Giới trẻ chính là đối tượng thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp tại Việt Nam

Ngày 28/9, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp tại Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động cuối cùng của dự án "Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường nội địa và thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”.

Theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc CED, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT/VPA) giữa Việt nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Chương trình chia sẻ kinh nghiệm truyền thông thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp tại Việt Nam.

Một trong những cam kết chính của Hiệp định là Việt Nam sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Để thực hiện các cam kết của Hiệp định và thực thi Luật lâm nghiệp, ngày 1/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 quy định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục xây dựng các Thông tư để triển khai Nghị định 102, nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ.

Cũng theo bà Tô Kim Liên, dự án “Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường nội địa và thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”, với mục đích thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam mua sắm và sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm hơn. Dự án cũng tạo điều kiện cho nhiều bên tham gia vào tiến trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam.

Ông Bruno Cammaert, quản lý chương trình FAO EU FLEGT, cơ quan tài trợ dự án chia sẻ: Những hoạt động trong dự án này mới và khác với các dự án truyền thống trong lĩnh vực FLEGT/VPA, nhắm đến thị trường trong nước, người tiêu dùng trẻ, và có sự tham gia của các bạn lãnh đạo trẻ, là các nhóm đối tượng mà các dự án từ trước đến nay chưa tập trung nhiều.

“Điều này cũng cho thấy sự quan tâm đến việc đưa các thông tin và cam kết thực thi VPA đến các thành phần khác nhau trong xã hội”, ông Bruno Cammaert nói

Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Miền Trung đánh giá: Dự án đã góp phần nâng cao kỹ năng cho sinh viên, nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, đặc biệt là tăng cường hiểu biết về kiến thức, thái độ và thực tiễn liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam.

“Bên cạnh đó, dự án cũng tạo điều kiện nhiều bên tham gia, tạo điều kiện để mở rộng hợp tác kết nối giữa Nhà trường với các doanh nghiệp và các Hiệp hội nghề nghiệp", ông Phương nói.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, dự án truyền thông nâng cao nhận thức nên cần thêm thời gian để sinh viên, các bạn trẻ biết đến nhiều hơn, các hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ, tổ chức cuộc thi thiết kế mới là những hoạt động mở đầu cho việc giáo dục giới trẻ về sử dụng gỗ hợp pháp, cần có thêm nguồn hỗ trợ duy trì hoạt động.

“Nên cho sinh viên đi thực tế ở các xưởng kiến trúc, xưởng thiết kế để được trải nghiệm. Dự án cũng cần thêm thời gian để đưa thông tin trực tiếp đến cộng đồng, người dân sử dụng gỗ”, ông Việt chia sẻ.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-tre-chinh-la-doi-tuong-thuc-day-viec-su-dung-go-hop-phap-tai-viet-nam-post158558.html