể đảm bảo quyền công dân EU”, Simpson cho hay,
Hiện, những người giàu nhất nước Anh đang tập trung vào việc mua thêm nhà. Nỗi ám ảnh về không gian đã đưa họ đến Scotland, nơi có các khu thể thao và lâu đài để nghỉ dưỡng với bạn bè, gia đình.
Đầu tư bất động sản
Những ngôi nhà ven biển cũng được bán với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ năm 2007. Không ít người đang tìm kiếm các căn hộ ở Norfolk, Dorset và Cornwall.
"Các vườn nho cho mục đích tư nhân đang được ưa chuộng. Nhiều người thậm chí đã thành lập các đồn điền trồng cây sồi", Simpson nói thêm.
Trong khi tầng lớp trung lưu đang chạy trốn khỏi thủ đô để tìm nơi ở, giới siêu giàu vẫn coi London là “chân ái”.
Một số người khác thì đang đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật và nội thất. Baird Allis (40 tuổi), luật sư, cảm thấy hạnh phúc khi sở hữu những bức tranh về thời kỳ hoàng kim của Hà Lan.
Ngoài ra, tầng lớp thượng lưu cũng vung tiền vào các tầng hầm để tạo không gian đa chức năng cho làm việc, thư giãn, rèn luyện sức khỏe, ăn uống và vui chơi.
“Các khách hàng thường muốn có phòng thiền, “vòi sen vitamin C”, phòng thay đồ khổng lồ, thiết bị mô phỏng chơi golf, quần vợt trong nhà của mình”, Edoardo Alessandro Mapelli Mozzi (Anh), nhà phát triển bất động sản, nói.
Sau một năm không tổ chức tiệc tùng, các hoạt động xã hội hóa cũng là ưu tiên với những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà hàng độc quyền nhất của London chỉ phục vụ cho 10 thực khách đã đặt trước mỗi tối.
Theo chuyên gia Katrina Kutchinsky, xu hướng ăn uống kiểu nhà hàng tại nhà vẫn tiếp tục bùng nổ. Việc giới siêu giàu mời đầu bếp nổi tiếng như Alex Webb, nhà vô địch MasterChef, chuẩn bị bữa tối bên bể bơi là chuyện bình thường.
Các hồ bơi tự nhiên cũng được yêu thích không kém. Danh sách công trình của nhiều công ty nội thất đã kéo dài đến năm 2022. Điều này khiến những khách hàng siêu giàu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chịu đựng một mùa hè “vắng bóng” bể bơi kiểu mới.