Giới trẻ ngày càng thích học tập, làm việc ở quán cà phê

Đến quán cà phê học tập và làm việc ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Dù mỗi lần sử dụng quán cà phê, chi phí bỏ ra không hề rẻ.

Học tập và làm việc tại quán cà phê đang trở thành xu hướng trong giới trẻ. Ảnh: Phương Mai

Học tập và làm việc tại quán cà phê đang trở thành xu hướng trong giới trẻ. Ảnh: Phương Mai

Quán cà phê được coi là không gian học tập và làm việc lý tưởng

Trước đây, các quán cà phê thường được biết đến là không gian gặp gỡ, hẹn hò, tám chuyện với bạn bè hay góc sống ảo của các “tín đồ” đam mê chụp ảnh. Thì giờ đây, quán cà phê đã trở thành địa điểm học tập và làm việc lý tưởng của giới trẻ. Dạo một vòng quanh các quán cà phê tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm sinh viên, người trẻ đang cắm cúi vào laptop, sách vở. Không thể phủ nhận, cà phê học tập và làm việc đã trở thành xu hướng trong xã hội hiện nay.

Nguyễn Minh Khánh Trang - Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Nguyễn Minh Khánh Trang - Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Cứ đến mùa thi, Nguyễn Minh Khánh Trang, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại đều đặn mang laptop ra quán cà phê để học bài. Trang kể: “Vào dịp thi cử cao điểm, hầu như ngày nào tôi cùng một vài người bạn cũng ra quán cà phê học bài, mỗi lần như vậy kéo dài 2-3 tiếng. Đối với tôi đây là một cách học hiệu quả và năng suất, thấy mọi người xung quanh ai nấy cũng đều chăm chú học bài, làm việc khiến tôi có động lực học hơn”.

Khác với Khánh Trang, Nguyễn Diệu Vân (23 tuổi), đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chia sẻ rằng cô không chỉ đến quán cà phê trong mùa thi mà coi đây là thói quen thường xuyên. Vân cho biết tần suất làm việc tại quán của cô tối thiểu 3-4 lần/tuần, mỗi buổi kéo dài ít nhất 3 tiếng, thậm chí đến tận khi quán đóng cửa.

“Vì tính chất công việc khá đặc thù, tôi không thường xuyên phải đến cơ quan làm việc thay vào đó tôi lựa chọn các quán cà phê. Làm việc ở nhà khiến tôi bị xao nhãng bởi các thiết bị điện tử. Điều kỳ lạ là tôi lại làm việc hiệu quả hơn trong không gian đông đúc, ồn ào. Tiếng người nói, tiếng máy xay, tiếng nhạc… tất cả như tạo thành một thứ “tiếng ồn trắng” khiến tôi tập trung sâu, tôi có thể ngồi liền hàng giờ đồng hồ mà không quan tâm mọi thứ xung quanh”, Vân nói.

Vân cũng cho biết, cô thường xuyên gọi đồ uống có caffein tại quán cà phê để tập trung làm việc hơn. Là một tín đồ cà phê đích thực, cô không gắn bó với một quán cố định mà luân phiên thay đổi địa điểm để tìm cảm hứng mới mẻ mỗi ngày.

Lý giải cho nguyên nhân học tại quán cà phê khiến một số người cảm thấy tập trung hơn, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng (Journal of Consumer Research) cho thấy mức độ tiếng ồn xung quanh từ thấp đến trung bình ở một nơi như quán cà phê thực sự có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo và tập trung.

Nhà khoa học Ravi Mehta của Đại học Illinois (Mỹ) đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với 4 nhóm người được nghe các âm thanh với tần số khác nhau khi làm việc: thấp (50 decibels), trung bình (70 decibels), cao (85 decibels) và im lặng hoàn toàn. Kết quả thu được là nhóm nghe âm thanh ở tần số trung bình khi làm việc có mức độ tập trung và sáng tạo cao hơn, nhóm nghe âm thanh ở tần số cao lại cảm thấy rất khó chịu. Chính vì vậy, khi nghe được âm thanh ở tần số phù hợp, không quá ồn ào tại các quán cà phê sẽ giúp con người tăng sự sáng tạo và cảm hứng trong công việc.

Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Kobe Desender (ĐH Hamburg, Đức) cũng cho kết quả tương tự. Theo ông, việc nhiều người cùng làm việc tại một môi trường công cộng như quán cà phê sẽ là động lực cho mọi người thực hiện công việc của mình bởi họ nhìn thấy mọi người đều đang hoạt động và làm việc.

Học tập, làm việc tại quán cà phê có lãng phí?

Một thống kê của đơn vị nghiên cứu thị trường Mibrand được công bố gần đây chỉ ra, nhóm đi cà phê nhiều nhất tại Việt Nam là nhóm người có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng với tần suất 1-3 lần/tuần (chiếm 38%). Xếp sau đó là những nhóm thu nhập cao hơn với tần suất phổ biến tương tự. Thống kê này tập trung vào đối tượng những người tiêu dùng trẻ từ 18-30 tuổi, có sự đa dạng về đối tượng nhân viên văn phòng, làm việc tự do, sinh viên…

Đinh Thị Mai Phương (23 tuổi), nhân viên văn phòng. Ảnh: NVCC

Đinh Thị Mai Phương (23 tuổi), nhân viên văn phòng. Ảnh: NVCC

Lương 5 triệu nhưng Đinh Thị Mai Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chi tiền cho thói quen làm việc tại quán cà phê thường xuyên. Cô cho rằng đây là phương thức tiết kiệm nhất vì một cốc cà phê chỉ vài chục nghìn lại có thể ngồi lại nửa ngày để làm việc.

“Tôi xem đây là khoản đầu tư hợp lý. Thay vì ở nhà, tôi chọn quán cà phê như một không gian làm việc đa năng. Mỗi tháng chi khoảng 500.000-800.000 đồng, nhưng đổi lại tôi có môi trường tập trung, năng suất làm việc tăng gấp đôi, tôi thấy số tiền bỏ ra hoàn toàn xứng đáng với hiệu quả thu về”, Phương chia sẻ.

Mai Phương cũng cho biết, việc học tập tại quán cà phê sẽ phù hợp hơn với các bạn trẻ đã tự chủ về kinh tế. Cần phải cân nhắc để tránh trường hợp lãng phí tiền nhưng không mang lại hiệu quả.

Đồng quan điểm với Mai Phương, Ngô Quang Hải, làm việc tự do (freelancer), cũng cho rằng chi tiền cho việc đi cà phê là khoản chi hợp lý. “Tôi thích ra quán cà phê đẹp ngồi đọc sách hoặc nghiên cứu, làm việc. Tôi không chỉ gọi đồ uống mà còn thường đặt thêm bánh ngọt hoặc đồ ăn nhẹ, mỗi lần như thế tôi phải chi ra 50.000-100.000 đồng. Khoản tiền này không chỉ bao gồm mỗi chi phí pha đồ uống mà còn tính cả tiền điện, tiền thuê mặt bằng, tiền phục vụ, tiền wifi… và nhiều chi phí khác. Tôi thấy giá cả như vậy là hợp lý”, Hải kể.

Hải cũng nói thêm, làm việc ở quán cà phê còn cho anh nhiều cơ hội ra ngoài, giao lưu với bạn bè và mọi người thay vì ở nhà “cắm đầu” vào chiếc máy tính một mình toàn thời gian. Anh đánh giá cao văn hóa “học tập tại quán cà phê” ở Việt Nam, xem đây là một nét văn minh đáng được khuyến khích và phát triển.

Tiết kiệm với người này nhưng lại xa xỉ với người khác. Ngô Thị Lan, sinh viên trường Đại học Y Hải phòng cho biết, cô rất hiếm khi ra cà phê học bài. “Việc học tại quán cà phê đối với một sinh viên năm 2 chưa kiếm ra thu nhập như tôi là một thói quen xa xỉ. Trung bình một mỗi lần đi cà phê tôi phải bỏ ra từ 40.000-60.000 đồng, tương đương với tiền ăn một ngày của tôi. Đến quán nước rồi cầm điện thoại giết thời gian hoặc học tập không hiệu quả thì thực sự có chút lãng phí. Thay vào đó, tôi lựa chọn phương án học tại nhà và thư viện để tiết kiệm chi phí”, Lan nói.

Thật khó để nói rằng đi cà phê học tập và làm việc là lãng phí hay không, bởi nhu cầu của mỗi người là khác nhau và tự bản thân họ phải cân đối cho lựa chọn chi tiêu của chính mình.

Phương Mai

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/gioi-tre-ngay-cang-thich-hoc-tap-lam-viec-o-quan-ca-phe-179250402223915356.htm