Giồng Cám - Địa danh đã đi vào lịch sử

Di tích lịch sử (DTLS) Giồng Cám thuộc địa phận xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là nơi ghi dấu chiến tích Nam kỳ khởi nghĩa của quân - dân Đức Hòa. Mặc dù không đạt được thắng lợi nhưng phong trào đã nêu cao tinh thần yêu nước, mưu trí của quân ta và là bài học quý giá cho phong trào khởi nghĩa vũ trang sau này.

Di tích lịch sử Giồng Cám

Di tích lịch sử Giồng Cám

Người dân Đức Hòa Thượng quen gọi DTLS Giồng Cám là bia Nam kỳ khởi nghĩa vì bởi tại đó, các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa đã tiêu diệt 2 tên ác ôn là Quản Nên và Bếp Nhung vào năm 1940.

Phong trào Nam kỳ khởi nghĩa được Xứ ủy Nam kỳ lãnh đạo trong bối cảnh thực dân Pháp đầu hàng Nhật, chúng tăng cường đàn áp, bắt giam nhiều cán bộ của ta. Khí thế khởi nghĩa sôi sục, tuy nhiên, do bị lộ nên kế hoạch vạch ra không thể thực hiện được. Trước tình hình đó, ban chỉ đạo khởi nghĩa Đức Hòa dùng kế “điệu hổ ly sơn” để tiêu diệt Quản Nên và Bếp Nhung, 2 tên ác ôn khét tiếng lúc bấy giờ. Ta cho người đến báo “Cộng sản đang ở trong Giồng Cám”, hay tin, Quản Nên, Bếp Nhung cùng một toán lính đi vào khu vực Giồng Cám - địa điểm nhà dân thưa thớt, cây cối mọc như rừng, có nhiều cây cám, dứa gai. Điểm phục kích là một cánh rừng mọc đầy các loại cây dại rậm rạp. Khi chúng lọt vào ổ phục kích, ta nổ súng và truy đuổi, tiêu diệt được Quản Nên và Bếp Nhung, sau đó nhanh chóng phân tán lực lượng rút về Tây Ninh, Thủ Thừa.

Ngay sáng hôm sau, ngày 24/11/1940, Pháp đàn áp dã man, chúng đốt 40 căn nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách vì chúng cho rằng đó là chiến hào phục kích của ta. Chưa dừng lại ở đó, tại các địa phương khác, bọn chúng gom hàng chục người, đa số là phụ nữ, trẻ em rồi tưới xăng thiêu sống. Mặc dù vậy, người dân và nhiều chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa ở Đức Hòa không hề nao núng, vẫn hiên ngang trước họng súng kẻ thù.

Tinh thần bất khuất đó đã được tiếp nối cho đến ngày nay. Đức Hòa Thượng vươn mình trở thành xã nông thôn mới và đang trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Sự rậm rạp, hoang vu của khu di tích ngày xưa được thay bằng hình ảnh vùng quê thanh bình, phát triển. Con đường lầy lội năm nào nay trở thành đường nhựa, xe cộ qua lại dễ dàng. Hai bên đường, nhà dân san sát. Bà Liêu Thị Miễu (92 tuổi, ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng) cho biết: “Ngày xưa vất vả bao nhiêu thì cuộc sống bây giờ thanh bình và tốt đẹp bấy nhiêu. Đường thì rộng, đẹp, ai cũng có nhà kiên cố, có xe máy, tivi, có điện, nước sạch tới tận nhà”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Trần Quốc Thư, hệ thống kênh thủy lợi Phước Hòa ngang qua xã đã giúp việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn. Đời sống người dân trong xã được nâng lên từng ngày. Đức Hòa Thượng đang từng ngày phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân Đức Hòa Thượng cũng luôn ghi nhớ và phát huy truyền thống hào hùng của cha anh.

Ông Trần Quốc Thư nói: “Trên địa bàn xã có 2 DTLS là Giồng Cám và Nhà ông Bộ Thỏ. Cả 2 đều được phân công người chăm sóc, bảo quản. Hàng năm, cứ vào dịp hè, Đoàn Thanh niên phối hợp trường học tổ chức cho học sinh đến thắp hương, ôn lại truyền thống tại di tích để các cháu hiểu được truyền thống của quê nhà”./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giong-cam-dia-danh-da-di-vao-lich-su-a140100.html