Giới thiệu bộ sưu tập tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Bộ tranh 12 con giáp phiên bản gốc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, thuộc bộ sưu tập riêng của nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên sẽ được triển lãm tại Đà Lạt vào ngày 10/3.

Trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024 (Vietnam Classical Music Festival - VCMF) từ ngày 10-17/3 tại Trung tâm nghệ thuật của Ana Mandara Đà Lạt sẽ diễn ra Triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây”.

Triển lãm sẽ giới thiệu bộ tranh 12 con giáp giáp phiên bản gốc - những kiệt tác lần đầu tiên được công bố.

Đây là những tác phẩm thuộc bộ sưu tập tranh của nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên. Cô là cháu họ của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm và là chắt ruột nhà văn Nguyễn Tuân (cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm).

 Tác phẩm "Canh Thìn" trong bộ tranh 12 con giáp của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: BTC

Tác phẩm "Canh Thìn" trong bộ tranh 12 con giáp của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: BTC

Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, đây là triển lãm một danh họa thời mỹ thuật Đông Dương, một trong "Bộ tứ" Nghiêm - Liên - Sáng - Phái của hội họa Việt Nam, song không phải chỉ để tạo ra một không gian thẩm mỹ, mà đặc biệt để tạo ra một không gian đối thoại liên văn hóa và liên nghệ thuật về các chủ đề triết học, văn hóa thị giác và con người.

Giám tuyển Nguyễn Như Huy khẳng định, trong nền nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Tư Nghiêm là trường hợp rất đặc biệt. Ông không chỉ là một họa sĩ bậc thầy, hơn thế, bằng các suy tư, nghiên cứu sâu sắc ở góc độ văn hóa thị giác.

Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm mang giá trị đương đại bền vững trong mối quan tâm và những đối thoại chưa bao giờ ngưng nghỉ nơi các tác phẩm của ông về con người. Điều này càng thấy rõ hơn khi soi chiếu vào cách ông thực hành nghệ thuật trong giai đoạn nửa sau cuộc đời.

Buổi lễ khai mạc Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024 sẽ kết hợp trình diễn âm nhạc cổ điển với trải nghiệm ngắm tranh. Cụ thể, triển lãm sẽ đi kèm với hai buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển của nghệ sĩ Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến trong không gian trưng bày. Một buổi vào ngày khai mạc triển lãm 10/3, một buổi vào ngày kết thúc triển lãm 18/3.

Cuộc đối thoại giữa tranh giấy dó, bột màu, màu nước vẽ con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm và nhạc giao hưởng được mong đợi là sự kiện chưa từng có tiền lệ, tạo nên một không gian nghệ thuật đa chiều, phong phú.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-thieu-bo-suu-tap-tranh-12-con-giap-cua-danh-hoa-nguyen-tu-nghiem-post287346.html