Giới trẻ Hàn không còn mặn mà với các chaebol, tập đoàn lớn

Nhiều người trẻ ở Hàn Quốc ứng tuyển vào các công ty khởi nghiệp vì văn hóa làm việc thoải mái, mức thưởng cao và được tự do thể hiện bản thân.

Bức tranh về nơi làm việc lý tưởng của người dân ở xứ sở kim chi đang thay đổi so với các thế hệ trước. Quan điểm làm công ăn lương, cống hiến cả đời và đôi khi lao lực đến chết cho những chaebol, tập đoàn khổng lồ đang dần biến mất trong suy nghĩ của những nhân viên trẻ ngày nay, Chosun Ilbo đưa tin.

Thay vào đó, họ tìm kiếm những nơi có thể phát triển năng lực của bản thân và nhận được phần thưởng xứng đáng. Nói cách khác, giới trẻ Hàn không còn tự hỏi mình có thể làm gì cho công ty mà ngược lại, nơi này sẽ mang đến điều gì cho họ.

Trước đây, những sinh viên mới tốt nghiệp chỉ có một sự lựa chọn là làm thuê cho các tập đoàn chaebol. Việc đi theo ước mơ cá nhân và khởi nghiệp bị coi là hành động điên rồ. Họ chỉ làm việc cho những công ty nhỏ hoặc start-up chỉ khi không xin được nơi nào, theo Quartz.

 Sự ám ảnh về việc phải làm trong các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc đang dần biến mất. Ảnh: Quartz.

Sự ám ảnh về việc phải làm trong các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc đang dần biến mất. Ảnh: Quartz.

Theo thống kê của nền tảng tìm việc Wanted Lab, khoảng 20 nhà tuyển dụng hàng đầu hiện nay đều là các công ty khởi nghiệp, không phải tập đoàn lớn. Đứng đầu trong danh sách là ứng dụng Daangn Market, những vị trí tiếp theo thuộc về sàn giao dịch tiền điện tử Dunamu, app thời trang Kakao Style.

“Thậm chí, Naver, Kakao, Coupang và Baedal Minjok cũng được coi là những tập đoàn lâu đời. Ngày càng có nhiều người tìm việc ở những nơi được kỳ vọng là 'kỳ lân' trong tương lai hay các công ty mới thành lập với định giá hơn 1 tỷ USD”, một chuyên gia cho biết.

Một sinh viên ngành khoa học máy tính vừa tốt nghiệp trường đại học danh tiếng ở Seoul đã bắt đầu làm việc cho Daangn Market vào tháng 3/2021.

Anh có đủ tố chất để xin vào bất kỳ công ty công nghệ lớn nào như Samsung, Naver hay Kakao nhưng chàng trai đã gạt bỏ tất cả.

Thay vào đó, anh tìm kiếm một nơi có thể cho bản thân cơ hội thử sức với việc tạo ra các dịch vụ mới và những lợi ích tốt nhất.

Sau khi trở thành 'kỳ lân', Daangn Market đã tăng mức lương khởi điểm cho các lập trình viên lên 65 triệu won/năm cùng nhiều phần thưởng giá trị khác.

“Chúng tôi khảo sát nơi làm việc yêu thích của những sinh viên vừa ra trường và nhận thấy rằng phần lớn chọn tự kinh doanh hoặc xin vào các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google và Facebook. Nhiều người khác thì gửi gắm hy vọng ở những công ty khởi nghiệp mới, đầy hứa hẹn”, một giám đốc nhân sự nhận xét.

Thoải mái làm việc trong công ty nhỏ

Theo Wanted Lab, các công ty khởi nghiệp đang thu hút thế hệ Millennials (những người sinh năm 1981-1996) vì lương thưởng của họ dựa trên hiệu suất, đo điểm chuẩn với những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ).

Mức lương khởi điểm trung bình của 13 kỳ lân Hàn Quốc vào năm nay là 39,4 triệu won/năm, thấp hơn gần 8 triệu won so với các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, những người đạt thành tích cao sẽ được khen thưởng xứng đáng.

Chẳng hạn, ứng dụng tài chính Toss đã cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu trị giá 100 triệu won cho tất cả nhân viên vào cuối năm 2018. Nhờ vậy, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp 5 lần. Ngoài ra, mức tăng lương hàng năm ở đây cũng rất cao.

 Bên cạnh mức lương, văn hóa làm việc thoải mái là yếu tố thu hút nhiều ứng viên trẻ. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh mức lương, văn hóa làm việc thoải mái là yếu tố thu hút nhiều ứng viên trẻ. Ảnh: New York Times.

Một công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin đã tăng lương cho những nhân viên cống hiến từ 4-6 năm lên 82% (từ 35 triệu won vào năm 2019 lên 63,6 triệu won ở thời điểm hiện tại).

Thế hệ Millennials cũng bị thu hút bởi các công ty có văn hóa làm việc thoải mái, tự do thể hiện bản thân. Gần đây, Toss đã bổ nhiệm một lập trình viên 20 tuổi làm trưởng nhóm 30 người mặc dù chàng trai này chỉ mới gia nhập một năm trước.

Park Hae-jin, một cựu nhân viên marketing tại Kakao, đã chuyển sang môi trường mới sau nhiều năm chịu đựng công ty cũ.

"Cách vận hành ở Kakao khiến tôi có cảm giác mình đang không đóng góp được gì cho công ty. Rất nhiều người có năng lực đang cố gắng hiện thực hóa mục tiêu của họ bất chấp rủi ro”, Park Hae-jin nói.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-han-khong-con-man-ma-voi-cac-chaebol-tap-doan-lon-post1276567.html