Giới siêu giàu nỗ lực hiện thực hóa mong ước trường thọ
Cánh cửa tự động mở ra, dẫn vào một sảnh lớn như bên trong tàu vũ trụ. Vài thanh niên đang ngả lưng trên những chiếc ghế da trắng, cánh tay cắm ống truyền tĩnh mạch phát sáng. Đây là Hum2n ở Chelsea (Anh), một trong những trung tâm cung cấp các liệu pháp tiên tiến nhằm kéo dài tuổi thọ.

Simon Ingram, một nhà tài chính 70 tuổi sống tại Thụy Sĩ, đang được truyền NAD+
Đứng sau Hum2n là TS. Mohammed Enayat cùng đội ngũ 28 nhân viên của ông. Vị bác sĩ 40 tuổi này đi khắp thế giới để thử nghiệm các phương pháp điều trị trước khi cung cấp cho khách hàng.
Ông truyền NAD+ 2 lần/tháng để tăng năng lượng cho tế bào, tiêm Cerebrolysin để tăng cường sức khỏe não bộ và sử dụng Epitalon để kích thích sản xuất tế bào gốc.
Không ngừng tìm cách kéo dài tuổi thọ
Theo Allied Market Research, thị trường liệu pháp chống lão hóa dự kiến sẽ tăng trưởng từ 25,1 tỷ USD vào năm 2020 lên 44,2 tỷ USD vào năm 2030.
Kể từ khi nhà khoa học Nhật Bản, TS. Shinya Yamanaka, xác định được 4 gene có thể lập trình lại ở chuột để giúp chúng trẻ và khỏe hơn, giới khoa học đã kỳ vọng những đột phá tương tự ở con người. Thế nhưng, ngay cả những con chuột này cũng phát triển khối u phôi.
Trong nỗ lực kéo dài tuổi thọ, TS. Enayat đã thử nghiệm nhiều phương pháp, bao gồm rapamycin (một chất ức chế tăng trưởng tế bào và ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong điều trị ung thư và sau khi cấy ghép nội tạng).
Các nghiên cứu cho thấy rapamycin có thể giúp ruồi giấm và giun sống lâu hơn 20%, nhưng tác dụng trên con người vẫn chưa rõ ràng. Tế bào gốc cũng là một hướng đầy hứa hẹn, song việc điều trị không kiểm soát có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Clinique La Prairie (CLP) tại Montreux là một trong những resort sức khỏe hàng đầu tại Thụy Sĩ, chuyên cung cấp các phương pháp chống lão hóa tiên tiến cho giới nhà giàu và người nổi tiếng.
Nam diễn viên John Cleese đã đều đặn ghé thăm nơi này mỗi 12-18 tháng suốt hai thập kỷ qua, để sử dụng các dịch vụ kéo dài tuổi thọ. Dịch vụ nổi bật nhất ở đây là chương trình phục hồi 7 ngày, có giá 25.000 bảng, dựa trên công thức CLP Extract được cấp bằng sáng chế, ra mắt lần đầu vào năm 1931.

Liệu pháp ánh sáng tĩnh mạch tại Hum2n
Hoài nghi về tính hiệu quả của các liệu pháp
Ngành công nghiệp trường thọ cũng đang đối mặt với không ít hoài nghi, khi có rất ít bằng chứng cho thấy các phương pháp điều trị như truyền NAD+ thực sự kéo dài tuổi thọ đáng kể. Thậm chí, một số liệu pháp còn tiềm ẩn rủi ro, bao gồm nguy cơ ung thư.
Những phòng khám cao cấp như Clarify ở Marylebone cung cấp các dịch vụ đắt đỏ, như liệu pháp tách máu để lọc độc tố, với chi phí lên tới 10.000 bảng, nhưng vẫn chưa rõ hiệu quả.
Sự nghi ngờ càng tăng khi một số chuyên gia chống lão hóa, như Henry S. Lodge, qua đời sớm. Ngay cả nghiên cứu về "vùng xanh" (những khu vực có nhiều người sống thọ) cũng vấp phải chỉ trích sau khi phát hiện nhiều người được báo cáo là sống lâu thực chất đã qua đời từ trước, nhưng thân nhân của họ vẫn khai man để trục lợi.
Netflix đã sản xuất một bộ phim tài liệu về Bryan Johnson, triệu phú gây tranh cãi vì những phương pháp đảo ngược quá trình lão hóa kỳ lạ. Ở tuổi 47, Johnson có vẻ ngoài nhợt nhạt, gầy gò, mái tóc dài và dành phần lớn thời gian một mình trong nhà, gắn liền với máy móc.
Nhà di truyền học người Anh Adam Rutherford gần đây cảnh báo rằng, Johnson có thể sớm đối mặt với những vấn đề y tế nghiêm trọng do tin vào các thực hành y khoa chưa được kiểm chứng.
TS. William Mair, Giám đốc Sáng kiến Lão hóa của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cùng nhiều chuyên gia khác nhận định rằng, phần lớn sự cường điệu xoay quanh ngành công nghiệp trường thọ chỉ dựa vào việc suy rộng dữ liệu và các nghiên cứu quy mô nhỏ.
Thực tế, những yếu tố đơn giản như chế độ ăn uống, tập thể dục (thúc đẩy quá trình tạo tế bào gốc), giấc ngủ (hỗ trợ tái tạo và giải độc cơ thể), dinh dưỡng và trên hết là tương tác của con người mới là "chìa khóa" kéo dài tuổi thọ.
Ngay cả một việc như tiêm vaccine cúm cũng có thể tác động đến tế bào, theo TS. Michael Roizen, Giám đốc chăm sóc sức khỏe tại Cleveland Clinic. Ngoài ra, thiền định có thể giúp kéo dài telomere - cấu trúc bảo vệ DNA, làm chậm quá trình lão hóa.
Những thói quen đơn giản khác như hít tinh dầu bạc hà, uống cà phê đen hay sử dụng dầu ô liu nguyên chất cũng có lợi cho sức khỏe. Theo TS. Thomas Perls của Đại học Boston, chỉ 25% tốc độ lão hóa phụ thuộc vào gene, phần còn lại đến từ môi trường và lối sống.
* Doanh nhân người Mỹ Bryan Johnson chi 2 triệu USD mỗi năm để kéo dài tuổi thọ, đồng thời khẳng định mình đang "đầu tư cho khoa học".
* Người chịu chi nhất là Sam Altman, nhà sáng lập OpenAI, khi đầu tư 180 triệu bảng vào Retro Biosciences năm 2022 với hy vọng kéo dài tuổi thọ con người thêm 10 năm.
* Doanh nhân người Mỹ Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal, rót 3,5 triệu USD vào Quỹ Methuselah, một tổ chức phi lợi nhuận đặt mục tiêu biến tuổi 90 thành tuổi trung niên vào năm 2030. Thiel tin rằng, lão hóa có thể bị đảo ngược giống như sửa lỗi một chương trình máy tính, và cái chết không phải là điều tất yếu mà chỉ là một bài toán khoa học chờ lời giải.
Danh sách những người đổ tiền vào cuộc đua kéo dài tuổi thọ còn có các tỉ phú như: Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Sergey Brin và Larry Page của Google. Họ tài trợ cho các công ty như Altos, nơi tập trung nghiên cứu đảo ngược bệnh tật và chấn thương.
Nguồn: Telegraph