'Giới trẻ Việt Nam bây giờ chơi chữ quá hay'

Tác giả Dương Thành Truyền nhận xét 'giới trẻ Việt Nam bây giờ chơi chữ quá hay' khi chia sẻ về thời đại nhạc Rap lên ngôi.

Nhà xuất bản Trẻ tổ chức buổi giao lưu cùng 5 tác giả tại Đường sách TPHCM nhân dịp 11 cuốn sách của bộ Tiếng Việt giàu đẹp ra mắt bạn đọc. Sự kiện hướng đến những người yêu tiếng Việt và làm việc trong lĩnh vực sáng tạo với buổi giao lưu cùng các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa.

Cuộc trò chuyện xoay quanh 3 chủ đề về ngôn ngữ tiếng Việt: Những hiện tượng chơi chữ thú vị của tiếng Việt; Phương ngữ vùng miền: đậm đà, đa dạng và Tiếng Việt trong ngôn từ hiện đại - một sinh ngữ không ngừng phát triển.

Buổi giao lưu có sự tham gia của 5 tác giả đóng góp nhiều tựa sách đặc sắc cho bộ Tiếng Việt giàu đẹp, gồm: GS.TS. Nguyễn Đức Dân (Nỗi oan thì, là, mà; Từ câu sai đến câu hay; Triết lý tiếng Việt; Muôn màu lập luận); Phó GS.TS. Trần Thị Ngọc Lang (Tiếng Việt Phương Nam); PGS.TS. Trịnh Sâm (Đi tìm bản sắc tiếng Việt); Nhà báo Dương Thành Truyền (Tình ca tiếng nước ta) và Nhà báo Lê Minh Quốc (Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm).

Các tác giả của bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp”. Từ phải qua: nhà báo Lê Minh Quốc, Phó GS.TS. Trần Thị Ngọc Lang, GS.TS Nguyễn Đức Dân, Phó GS.TS. Trịnh Sâm và nhà báo Dương Thành Truyền. Ảnh: Sơn Trà

Các tác giả của bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp”. Từ phải qua: nhà báo Lê Minh Quốc, Phó GS.TS. Trần Thị Ngọc Lang, GS.TS Nguyễn Đức Dân, Phó GS.TS. Trịnh Sâm và nhà báo Dương Thành Truyền. Ảnh: Sơn Trà

Bàn về miền đất phương Nam nhiều sông lắm rạch, bà Trần Thị Ngọc Lang tâm đắc khi cho rằng điều kiện tự nhiên là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng tiếng Việt phong phú. Nam Bộ là mảnh đất màu mỡ tập trung nhiều dân tộc anh em (Khmer, Chăm, Hoa…) từ đầu thế kỷ XVII, khi “tiếp đón” những đợt di dân của vùng đất “ngũ quảng” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đức - tức Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị). Nhờ vậy, người miền Nam có thể sử dụng những từ mượn (tiếng Quảng Đông) để gọi tên một số loại thức ăn: “lạp xưởng”, “xíu mại”, “xí muội”...

“Tiếng Sài Gòn là một ‘bán’ ngôn ngữ vì có sự tiếp xúc của người dân ở các khu vực khác đến. Từ đó, hình thành sự vay mượn lẫn nhau. Với người miền Nam, chúng ta không ngạc nhiên khi có món bún canh giò heo nhưng cũng không xa lạ với miếng bánh da lợn”, tác giả Ngọc Lang nói thêm.

Xoay quanh chủ đề “phương ngữ”, tác giả Lê Minh Quốc nhận định sau 10 năm nghiên cứu rằng, bản sắc văn hóa tiếng Việt nằm trong ca dao, tục ngữ và lời ăn tiếng nói của ông cha. Tiếng Việt phát triển qua thời gian, giao thoa và hòa hợp với nhiều ngôn ngữ, văn hóa khác.

“Bất kỳ tư tưởng, ngôn ngữ hay tôn giáo nào khi 'du nhập' vào Việt Nam đều chịu sự tác động và nương theo cách sử dụng của người Việt”, tác giả nhấn mạnh.

Tác giả Dương Thành Truyền nhận xét “giới trẻ Việt Nam bây giờ chơi chữ quá hay” khi chia sẻ về thời đại nhạc Rap lên ngôi. Ông lấy ví dụ cách chơi chữ lái như: “Đừng mơ ảo mà làm hao mỡ” hay “Những chuyện cám dỗ mình nên cố giảm”. Miễn chúng ta am hiểu tiếng Việt, việc chơi chữ trở nên dễ dàng.

Tác giả Dương Thành Truyền phản đối việc xen tiếng Anh vô lối vào câu tiếng Việt nhưng thích thú với cách chơi chữ “song ngữ” sáng tạo như trong tựa bài hát Mời anh vào team (tim) em của Chi Pu, See (si) tình của Hoàng Thùy Linh hay tên sách Tự “teen” (tin) sải bước vào đời. Ông đánh giá đây là cách chơi chữ thông minh, dựa trên tâm thức người Việt.

Thảo luận về tính nhịp điệu của ngôn ngữ, tác giả Trần Thị Ngọc Lang dựa trên cơ sở tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập nên các âm tiết trùng với hình vị và từ đều có nghĩa. Mọi tầng lớp đều sử dụng nhuần nhuyễn phép điệp và phép đối trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, đặc biệt ở thành ngữ, tục ngữ và quán ngữ Việt Nam, như Ăn có nơi, chơi có chỗ, Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi hoặc Có phúc sinh con biết lội, có tội sinh con hay trèo...

Phản bác quan niệm “ca dao miền Bắc tròn trịa hơn ca dao miền Nam”, tác giả Lê Minh Quốc chứng minh: “Văn hóa Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam. Dựa trên cơ sở này, chúng ta mới thấy cái hay của ca dao hai miền. Mượn câu Nước mắt em rớt trên kẹt rào - Bao giờ phụ mẫu ra chào em buông, không ai thay thế từ kẹt rào trong câu ca dao miền Nam trên”. Tác giả Trịnh Sâm cho biết thêm, ca dao của mỗi miền sẽ nói lên cá tính của con người và từng vùng đất ở khu vực đó.

Tác giả Nguyễn Đức Dân chia sẻ ngôn ngữ nước ta có nhiều triết lý, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Văn nói hay văn viết đều có trật tự từ, được tác động bởi quan hệ nhân quả (nghèo - hèn, giàu - sang, đổ - vỡ). Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam tưởng chừng trái ngược nhưng không hề mâu thuẫn, người Việt ai cũng tỏ tường những câu Học thầy không tày học bạnKhông thầy đố mày làm nên, Con ông cháu cha hay Mẹ tròn con vuông... Tác giả lý giải bằng phương pháp biểu trưng được chia sẻ trong cuốn sách Triết lý tiếng Việt.

Tác giả Lê Minh Quốc khẳng định: “Mọi sự cải cách tiếng Việt đều dẫn đến một kết quả rực rỡ - đó là thất bại”. Tiếng Việt vốn đã ổn định, như tình cảm trìu mến của người nói câu anh yêu em, luôn hiện hữu ý nghĩa rõ ràng.

Về việc gìn giữ tiếng Việt cho người Việt sống ở nước ngoài, tác giả Nguyễn Đức Dân khuyên họ nên chia sẻ những chuyện thường ngày, còn tác giả Lê Minh Quốc mong muốn bạn trẻ trò chuyện xoay quanh chủ đề ngôn từ được sử dụng trong Truyện Kiều hay trích từ tác phẩm Lục Vân Tiên nhằm thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của tiếng Việt.

Bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp". Ảnh: NXB Trẻ

Bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp". Ảnh: NXB Trẻ

Sơn Trà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gioi-tre-viet-nam-bay-gio-choi-chu-qua-hay-2324671.html