Giới trẻ '3D hóa tranh Đông Hồ'

Bằng tình yêu văn hóa dân gian và mong muốn giữ gìn, lan tỏa những giá trị di sản của cha ông, nhóm bạn trẻ đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã cho ra đời những sản phẩm in đậm nét văn hóa truyền thống và có giá trị ứng dụng cao.

Mở lối đi mới cho di sản

Nhóm “Đông Hồ mới” gồm 5 thành viên: Lưu Thủy Nguyên, Phạm Thị Lê Dung, Nguyễn Phạm Thu Trang, Trần Thị Thủy Trang và Vũ Huy Hoàng. Họ đều là sinh viên của Khoa nội thất, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và đều còn rất trẻ.

Theo chia sẻ của trưởng nhóm Lưu Thủy Nguyên, dự án “3D hóa tranh Đông Hồ” của nhóm xuất phát từ một đề tài nghiên cứu khoa học với nội dung khai thác giá trị truyền thống tranh dân gian vào nội thất nhà ở hiện đại. Đến khi tìm tòi về giải pháp sau quá trình nghiên cứu, thầy giáo hướng dẫn là PGS.TS Vũ Hồng Cương đã gợi ý các thành viên về ý tưởng chuyển thể tranh Đông Hồ, biến tranh 2D thành tượng 3D để ứng dụng trong nội thất nhà ở hiện đại.

“Thế là cả nhóm bắt đầu tìm hiểu sâu, bắt đầu từ tranh Đông Hồ cũng như công nghệ in 3D. Khi tiếp xúc với tranh Đông Hồ, nhóm chúng em đều bất ngờ, ấn tượng với chất liệu giấy dó nham nhám rất đặc biệt cũng như lớp vỏ điệp lấp lánh. Tranh Đông Hồ tạo hình đơn giản, mộc mạc nhưng tìm hiểu kỹ mới thấy các cụ chắt chiu rất tinh, các con vật đều ngộ nghĩnh, sống động và những mảng màu rất tự nhiên, tươi sáng” - bạn trẻ Phạm Thị Lê Dung nói.

 Nhóm “Đông Hồ mới” giành giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” toàn quốc lần thứ VI

Nhóm “Đông Hồ mới” giành giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” toàn quốc lần thứ VI

Rất nhanh sau đó, cùng với dự án “Đông Hồ mới - Bộ lưu niệm tượng 3D Đông Hồ và set tô tượng” ra đời thì nhóm “Đông Hồ mới” cũng được thành lập. Từ tháng 9/2023, cả nhóm đã nhiều lần ngược xuôi về làng tranh Đông Hồ, gặp nghệ nhân, trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm tranh, tìm hiểu về di sản.

Được sự chỉ dẫn của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, các bạn trẻ ngày một hiểu hơn về cách làm tranh cổ xưa, “thấm” được nét nghệ thuật đầy tinh tế ở dòng tranh này. Tuy nhiên, cả nhóm cũng thấy rõ hơn một điều: tranh Đông Hồ đứng trước nguy cơ mai một, do nhu cầu thẩm mỹ cũng như không gian sống của người dân đã quá nhiều thay đổi.

“Gọi là làng tranh nhưng bây giờ chỉ còn vài ba hộ làm tranh. Là những người trẻ, chúng em nhận thấy cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản này. Từ suy nghĩ đó, nhóm “Đông Hồ mới” đặt mục tiêu tìm ra một lối đi mới, để làm sao hồn cốt dân gian Đông Hồ được hiện diện rộng rãi hơn trong đời sống” - bạn trẻ Phạm Thị Lê Dung cho biết.

 Sản phẩm 3D chuyển thể từ bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” của tranh Đông Hồ

Sản phẩm 3D chuyển thể từ bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” của tranh Đông Hồ

Quyết tâm là thế, nhưng khi bắt tay vào việc, khó khăn liên tục “lộ” ra. Trong đó, bài toán nan giải nhất đối với cả nhóm là làm sao để tưởng tượng ra mặt sau của bức tranh là gì; phía bên kia của mỗi con mèo, con chuột, con trâu… cần được tạo hình như thế nào, hoa văn ra sao. Bởi lẽ, khi nhìn tranh 2D chỉ thấy được mặt trước, trong khi trên sản phẩm 3D thì phải thể hiện được tất cả các mặt, tất cả các sắc thái của đối tượng trong tranh.

“Áp lực khá lớn vì nhiều khi chúng em không đủ hiểu biết, không đủ tự tin để chuyển thể tinh thần của tranh Đông Hồ lên sản phẩm 3D. Các thành viên tranh luận rất nhiều. Sản phẩm thiết kế trông có vẻ ổn đấy nhưng khi làm ra không như ý phải bỏ đi cũng rất nhiều” - bạn trẻ Nguyễn Phạm Thu Trang chia sẻ thêm.

Mong muốn tranh dân gian hòa nhịp với cuộc sống hiện đại

Sau gần một năm, dự án đã cho ra đời 8 sản phẩm được chuyển thể từ tranh Đông Hồ. Tháng 5/2024, vượt qua hàng trăm dự án đến từ hơn 200 trường đại học, cao đẳng, sản phẩm của nhóm “Đông Hồ mới” đã xuất sắc giành giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” toàn quốc lần thứ VI.

Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá, những sản phẩm này thuộc nhóm kinh doanh tạo tác động xã hội; không chỉ góp phần lưu giữ và truyền bá nét đẹp, giá trị nghệ thuật truyền thống của tranh dân gian Đông Hồ mà còn mang đến bộ sản phẩm trang trí nội thất mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Dự án cũng góp phần phát triển thị trường đồ trang trí nội thất, đồ lưu niệm nguồn gốc trong nước, tạo ra công ăn việc làm cho sinh viên nghệ thuật, lao động phổ thông và một phần nhóm người khiếm khuyết trong xã hội. Dự án có tính khả thi, khi trên thị trường có rất ít dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ trong trang trí nội thất mang nét văn hóa thuần Việt.

 Sản phẩm 3D “Đám cưới chuột”

Sản phẩm 3D “Đám cưới chuột”

Còn theo TS. Phạm Đình Khuê - Trưởng Phòng Chính trị công tác sinh viên - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhóm Đông Hồ mới đã bước đầu thành công khi cho ra đời những sản phẩm có tính sáng tạo, đưa nghề nghiệp gắn với môi trường xã hội. Tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ các em trong việc hoàn thiện sản phẩm cũng như đăng ký bản quyền để thương mại hóa trên thị trường.

“Đây là hướng đi đúng. Chúng ta đã thấy người Nga có bộ búp bê rất nổi tiếng để làm quà tặng cho du khách nước ngoài, hay du khách đến Singapore thường mua quà tượng sư tử, đến Malaysia mua quà tặng là hình tượng tháp đôi… Nếu sản phẩm tranh 3D Đông Hồ này được đầu tư để trở thành một sản phẩm lưu niệm giống như vậy thì bên cạnh giá trị kinh tế đem lại, giá trị quảng bá văn hóa Việt Nam cũng sẽ rất lớn. Ngoài ra, trong ngôi nhà hiện đại, việc biến tranh 2D thành sản phẩm 3D trang trí decor sẽ đưa được nét văn hóa truyền thống hài hòa với không gian sống hiện đại” - TS. Khuê kỳ vọng.

Ông Khuê cho biết thêm, sản phẩm này sẽ hướng đến nhiều nhóm khách hàng; có thể thay thế chất liệu nhựa bằng kim loại hay gỗ, đá; có thể mạ vàng với mức giá phù hợp nhiều đối tượng. Sản phẩm cũng hướng đến đối tượng trẻ em, khi thay vì để các em tô tượng trên những con robot, những mô hình công chúa Elsa hay người nhện… thì các em có dịp làm quen nhiều hơn với các hình tượng văn hóa thuần Việt.

 Thầy trò nhóm “Đông Hồ mới” thảo luận về dự án

Thầy trò nhóm “Đông Hồ mới” thảo luận về dự án

“Sản phẩm này đặt nền móng giúp các em khởi nghiệp bằng cách phát huy nghề nghiệp của mình trong tương lai. Đáng mừng là ngay trong cuộc thi, đã có người đến đặt mua sản phẩm về để trang trí không gian nhà ở. Sau cuộc thi, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều lời đề nghị mua hàng, đề nghị hợp tác để mở rộng sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, dù đã đặt ra định hướng phát triển, chúng tôi vẫn muốn các em xác định phải tiếp tục hoàn thiện, đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa. Làm sao khi sản phẩm ra thị trường phải thật tinh, thật đẹp và phù hợp với cuộc sống hiện đại” - TS. Phạm Đình Khuê chia sẻ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-tre-3d-hoa-tranh-dong-ho-post303882.html