Giọng nữ ngọt ngào, bí ẩn phát thanh suốt 6 tháng hóa ra là AI, thính giả sốc nặng

Một đài phát thanh ở Úc đang hứng chịu chỉ trích sau khi thừa nhận đã sử dụng một MC giọng nữ được tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI) trong suốt sáu tháng mà không hề công bố, cho đến khi thính giả bắt đầu đặt nghi vấn về danh tính của 'cô gái bí ẩn'.

Không họ tên, không tiểu sử và những câu nói lặp đi lặp lại

CADA – một nhánh của Mạng lưới Phát thanh Úc (Australian Radio Network, viết tắt ARN), đã giới thiệu một giọng dẫn mới tên Thy vào năm ngoái trong chương trình riêng có tên Workdays with Thy. Giọng nữ trẻ trung này xuất hiện đều đặn 4 tiếng mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, phát nhạc và trò chuyện cùng thính giả. Mọi chuyện dường như trơn tru cho đến khi nhiều người nghe bắt đầu cảm thấy... lạ.

Điều khiến thính giả nghi ngờ chính là việc không thể tìm thấy bất kỳ thông tin cá nhân nào về MC tên Thy. Cô không có họ, không có tiểu sử, không hình ảnh hậu trường. Đáng nói hơn, một số người nhận ra rằng có những cụm từ như “old school” được Thy phát âm y hệt nhau mỗi lần lặp lại – một điều rất hiếm gặp ở người thật. Các giả thuyết bắt đầu lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, buộc CADA phải đưa ra lời giải thích.

“Thy là ai? Cô ấy đến từ đâu? Tại sao lại không có bất kỳ thông tin gì về người dẫn chương trình này?”, cây bút người Sydney, Stephanie Coombes, đặt câu hỏi trên blog cá nhân.

Ảnh: Mạng lưới Phát thanh Úc (Australian Radio Network - ARN)/CADA

Ảnh: Mạng lưới Phát thanh Úc (Australian Radio Network - ARN)/CADA

Cuối cùng, người phụ trách dự án tại ARN, ông Fayed Tohme, đã thừa nhận: Thy thực chất là một sản phẩm của công nghệ tạo giọng nói AI, được phát triển bởi công ty ElevenLabs.

“Không có micro, không phòng thu, chỉ là mã lệnh và cảm hứng,” ông Tohme viết trong một bài đăng LinkedIn (sau đó đã bị xóa). “Đây là một thử nghiệm giữa ARN và ElevenLabs nhằm đẩy xa giới hạn của khái niệm ‘phát thanh trực tiếp’.”

Không phạm luật, nhưng mất điểm lòng tin

Theo luật hiện hành tại Úc, không có quy định nào cấm các đài phát thanh sử dụng nội dung do AI tạo ra. Tuy nhiên, CADA và ARN đã bị chỉ trích nặng nề vì không minh bạch, khiến thính giả tin rằng họ đang nghe một con người thật.

Sau khi sự việc bị phát giác, ARN đã phát đi thông cáo thừa nhận có thử nghiệm AI trong phát thanh, nhưng đồng thời khẳng định không có ý định thay thế hoàn toàn người dẫn chương trình bằng công nghệ.

“Đây là lĩnh vực mà các đơn vị phát thanh trên thế giới đều đang khám phá,” đại diện ARN cho biết. “Cuộc thử nghiệm đã mang lại nhiều bài học, và quan trọng hơn, nó càng nhấn mạnh giá trị đặc biệt của con người trong việc tạo ra nội dung thực sự hấp dẫn.”

Việc các bản tin truyền hình sử dụng MC ảo không còn xa lạ, và sự việc tại ARN cho thấy ngành phát thanh cũng không nằm ngoài cuộc đua ứng dụng AI. Điều khiến dư luận quan ngại chính là khả năng “diễn xuất” ngày càng hoàn hảo của các công cụ giọng nói nhân tạo. Việc “Thy” phát sóng suốt nửa năm mà không ai nhận ra cô không có thật đã khiến giới công nghệ càng thêm tin tưởng vào tiềm năng thay thế nhân lực bằng AI trong tương lai gần.

Một số chuyên gia truyền thông cho rằng: nếu công nghệ tiếp tục phát triển mà không có ranh giới rõ ràng giữa người thật và AI, niềm tin giữa nhà đài và thính giả có thể bị xói mòn nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra không chỉ là có nên dùng AI hay không, mà còn là nên công khai như thế nào để bảo vệ quyền được biết và sự minh bạch trong truyền thông.

Sự kiện “MC ảo Thy” có thể chỉ là bước đầu trong làn sóng công nghệ mới, nhưng cũng đã kịp đánh động cả ngành phát thanh truyền thống về cách làm nội dung trong thời đại AI.

Ngọc Bảo (Theo ODD)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/giong-nu-ngot-ngao-bi-an-phat-thanh-suot-6-thang-hoa-ra-la-ai-thinh-gia-soc-nang-15355.html