Giới trẻ Hàn Quốc khủng hoảng niềm tin sau thảm kịch Itaewon

Người trẻ Hàn Quốc cảm thấy thất vọng và không còn tin vào lời hứa của giới chức khi họ lại phải đối mặt với một thảm kịch đau lòng khác, 8 năm sau vụ chìm phà Sewol.

Trong một trung tâm thể dục ở Seoul, hàng dài giày thể thao, giày cao gót, áo khoác và phụ kiện Halloween trải trên sàn. Tất cả vật dụng đều được đánh số, nằm chờ chủ nhân đến. Nhiều đồ trong số này có lẽ sẽ không bao giờ có ai tới nhận.

Những vật dụng này thuộc về nạn nhân thiệt mạng và những người sống sót sau thảm kịch đám đông bị chèn ép trong lễ mừng Halloween ở Itaewon hôm 29/10. 94% trong số 156 người thiệt mạng sau vụ việc ở độ tuổi thiếu niên, 20 và 30, theo Guardian.

Một nơi tưởng niệm tạm thời đã được dựng lên bên ngoài lối ra số 1 của nhà ga Itaewon. Nhiều người mang hoa cúc, ảnh, mì ly và rượu tới để an ủi linh hồn những nạn nhân xấu số. Các nhà sư ngồi tụng lời cầu nguyện cho các nạn nhân.

Theo Korea Herald, từ việc thiếu các biện pháp thích hợp ngăn chặn thảm họa đến phản ứng chậm trễ của giới chức sau đó đã khiến nhiều người Hàn Quốc - đặc biệt là thế hệ trẻ - không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng nước này chưa rút ra được bài học sau thảm kịch Sewol?

“Những gì tôi nói nghe có thể cay nghiệt, nhưng lời đảm bảo ‘không bao giờ lặp lại’ ấy đã không thành sau thảm kịch Sewol. Thậm chí sau 11 cuộc gọi khẩn cấp, thảm kịch vẫn xảy tới. Tôi thực sự hy vọng giới chức quan tâm và có trách nhiệm giữ an toàn cho người dân”, một bình luận trên Korea Herald viết.

"Thế hệ Sewol"

"Tôi thực sự sốc và đau buồn khi thấy thảm kịch xảy ra một lần nữa vào năm 2022", Jeon Ye In, 14 tuổi, nói. Jeon - giống như nhiều người Hàn Quốc khác - là một phần của thế hệ bị tổn thương bởi một thảm họa khác trong quá khứ: Vụ chìm phà Sewol.

Khi phà Sewol chìm vào năm 2014, hơn 300 người đã thiệt mạng, phần lớn là học sinh trung học. Nhiều sai sót của con phà được phát hiện trong quá trình điều tra. Nhiều người tin rằng nỗ lực cứu hộ đã thất bại và cho tới nay, một số chi tiết của thảm kịch này vẫn chưa được làm rõ.

Từ thảm họa ấy đã sinh ra "thế hệ Sewol", nhóm dân số trẻ Hàn Quốc cảm thấy bất lực và nghĩ họ không thể trông cậy nhà chức trách sẽ bảo vệ mình trước thảm họa.

“Tin về vụ chìm phà liên tục được đưa ra vào buổi sáng. Tôi vẫn nhớ ký ức ấy. Với vụ Itaewon, cảm giác cũng giống như vậy”, một học sinh trung học nói.

 Giày của các nạn nhân trong thảm kịch Itaewon bày ở trung tâm thể dục ở Seoul hôm 1/11. Ảnh: Reuters.

Giày của các nạn nhân trong thảm kịch Itaewon bày ở trung tâm thể dục ở Seoul hôm 1/11. Ảnh: Reuters.

3 sinh viên Đại học Hanyang, trong đó có 2 công dân nước ngoài, đã thiệt mạng trong thảm kịch Itaewon. Kim - một sinh viên tốt nghiệp Hanyang - cho biết thế hệ cô đã bị tổn thương. Cô nhớ nhà chức trách đã hứa sẽ nỗ lực ngăn chặn các thảm họa tương tự tái diễn sau vụ Sewol.

“Tôi bực bội và thất vọng. Tất cả chúng tôi đều chăm chỉ học tập và nỗ lực gây dựng cuộc sống riêng mình. Họ không có lỗi khi đến Itaewon để tận hưởng chút vui vẻ vào ngày hôm đó”, Kim nói.

Trong cuộc họp báo đầu tuần này, Thủ tướng Han Duck-soo nhắc lại Hàn Quốc là “một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới”.

“Hàn Quốc không phải là quốc gia thường xuyên xảy ra những thảm họa như thế này. Trong hầu hết trường hợp, Hàn Quốc vẫn đem lại niềm tin cho những người trẻ tuổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đất nước này tốt và an toàn hơn”, ông nói.

Kim cho biết những ký ức đau buồn là thứ kết nối thế hệ cô: “Mỗi chúng tôi đều có những tổn thương. Vì vậy, chúng ta có thể có xu hướng bảo vệ bản thân. Tôi tin chúng tôi là thế hệ cố gắng không để mất nhau”.

Theo Korea Herald, có 11 cuộc gọi khẩn cấp vào hôm 29/11 từ Itaewon đề cập tới đám đông đang chèn ép nhau. Có tổng cộng 79 cuộc gọi đến trung tâm 112 trong khoảng 18h-22h hôm đó, giữa lúc cảnh sát vẫn tập trung vào những cuộc biểu tình chính trị.

Cảnh sát trưởng quốc gia Hàn Quốc cho biết ông không được thông báo về sự cố giẫm đạp cho đến sau 23h, Yonhap đưa tin. Điều này đồng nghĩa giới chức địa phương không thông báo đến ông Yoon Hee Keun trong suốt ít nhất 45 phút kể từ khi thảm kịch bắt đầu vào khoảng hơn 22h, và ông Yoon đi ngủ mà không biết về thảm họa đang diễn ra ở Seoul.

"Chấn thương" tập thể

Chính quyền cam kết sẽ hỗ trợ tâm lý cho tất cả công dân bị ảnh hưởng bởi thảm kịch. Giới chức chia sẻ đường dây nóng về sức khỏe tâm thần trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều nơi xuất hiện các trạm và phòng khám tạm thời. Các trường đại học cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí.

Đối với một giáo viên trung học ở tỉnh Gyeonggi, việc giải quyết chấn thương tâm lý không chỉ nằm ở tư vấn miễn phí.

“Chúng tôi đã được nhắc phải thể hiện sự trung lập chính trị trong lớp học và hiện có nói gì cũng có thể bị coi là liên quan tới chính trị. Vì vậy, chúng tôi đã phải im lặng trong khi học sinh tiếp nhận thông tin một chiều từ các phương tiện truyền thông”, giáo viên giấu tên nói.

“Để gây dựng niềm tin cho học sinh, tôi nghĩ chúng tôi cần trò chuyện cởi mở về những gì các em đang nghĩ và cảm nhận về thảm kịch”, cô nói.

 Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tại chùa Chogye ở Seoul hôm 4/11. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tại chùa Chogye ở Seoul hôm 4/11. Ảnh: Reuters.

Tại con phố chính ở Itaewon, Lee Seo Yoon cùng bạn bè đứng lặng yên, tay cầm các tấm biển ghi những thông điệp về thảm kịch.

Trên tay Lee là tấm biển ghi dòng chữ: “Mọi việc đã có thể được ngăn chặn”. Những người khác chỉ giơ tấm biển ghi “18h43” - đề cập tới cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên cảnh báo đám đông có thể bị chèn ép tới mức thương vong. Hơn 3 giờ sau, lời cảnh báo thành sự thật.

Một trong những chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất kể từ hôm 29/10 là “trách nhiệm”. Cuộc khảo sát của Media Tomato với 1.072 người trưởng thành cho thấy 73,1% người được hỏi cho rằng nhà chức trách phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch Itaewon.

Đã xuất hiện một số lời xin lỗi. Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn, đó là khôi phục lòng tin của người dân vào chính phủ. Ông cam kết điều tra kỹ lưỡng vụ việc và đại tu toàn bộ hệ thống an ninh an toàn.

Trong khuôn viên trường Đại học Hàn Quốc, tại nơi tưởng niệm nạn nhân thảm kịch, một sinh viên thắp nén hương và suy tư.

“Bây giờ tôi nhận ra điều này có thể đột ngột xảy ra với bất cứ ai”, anh nói. “Khôi phục niềm tin của chúng tôi phải bắt đầu bằng trách nhiệm”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-han-quoc-khung-hoang-niem-tin-sau-tham-kich-itaewon-post1372261.html