Giới trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

ĐBP - Thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là trước thực trạng thực phẩm thiếu an toàn đang tràn lan trên thị trường hiện nay. Nắm bắt được xu thế này, mấy năm gần đây nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn đầu tư, lựa chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường để khởi nghiệp.

Anh Lò Văn Thành chăm sóc vườn măng tây.

Biết đến mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ của anh Lò Văn Thành, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) qua facebook với cái tên khá ấn tượng “Khu vườn của nắng”. Đến tham quan khu vườn, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt, táo bạo của anh Thành trong việc đầu tư cũng như quy trình chăm sóc so với những mô hình trồng măng tây mà chúng tôi đã từng tham quan. Trên diện tích 350m2, anh Thành đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới hiện đại, có hệ thống mái che tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, hệ thống quạt thông thoáng, hệ thống lọc nước… Giới thiệu về khu vườn của mình, anh Thành cho biết: “Trồng măng tây trong nhà lưới tránh được ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết bên ngoài, hạn chế được các loài sâu bọ phá hoại, người trồng có thể chủ động trong việc chăm sóc để măng phát triển trong điều kiện tốt nhất, sản phẩm thu được cũng đạt chất lượng cao hơn, an toàn hơn. Vì muốn đem sản phẩm sạch đến người tiêu dùng nên trong quá trình trồng và chăm sóc tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “5 không”: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; không thuốc diệt cỏ hóa học, dùng các biện pháp tự nhiên để khống chế cỏ dại; không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, dùng các biện pháp tự nhiên để khống chế sâu bệnh; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng”.

Để có được vườn măng tây như ý, thời gian đầu anh trăn trở, thức, ngủ cùng măng, bắt sâu, chăm bón, tưới nước trị bệnh cho cây. Theo anh Thành, cây măng tây xanh rất non yếu, dễ bị bệnh nên cách đầu tư, chăm sóc không đơn thuần như cách trồng rau truyền thống mà đòi hỏi giống phải sạch, đất sạch, quy trình chăm sóc sạch. Đơn cử như khâu xử lý đất, nếu xử lý đất tốt, đúng quy trình đất sẽ tơi xốp, đảm bảo cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng, đồng thời giúp cây tránh được sâu bệnh vì thế anh Thành đã mất 2 tháng pha trộn, cày ải, phơi đất. Bên cạnh đó, khi phát hiện sâu bệnh anh xử lý hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, như: đặt bẫy dính, bắt bằng tay, cây bị nhiễm nấm thì nhổ bỏ phần bị nấm, nếu nấm rễ sẽ thay thế ngay cây mới tránh để sâu bệnh lây lan rộng ảnh hưởng đến năng suất… Cây măng tây nếu được chăm sóc tốt thì chỉ 6 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi đợt thu hoạch liên tục trong thời gian từ 1,5 - 2 tháng.

Dù mới bắt đầu trồng măng tây xanh từ hơn 1 năm nay, nhưng bước đầu mô hình trồng măng tây trong nhà lưới của anh Thành đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp trồng măng thông thường. Bình quân, mỗi ngày anh thu được từ 3 - 5kg măng tây, với giá bán 135.000 đồng/kg, mỗi tháng anh thu về từ 17 - 20 triệu đồng. Vì là sản phẩm sạch nên măng tây xanh của anh Thành được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thành phố lựa chọn. Anh Thành cho biết thêm: “Cây măng tây càng trồng về những năm sau thì cho năng suất cũng như chất lượng măng càng cao. Thời gian tới, tôi sẽ làm thêm 2 nhà lưới mở rộng diện tích trồng măng tây. Tôi mong muốn sản phẩm măng tây trồng theo nguyên tắc “5 không” sẽ đến được với nhiều người tiêu dùng hơn, không chỉ ở trong tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh khác”.

Anh Lò Văn Chính kiểm tra sâu bệnh trên cây chanh leo.

Khác với anh Thành, mặc dù làm nông nghiệp từ nhiều năm trước, nhưng anh Lò Văn Chính, bản Nà Tấu 3, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) trước đây chỉ biết canh tác theo lối truyền thống. Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ sử dụng các chế phẩm vi sinh cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã lựa chọn phương pháp này cho vườn chanh leo của gia đình. Anh Chính cho biết: “Người dân ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch nhiều hơn, cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nghiêm trọng. Do đó, tôi đã lựa chọn việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong canh tác, vừa bảo vệ môi trường, vừa đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng”.

Năm 2019, anh chuyển đổi hơn 1ha đất trồng su su sang trồng chanh leo theo hướng hữu cơ. Để có vườn chanh leo hiệu quả, anh đặt mua giống chanh leo Tai Shiang từ Ðài Loan với giá 45.000 đồng/cây, ngoài giống, với anh Chính khâu chuẩn bị đất trồng cũng quan trọng không kém. Trước khi xuống giống, anh để đất trắng sạch trong khoảng 1 năm, bón vôi bột để tăng độ PH cho đất, đồng thời loại bỏ bớt mầm bệnh, kết hợp với phân vi lượng, phân chuồng, men vi sinh để tăng độ phì nhiêu cho đất. Một tháng trước khi trồng, anh tiếp tục ủ trộn phân hữu cơ, làm giàn chắc chắn, đảm bảo an toàn cho cây khi ra quả hàng loạt. Trong quá trình chăm sóc, để chanh cho năng suất cao, anh thường xuyên cắt tỉa cành tạo sự thông thoáng cho cây, khi có sâu bệnh anh cũng chỉ sử dụng thảo dược để phun. Vì xác định trồng cây ăn quả sạch, anh còn thu mua cá tạp để ủ làm phân bón cho cây; trong quá trình ủ, anh tuân thủ quy trình cũng như thời gian để đảm bảo độ dinh dưỡng trong phân, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo anh Chính, vì trồng chanh theo hướng hữu cơ ngay từ khâu xuống giống nên chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với phương pháp truyền thống. Thời gian sinh trưởng của cây chanh leo ngắn, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì mỗi năm sẽ cho thu hoạch 2 vụ chính vào tháng 6 và tháng 12. Ngoài ra, cây tiếp tục cho quả rải rác trong các tháng sau khi thu hoạch vụ chính nên vẫn mang lại thu nhập cho người trồng. Anh Chính chia sẻ: “Trồng chanh leo theo hướng hữu cơ thì việc chăm sóc đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, quan sát và cắt tỉa hàng ngày. Vụ đầu tiên, tôi thu được 10 tấn quả. Hiện tại, giá cả ổn định khoảng 20.000 đồng/kg, sản phẩm được thương lái thu mua hết nên tôi cũng thấy yên tâm cho đầu ra của sản phẩm. Ngoài trồng chanh leo, hiện tôi cũng đang trồng hơn 1ha bưởi Ruby Thái Lan theo phương pháp này”.

Mô hình khởi nghiệp của anh Thành, anh Chính chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường của giới trẻ hiện nay, như: Mô hình trồng rau thủy canh của anh Bùi Đức Dương (tổ dân phố 5, phường Him Lam); mô hình trồng chanh leo của anh Lò Văn Biên (bản Nà Tấu 4, xã Nà Tấu); mô hình sản xuất gạo khép kín của HTX Thanh Yên (huyện Điện Biên) do anh Quản Bá Tới làm Giám đốc…. Qua những mô hình đó, cho thấy một sự chuyển động đáng khích lệ trong giới trẻ, không chỉ là hướng đi mới để tìm kiếm giá trị kinh tế mà còn giúp giới trẻ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: Hoàng Lâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/179264/gioi-tre-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep-sach