Giới thiệu những cuốn sách hay dành tặng thầy cô
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức giao lưu giới thiệu về bộ sách 'Kỷ luật tích cực' và những cuốn sách hay dành tặng thầy cô, vào 20h ngày 15-11, trên nền tảng trực tuyến.
Bộ sách “Kỷ luật tích cực” được xuất bản lần đầu tại Việt Nam năm 2018 với 2 cuốn “Kỷ luật tích cực” và “Kỷ luật tích cực trong lớp học”. Tháng 6-2024, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức giao lưu giới thiệu bộ sách (đã được phát triển lên thành 6 cuốn) với tên gọi của sự kiện là “Nuôi dạy trẻ tự lập trong một thế giới nuông chiều”. Sự kiện hướng tới các bậc phụ huynh đang quan tâm tới việc nuôi dạy con.
Trong ngày 15-11, vẫn là câu chuyện “Kỷ luật tích cực”, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam hướng tới độc giả rộng hơn, đó là các thầy cô giáo và những người quan tâm tới sách có đề tài liên quan tới giáo dục.
Buổi giao lưu lần này sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về khái niệm kỷ luật tích cực thông qua sự hiểu biết của dịch giả Mai Hải Sâm – thành viên Hiệp hội Kỷ luật tích cực Hoa Kỳ; đồng thời mở rộng ra những cuốn sách hữu ích với nghề giáo qua phần giới thiệu của tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục Nguyễn Quốc Vương.
Những cuốn sách hay về nghề giáo và giá trị của giáo dục có thể kể đến như “Được học” - tự truyện của Tiến sĩ Tara Westover, về cô gái 17 tuổi mới tiếp cận với nền giáo dục nhưng chỉ 10 năm đã giành học vị Tiến sĩ tại trường đại học danh giá Cambridge.
Cuốn “Tro tàn của Angela” của Frank McCourt đã giành giải thưởng Pulitzer năm 1997, là hồi ký của nhà văn người Mỹ gốc Ireland, cũng là giáo viên tiêu biểu được cả nước Mỹ kính trọng (với danh hiệu “Nhà giáo của năm”).
Tiểu thuyết “Bà đại sứ” của tác giả Lorena A. Hickok được viết dựa trên cuộc đời thực và tự truyện “Chuyện đời tôi” của bà Helen Keller - nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị cử nhân nghệ thuật của Đại học Harvard. Bà được Tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XX.
Cuốn sách “Evanhansen hay bức thư tuyệt mệnh dối trá” của tác giả Val Emmich, Steven Levenson, Benji Pasek & Justin Paul lý giải về bản thân của mỗi teen, lời nói dối đẩy đến những sự việc rúng động và sự đáng sợ của tệ bắt nạt học đường.
Cuốn “Viên ngọc trai vỡ vỏ” của tác giả Nadia Hashimi, đề cao giáo dục như là một con đường quan trọng nhất giúp phụ nữ vươn tới đích đến tự do...
Bên cạnh đó, có nhiều cuốn sách hay về đề tài này nữa, như “Học sâu" (Kieran Egan), “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” (Nguyễn Quốc Vương), “Ước vọng cho học đường” (Huỳnh Như Phương), “Đời giáo dở khóc dở cười” (Colm Cuffe), “Maria Montessori cuộc đời và sự nghiệp” (E.M.Standing), “Căn bệnh giáo dục” (Ryo Uchida), “Học thế nào bây giờ?” (Bruno Hourst), “Môn sử không chán như em tưởng” (Nguyễn Quốc Vương)….
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gioi-thieu-nhung-cuon-sach-hay-danh-tang-thay-co-684526.html