Giới trẻ Trung Quốc chuyển sang lối sống tằn tiện khi kinh tế đất nước sa sút

Đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, giới trẻ Trung Quốc bắt đầu chuyển sang lối sống tằn tiện bằng cách cắt giảm chi tiêu, hạn chế giải trí và du lịch, sử dụng hàng nội thay vì các thương hiệu cao cấp của phương Tây.

Kinh tế khó khăn, thanh niên giảm chi tiêu

Những người tìm việc đang xem thông tin tại một hội chợ việc làm ở TP. Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi tháng 2-2022. Trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động 16-24 tuổi ở Trung Quốc đạt mức gần 19%, sau khi chạm mức kỷ lục 20% vào tháng 7. Ảnh: SIPA

Những người tìm việc đang xem thông tin tại một hội chợ việc làm ở TP. Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi tháng 2-2022. Trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động 16-24 tuổi ở Trung Quốc đạt mức gần 19%, sau khi chạm mức kỷ lục 20% vào tháng 7. Ảnh: SIPA

Trước đại dịch Covid-19, Doris Fu, chuyên gia tư vấn tiếp thị 39 tuổi ở Thượng Hải mường tượng một tương lai khác cho bản thân và gia đình: mua xe hơi mới, chuyển sang căn hộ lớn hơn, ăn món ngon vào cuối tuần và những kỳ nghỉ trên các hòn đảo nhiệt đới.

Tuy nhiên, hiện cô là một trong số nhiều người Trung Quốc ở độ tuổi 20-40 cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền mặt khi có thể trong bối cảnh giới chức trách tiếp tục áp đặt các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao và thị trường bất động sản chìm sâu vào cơn khủng hoảng.

Fu nói với Reuters: “Tôi không còn làm móng, làm tóc nữa. Tôi cũng chuyển sang sử dụng hoàn toàn các thương hiệu mỹ phẩm trong nước”.

Lối sống tiết kiệm mới này, được cổ vũ bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, là một mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP.

“Chúng tôi theo dõi hành vi của người tiêu dùng ở Trung Quốc trong 16 năm và trong khoảng thời gian đó, xu hướng giảm chi tiêu mà tôi chứng kiến ở những người tiêu dùng trẻ là điều đáng lo ngại nhất”, Benjamin Cavender, Giám đốc Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CMR), nói.

Chính sách ‘zero-Covid’ của Trung Quốc, bao gồm lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, các hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt, đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Chiến dịch chấn chỉnh của chính phủ đối với các công ty công nghệ lớn cũng có tác động lớn đến lực lượng lao động trẻ.

Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động 16-24 tuổi trong tháng 8 ở mức gần 19%, sau khi đạt mức kỷ lục 20% vào tháng 7. Theo hai cuộc khảo sát mới đây, một số lao động trẻ trong một số ngành đã bị giảm lương, ví dụ như trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử. Dữ liệu của nhà tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin cho thấy, mức lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1% trong 3 tháng đầu năm nay.

Trong bối cảnh đó, nhiều thanh niên Trung Quốc đã chuyển sang lối sống tiết kiệm thay vì phung phí như trước đây.

“Tôi thường đi xem 2 bộ phim mỗi tháng, nhưng tôi đã không bước vào rạp phim kể từ khi đại dịch xảy ra”, Doris Fu nói.

Trong tháng 7, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và phục hồi lên mức 5,4% vào tháng 8 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chủ yếu là 7% trong năm 2019.

Người dân tăng cường gửi tiền tiết kiệm

Theo cuộc khảo sát hàng quí gần đây nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), gần 60% người dân được hỏi có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu dùng hoặc đầu tư. Con số đó cách đây 3 năm là 45%.

Tổng thể, các hộ gia đình Trung Quốc đã gửi thêm 10,8 ngàn tỉ nhân dân tệ (1,54 ngàn tỉ đô la Mỹ) vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng trong 8 tháng đầu năm, tăng từ mức 6,4 ngàn tỉ nhân dân tệ của cùng kỳ năm ngoái.

Đó là một vấn đề lớn đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc, những người xem tiêu dùng trong nước là động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu duy nhất cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích thích nền kinh tế. Hôm 15-9, các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tiền gửi cá nhân, một động thái nhằm không khuyến khích tiết kiệm và thúc đẩy tiêu dùng.

Sau nhiều năm chủ nghĩa tiêu dùng được thúc đẩy nhờ lương tăng, tín dụng dễ dàng và làn sóng mua sắm trực tuyến, xu hướng tiết kiệm đang đưa thanh niên Trung Quốc đến gần hơn với lối sống tằn tiện.

“Với thị trường việc làm đang khó khăn và áp lực kinh tế đi xuống, cảm giác bất an và không chắc chắn của những người trẻ tuổi là điều mà họ chưa bao giờ trải qua trước đây”, Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hong Kong, nói.

Chế biến bữa ăn với chi phí 1,45 đô la Mỹ

Giới trẻ nghỉ ngơi và ăn đồ ăn mua mang đi bên ngoài một khu mua sắm ở Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Giới trẻ nghỉ ngơi và ăn đồ ăn mua mang đi bên ngoài một khu mua sắm ở Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Không giống như cha mẹ của họ, giới trẻ Trung Quốc đang bày tỏ và chia sẻ lối sống tiết kiệm của họ trên không gian mạng.

Một phụ nữ khoảng 20 tuổi ở thành phố Hàng Châu, có nickname là Lajiang, đã thu hút được hàng trăm ngàn người theo dõi khi đăng hơn 100 video về cách chế biến món ăn với chi phí chỉ 10 nhân dân tệ (1,45 đô la Mỹ) trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu và nền tảng phát trực tuyến Bilibili.

Trong video dài một phút có gần 400.000 lượt xem, Lajiang xào một món ăn làm từ phi lê cá ba sa trị giá 4 nhân dân tệ, tôm đông lạnh 5 nhân dân tệ và rau củ 2 nhân dân tệ.

Các cuộc thảo luận rôm rả trên các mạng xã hội cũng chia sẻ các mẹo tiết kiệm tiền, chẳng hạn như thử thách ‘chi tiêu chỉ 1.600 nhân dân tệ một tháng’ cho cuộc sống Thượng Hải, một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc.

Yang Jun, 28 tuổi, người nợ thẻ tín dụng lớn trước đại dịch, đã thành lập một nhóm có tên là Viện Nghiên cứu chi tiêu tiết kiệm trên trang trang mạng xã hội Douban vào năm 2019. Cho đến nay, nhóm này đã thu hút hơn 150.000 thành viên. Yang Jun cho biết cô đang giảm chi tiêu và bán một số đồ đạc không cần thiết của mình trên các trang bán đồ cũ để kiếm tiền.

“Covid-19 đã khiến mọi người bi quan. Bạn không thể duy trì lối sống giống như trước đây: tiêu hết số tiền kiếm được, và kiếm lại vào tháng sau”, cô nói và cho biết thêm hiện cô đã trả hết nợ.

Yang Jun đã từ bỏ thói quen uống cà phê Starbucks hàng ngày, chuyển sử dụng thương hiệu phấn trang điểm Givenchy sang thương hiệu hiệu Florasis của Trung Quốc, có giá bán rẻ hơn khoảng 60%.

Thương hiệu hàng xa xỉ của Pháp LVMH, sở hữu Givenchy và chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đều ghi nhận doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong quí gần nhất.

Trung Quốc vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào về thời điểm hoặc cách thức họ sẽ thoát khỏi chính sách ‘zero Covid’ của mình. Trong khi các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện hàng loạt biện pháp khác nhau với hy vọng thúc đẩy tiêu dùng, từ trợ cấp cho người mua xe điện đến phiếu mua hàng miễn phí, nhưng trọng tâm của sự chú ý và dòng tiền lớn hơn đang hướng đến các dự án cơ sở hạ tầng như một cách để kích thích nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, sự ổn định là chủ đề chính đối với giới chức trách Trung Quốc trong năm nay khi Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị cho nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng tới.

“Trước đây, mỗi lần kinh tế Trung Quốc sa sút, người tiêu dùng có nhiều khả năng cảm thấy rằng chính sách của chính phủ sẽ khắc phục vấn đề này rất nhanh chóng”, Benjamin Cavender, Giám đốc CMR, nói. Theo ông, thách thức hiện nay đối Trung Quốc là giới trẻ không biết tương lai của họ sẽ ra sao.

Doris Fu cho biết biết cô đã hoãn kế hoạch bán hai căn hộ nhỏ để tậu một căn lớn hơn nằm gần khu trường học tốt hơn cho con trai mình. Cô cũng từ bỏ kế hoạch nâng cấp lên xe mới từ chiếc Volkswagen Golf của mình.

“Vì sao tôi không dám nâng cấp nhà và xe của mình, dù tôi có tiền? Vì mọi thứ đều bất ổn”, Fu đặt câu hỏi và tự trả lời.

Theo Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-tre-trung-quoc-chuyen-sang-loi-song-tan-tien-khi-kinh-te-dat-nuoc-sa-sut/