Giới trẻ làm mới nghệ thuật Tuồng truyền thống
Khi mà có những ý kiến lo ngại việc người trẻ không còn quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống thì đâu đó vẫn có những dự án 'làm mới' nghệ thuật truyền thống bằng tinh thần của tuổi trẻ, bằng trí tuệ của những người đam mê tìm tòi, sáng tạo, bằng trách nhiệm, sự đau đáu với vốn văn hóa dân tộc.
Loay hoay tìm khán giả
Là người theo đuổi nghệ thuật Tuồng hơn 40 năm, NSND Ánh Dương cho biết: "Những năm bắt đầu xóa bỏ bao cấp là thời gian mà Tuồng phát triển mạnh mẽ nhất, thời đó, chúng tôi gần như ngày nào cũng đi diễn, về các vùng nông thôn đi đến đâu cũng được nhân dân cổ vũ rất nồng nhiệt. Mỗi đêm diễn, người dân ở nơi đó đều nô nức đi xem, chật kín hết chỗ ngồi, bây giờ nhớ lại tôi nghĩ đó là thời huy hoàng nhất trong quá trình làm nghề của mình.
Còn bây giờ, khán giả ngày càng xa rời Tuồng bởi Tuồng kén rất kén người nghe, nó không như các loại nghệ thuật dân gian khác gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân. Muốn hiểu và yêu thích được Tuồng, khán giả phải hiểu được những tích Tuồng thì khi đi xem tại sân khấu biểu diễn mới có thể hiểu được người nghệ sĩ biểu diễn, biểu đạt nhân vật đó như thế nào. Đối tượng yêu thích Tuồng tôi nghĩ chỉ là những người trung tuổi, còn với các bạn trẻ thì khó lắm".
Đồng thời, hiện nay xã hội du nhập nhiều loại hình giải trí, khiến khán giả dần quên mất nghệ thuật truyền thống. NSND Minh Gái chia sẻ: "Tuồng bây giờ khác với ngày xưa rất nhiều. Ngày nay, ở nước ta du nhập rất nhiều nền văn hóa từ các nước khác trên thế giới nên xuất hiện nhiều chương trình giải trí hấp dẫn như: phim, ca nhạc, gameshow… Mà giới trẻ luôn thích hướng ngoại, chính vì thế, không chỉ riêng nghệ thuật Tuồng, các loại hình nghệ thuật truyền thống khác cũng đang đứng trước tình trạng thiếu vắng khán giả rất nhiều.
Hơn nữa, do cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng xô bồ khiến chúng ta luôn phải chịu áp lực với công việc, gia đình nên những lúc mệt mỏi khán giả sẽ chỉ thích xem những chương trình hài hước giúp giảm căng thẳng. Còn nghệ thuật Tuồng mang theo tính chất bi hùng, về lịch sử nhiều nên sẽ hơi khó với người xem. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bạn trẻ khi được tìm hiểu, học về Tuồng thì lại vô cùng yêu thích môn nghệ thuật này".
Đồng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng: "Nếu để nói Tuồng không có khán giả là không đúng. Nhưng hiện nay, khán giả Việt Nam vẫn chưa có thói quen bỏ tiền túi để thưởng thức các tác phẩm văn hóa nghệ thuật cổ truyền nói chung và Tuồng nói riêng. Rất nhiều khán giả tới dự các vở diễn tại rạp Hồng Hà, tuy nhiên họ đến xem nhờ vé mời của chương trình chứ không phải mua vé. Đây là rào cản lớn mà nhà hát cũng như những người nghệ sĩ đang gặp phải".
Sự sáng tạo trong cách tiếp cận
Trước thực trạng thiếu vắng khán giả, đâu đó vẫn có những người trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống và đang tạo ra những cách tiếp cận mới mẻ với khán giả. Trường Ca kịch viện là một dự án như thế.
Tạo nên một bảo tàng số cho nghệ thuật truyền thống, Yến Linh – Trưởng Ban tổ chức Trường Ca kịch viện chia sẻ: "Dự án ra đời năm 2020 do một nhóm bạn trẻ thành lập khi còn đang là học sinh, với ý tưởng xây dựng một "bảo tàng" online về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam với mục đích lan tỏa phổ cập đến giới trẻ về nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng một cách mới mẻ nhất thông qua số hóa di sản, ấn phẩm thiết kế đồ họa trong truyền thông hay tận dụng không gian số để góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống".
Tuồng – loại hình nghệ thuật đang dần bị lãng quên hơn so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng lại là ưu thế với dự án, Yến Linh cho biết: "Hiện nay, trong dự án của chúng tôi thông tin về nghệ thuật Tuồng là nhiều nhất. Bởi Tuồng mang đến chất liệu truyền thống rất là đa màu sắc, sự đa dạng qua từng thời kỳ, sự khác nhau khoảng cách địa lý, ví dụ cách vẽ mặt nạ Tuồng miền Bắc và miền Nam cũng đã có sự khác nhau rất nhiều, nên Tuồng đã mang đến rất nhiều ý tưởng để chúng tôi có thể sáng tạo".
Từ khi hoạt động cho đến nay, dự án Trường Ca kịch viện đã tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan đến nghệ thuật Tuồng như: tổng hợp các bài viết liên quan đến nghệ thuật Tuồng trên website, triển lãm online về mặt nạ Tuồng, tổ chức các tọa đàm.... Đặc biệt, trong năm vừa qua, dự án đã tổ chức sự kiện triển lãm "Bắc nhịp tang bồng", Tuồng cũng đã được dành một phân khu trưng bày rất nhiều sản phẩm của các nghệ sĩ và phân khu này đã được công chúng rất quan tâm và yêu thích. Ngoài ra, dự án còn công chiếu bộ phim về gánh hát Tuồng có tên "Đoạn trường vinh hoa", trong chuỗi sự kiện đó có sự góp mặt và đồng hành của rất nhiều nghệ sĩ Tuồng.
Gần đây nhất, nhóm bạn trẻ này đã có một dự án mới mẻ hơn khi kết hợp với nghệ sĩ bên Nhà hát Tuồng để tổ chức các buổi xem trực tiếp với giá sinh viên nhằm đưa Tuồng đến nhiều với các bạn trẻ, giúp cho Tuồng có thể xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn các loại hình giải trí hiện này.
Sự sáng tạo của các bạn trẻ không dừng lại ở việc truyền tải thông tin đến với công chúng mà còn thông qua các ấn phẩm để khán giả cảm thấy thích thú hơn về nghệ thuật Tuồng.
"Bộ bài Tuồng tích – một sản phẩm chúng tôi phải mất 2 năm mới có thể hoàn thành. Chúng tôi đã sử dụng thiết kế đồ họa trong lá bài được lấy cảm hứng từ nghệ thuật Tuồng. Đây là một hình thức giải trí mà hiện nay mọi người thường xuyên sử dụng, là trò chơi vừa hay, vừa tiện được nhiều người yêu thích nên rất phù hợp để ứng dụng làm sản phẩm. Minh chứng là khi sản phẩm mới được ra mắt công chúng trong triển lãm "Bắc nhịp tang bồng" đã được đông đảo các bạn trẻ hỏi mua và điều đó giúp cho chúng tôi có động lực để sáng tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa" – Yến Linh cho biết thêm.
"Phá cách" trong biểu diễn
Là người cảm nhận được vẻ đẹp qua sự bi hùng, sự tinh tế, sự sáng tạo và một tinh thần Việt rất mạnh mẽ của nghệ thuật Tuồng, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh đã ngày càng trở nên mặn mà và hứng thú với loại hình nghệ thuật này. Từ sự thích thú đó, anh đã "làm mới" lại và thổi một làn gió mới của tuổi trẻ của nghệ thuật dân tộc trong đương đại.
Nhắc đến Nguyễn Quốc Hoàng Anh, chắc chắn khán giả sẽ nhớ ngay đến dự án "Sơn hậu - Beyond the Mountain" được lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ nổi tiếng cùng tên, trình diễn lần đầu tại sân chơi khu tập thể B1 Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) do Hoàng Anh và Hà Nguyên Long thực hiện. Đây là vở diễn tương tác trên không gian thực, kết hợp nghệ thuật truyền thống, âm thanh điện tử và krumping (khiêu vũ đường phố).
Khi thực hiện vở diễn "Sơn hậu", Hoàng Anh mong muốn nhất là tạo không gian mới cho nghệ thuật truyền thống, để mỗi người xem được là một phần của vở diễn. "Tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng. Di sản và văn hóa bản địa sẽ trở thành một khái niệm văn hóa của hiện tại. Nó hoạt động như nền tảng - nơi sự sáng tạo mới kết hợp với các giá trị trong quá khứ, nơi công chúng cũng có thể cùng tạo ra các giá trị mới, chia sẻ và tương tác" – Hoàng Anh cho biết thêm.
Được coi là sự "phá cách" trong biểu diễn nhưng trong vở diễn Hoàng Anh thực hiện vẫn được giữ nguyên tính hình tượng của nghệ thuật tuồng cũng như lối diễn xướng đã tồn tại trăm năm, chủ yếu thay đổi không gian và âm nhạc với nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, để khán giả lớn tuổi được sống lại phút giây hoài niệm nhưng người trẻ xem cũng thấy cuốn hút. Không chỉ với "Sơn hậu" mà đến vở tuồng "Cõi thinh không" cũng đã cho thấy được một bước phát triển mới, sự sáng tạo vô biên của anh.
Dù gặp nhiều những ý kiến trái chiều nhưng không nản lòng, Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết: "Điều mà tôi quan tâm nhất là phải tìm được con đường phát triển cho nghệ thuật truyền thống, mang lại nguồn sinh khí mới, cảm giác mới khán giả, đặc biệt các bạn trẻ để có thể tiếp cận được với hơi thở đương đại. Mặc dù các dự án được tôi thực hiện dựa trên nền nhạc điện tử nhưng lối chơi nhạc vẫn theo phong cách truyền thống. Và chỉ cần chúng ta thay đổi phương tiện có thể tạo sức hấp dẫn cho các bạn trẻ với văn hóa truyền thống, sẽ góp phần giúp cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng vẫn được sống trong đương đại".
Hoàng Anh không phải là người trẻ duy nhất đang lội ngược dòng trở về với truyền thống trong sự kết nối đương đại bằng những dự án, những tác phẩm gây dấu ấn trong thời gian qua. Nhưng anh là người quyết liệt dám dấn thân trên con đường chông gai này, mang đến một tiếng nói mới, sáng tạo với tâm thế của một người khai mở. Anh cùng những cộng sự của mình đã thực hiện là thông qua nghệ thuật đương đại và âm nhạc thể nghiệm để tạo nên những cách tiếp cận giản dị, hấp dẫn, sinh động hơn.
Không chỉ có Trường Ca kịch viện hay Nguyễn Quốc Hoàng Anh quan tâm đến nghệ thuật Tuồng mà còn rất nhiều nhóm bạn trẻ đang quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam như: Chèo 48H, XplusX Studio, Sáng kiến văn hóa Việt Nam… Hy vọng, từ những ngọn lửa nhỏ này, những ngon lửa về tình yêu, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống mãi được trao truyền./.